Đảm bảo cung ứng điện liên tục cho nền kinh tế

08:10 03/07/2024

Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) trong 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi mạnh dẫn đến nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Tuy nhiên, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng cuối năm 2024, hệ thống điện cơ bản được đảm bảo, dự báo sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tương đương với kế hoạch đã được phê duyệt.

Xây dựng kịch bản nắng nóng cực đoan kéo dài

Cục Điều tiết Điện lực cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 6 tháng ước đạt hơn 151 tỷ kWh, cao hơn 776 triệu kWh so với kế hoạch cung cấp điện năm của Bộ Công Thương. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 là 833,5 triệu kWh/ngày, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2023. Đến thời điểm này, công tác vận hành hệ thống, huy động nguồn điện được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trên cả nước, nhất là mùa khô năm 2024.

Theo tính toán của EVN, hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng nhu cầu công suất phụ tải, tuy nhiên mức độ dự phòng công suất nguồn điện còn thấp. Cụ thể, trong tháng 7/2024 với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố/suy giảm công suất, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất. Trong trường hợp này sẽ quyết liệt triển khai việc điều hành dịch chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm, đồng thời huy động thêm các nguồn phát Diesel mượn của khách hàng để đảm bảo cung ứng đủ điện.

Trong tháng 7/2024, đường dây 500 kV mạch 3 sẽ hoàn thành.

Trong giai đoạn tháng 8 – 12, dự phòng công suất hệ thống điện miền Bắc vẫn còn thấp, các đơn vị phát điện cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đảm bảo duy trì công suất khả dụng và độ sẵn sàng của thiết bị. Đối với hệ thống điện miền Nam và miền Trung đáp ứng đủ nhu cầu công suất đỉnh trong cả năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, các mỏ khí dừng hoạt động để bảo dưỡng sửa chữa và để đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống điện miền Nam, cần thiết huy động các nguồn linh hoạt như chuyển sang chạy bằng nhiên liệu dầu DO, bổ sung khí LNG cho các tổ máy tuabin khí và các tổ máy chạy dầu Cần Thơ, Thủ Đức... để đáp ứng phụ tải đỉnh cũng như đáp ứng phụ tải cao điểm tối khi nguồn điện mặt trời không phát công suất.

Theo đó, dự kiến tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu trong 6 tháng cuối năm 2024 tương đương so với kế hoạch năm đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-BCT ngày 19/4/2024. Việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo.

Để đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng còn lại của năm 2024, Cục Điều tiết Điện lực cho biết, sẽ triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ như nâng cao hiệu quả điều hành hệ thống điện và thị trường điện; đảm bảo đầu tư xây dựng các công trình điện; Tiếp tục thực hiện điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện; Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đàm phán giá với các dự án chuyển tiếp; đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với các dự án đã đến kỳ hòa lưới theo quy định của pháp luật.

Đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm

Theo EVN, dự báo nhiệt độ trung bình trên cả nước trong tháng 7 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C, Đây cũng là tháng cao điểm nắng nóng ở miền Bắc. Do đó, nhu cầu điện dự báo có thể tiếp tục tăng cao. Tập đoàn đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực/Công ty Điện lực nắm bắt hàng tuần tình hình sản xuất kinh doanh, sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện bao gồm kịch bản nắng nóng kéo dài, nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20 về việc tuyên truyền và thực hiện tiết kiệm điện.

Các tổng công ty phát điện và các nhà máy điện tập trung theo dõi cung ứng than, chuẩn bị các phương án dự phòng, đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện và duy trì mức tồn kho theo quy định. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Than Đông Bắc và chủ đầu tư các nguồn điện khác để đảm bảo cung ứng đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống.

Đặc biệt, về đầu tư xây dựng, ngành sẽ quyết liệt triển khai, đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, như các dự án nhà máy thuỷ điện Hòa Bình mở rộng (mục tiêu phát điện năm 2025), Ialy mở rộng (mục tiêu phát điện năm 2024), trong đó tập trung thực hiện đầu tư xây dựng và nỗ lực để hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, các đơn vị đang tập trung cao độ cho thi công, cung cấp vật tư thiết bị cho dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối và các dự án nguồn, lưới điện trọng điểm; làm việc với các địa phương để bàn giao các khoảng néo còn lại, đôn đốc tiến độ cung cấp vật tư thiết bị; đảm bảo tiến độ đồng bộ trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa, các thiết bị kháng, tụ bù… phục vụ đóng điện các dự án.

Cùng đó, EVN sẽ khẩn trương hoàn thành các công trình lưới điện để tăng cường nhập khẩu điện như: Đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ, trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây đấu nối, đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống.

Theo EVN, ngày 30/6, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công Dự án đường dây 500 kV mạch 3 cung đoạn Thanh Hóa – Nam Định, đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 2/7, Trạm biến áp 500kV Phố Nối (Hưng Yên) - điểm cuối cùng của công trình 500 kV mạch 3 đã hoàn tất việc lắp đặt, sẵn sàng đón điện từ miền Nam kéo ra. Để hoàn thành hạng mục sớm hơn dự kiến, những công nhân, kỹ sư miệt mài với công việc đào đắp, lắp ráp thiết bị dưới tiếng ro ro của dòng điện cao thế.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài là dự án trọng điểm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia. Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài có chiều dài 514km, được nối từ Quảng Trạch ra Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 23.000 tỉ đồng. Dự án này được phê duyệt trong tổng sơ đồ điện 8 để thực hiện truyền tải điện liên miền ra miền Bắc, tăng khả năng cung ứng điện.

Lưu Hiệp

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文