Công bố tình huống khẩn cấp sự cố sụt lún mái đê sông Mã
Ngày 18/10, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sự cố sụt lún mái đê tả sông Mã đoạn từ K49+950-K50+950, tại xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa.
Theo đó, từ ngày 28/9 đến ngày 4/10 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn đã gây ra một đợt lũ ở một số sông, làm cho sụt lún mái đê phía sông đoạn từ K49+950-K50+950 đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa với chiều dài khoảng 1.000 m; vị trí sụt lún sát mép bê tông mặt đê, đặc biệt có 2 vị trí xuất hiện cung trượt và sụt lún sâu (đoạn từ K49+950-K50+010, dài 60 m, xảy ra ngày 1/10/2022 và đoạn từ K50+200- K50+280, dài 80 m, xảy ra ngày 4/10/2022), điểm sụt lún sâu nhất 1,3 m; sát chân đê phía sông là mương tiêu. Tiếp đó, từ ngày 4/10 đến ngày 9/10, diễn biến sạt lở tiếp tục phát triển, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân 5 xã giáp đê vùng tả sông Mã, với số dân được bảo vệ khoảng 29.000 người.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND thành phố Thanh Hóa thực hiện các biện pháp cảnh báo, cắm biển báo sự cố công trình, phân luồng giao thông ngăn cấm xe ô tô tải chạy trên đê qua khu vực xảy ra sự cố. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố công trình, đặc biệt khi lũ lên báo động II, trường hợp phát hiện sự cố tiếp tục phát triển, có nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê tả sông Mã, phải báo ngay về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê tả sông Mã. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng xử lý khi sự cố phát triển, thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sự cố công trình.
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Thanh Hóa trong việc theo dõi diễn biến sự cố, hướng dẫn tổ chức xử lý các tình huống phát sinh (nếu có) ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế sự cố phát triển thêm; thường xuyên cập nhật, báo cáo UBND tỉnh tình hình diễn biến sụt lún và tiến độ khắc phục xử lý sự cố.