Đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng

05:53 27/06/2025

Chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp). Có 72,5% người lao động đã lập gia đình cho biết, tiền lương, thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của họ. Rất nhiều người phải vay mượn thường xuyên để ổn định cuộc sống…

Đó là thực trạng đời sống của công nhân, người lao động theo kết quả khảo sát được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 – 4/2025. Do đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là rất cấp thiết hiện nay. Tại phiên họp thứ nhất Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 26/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng là tăng 9,2% và 8,3%. 

Chật vật vì lương thấp

Người lao động đang chật vật khi mức lương hiện nay không đủ sống, đó là khái quát về kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 – 4/2025 với gần 3.000 người lao động trả lời phiếu tại 10 tỉnh, thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, có 54,9% người lao động cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% người lao động phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% người lao động không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong bối cảnh thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của gia đình dẫn đến người lao động phải "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống. Nhiều trường hợp phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy có 12,5% người lao động thường xuyên (hàng tháng) phải vay mượn tiền để ổn định cuộc sống; 29,9% người lao động thỉnh thoảng (3 – 4 tháng/lần) phải vay mượn tiền.

Đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng -0
Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng hiện là vấn đề rất cấp thiết. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

 Chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp). Như vậy, còn một bộ phận không nhỏ người lao động chưa có mức dinh dưỡng ổn định và đầy đủ. Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hiệu quả và năng suất lao động, đồng thời cũng làm giảm chất lượng cuộc sống của họ và gia đình. Có tới 72,6% tổng số người chưa lập gia đình cho biết tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ. Người lao động cảm thấy mức thu nhập hiện tại không đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định khi bắt đầu lập gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng.

Có 72,5% người lao động đã lập gia đình cho biết, tiền lương, thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của họ. Mức thu nhập ở mức đủ sống khiến các cặp vợ chồng lo lắng về khả năng tài chính để nuôi dạy con cái. Trong khi chi phí nuôi con, đặc biệt là chi phí giáo dục và chăm sóc sức khỏe ngày càng đắt đỏ nên họ đang trì hoãn sinh con để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình. Đặc biệt, 6,9% người lao động cho biết tiền lương của họ không đáp ứng được nhu cầu chi cho giáo dục con cái. Đây là một con số đáng lo ngại, có thể dẫn đến việc con cái họ không được tiếp cận với giáo dục chất lượng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp của thế hệ tương lai.

Về chi phí khám chữa bệnh, có 44,1% người lao động cho biết thu nhập của họ chỉ đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh ở mức cơ bản. 38% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. 5,6% hoàn toàn không đủ mua thuốc và khám chữa bệnh. Đại đa số người lao động không có khả năng tài chính để chủ động chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt khi gặp các vấn đề y tế nghiêm trọng hoặc cần điều trị dài hạn. "Với thực trạng trên, việc tiếp tục điều chỉnh sớm tiền lương tối thiểu vùng là quan trọng, cấp bách và hết sức cần thiết đối với người lao động và gia đình họ", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định.

Mong muốn tăng lương sớm

Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 26/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng là 9,2% và 8,3%. Về điều chỉnh lương tối thiểu giờ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xác định mức lương tối thiểu giờ dựa trên quy đổi lương tối thiểu tháng và có hệ số điều chỉnh. Hiện nay mức lương tối thiểu tháng vùng I là 4.960.000 đồng/tháng; vùng II là 4.410.000 đồng/tháng; vùng III là 3.860.000 đồng/tháng; vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng. Với phương án 1, mức tăng sẽ từ 320.000 – 450.000 đồng và phương án 2, mức tăng sẽ từ 290.000 – 410.000 đồng.

Đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho hay, các bên liên quan hiện vẫn đang trong quá trình thương lượng, chưa đi đến thống nhất cuối cùng. Tuy nhiên, theo ông Phòng, mức tăng nên dao động từ 3 – 5%. Mức tăng này là vừa đủ để không tạo áp lực lên phía doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo được dư địa cho doanh nghiệp thích ứng. Cùng với đó, ông Phòng cho rằng, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 NQ/TW thì doanh nghiệp cũng cần nguồn lực, do đó với mức tăng lương tối thiểu vùng ở mức vừa phải thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện để thực hiện các đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ở góc độ đại diện cho công nhân lao động, ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, 2 phương án được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất đã được tính toán dựa trên biến động giá cả, mức sống tối thiểu và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Các mức tăng này vẫn bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh còn nhiều thách thức hiện nay.

“Đề xuất căn cứ trên bối cảnh nền kinh tế nói chung, mục tiêu phát triển kinh tế cùng với những dự báo tới đây. Bên cạnh đó là khảo sát và điều tra nắm bắt thường xuyên của tổ chức công đoàn. Đề xuất cũng góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc tập trung cải thiện, nâng cao điều kiện sống, mức sống, an sinh xã hội cho người lao động. Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2026”, ông Nhạc Phan Linh cho hay.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, trên nguyên tắc, Hội đồng Tiền lương Quốc gia lẽ ra cần họp và thương lượng sớm hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là sau thời gian dài phục hồi hậu COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chia sẻ và thống nhất lùi thời điểm thương lượng. Các bên sẽ tiếp tục thương lượng về phương án tăng và thời điểm áp dụng. Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như mong muốn chung của người lao động là áp dụng thời điểm tăng sớm để giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Phan Hoạt

Liên quan thông tin “Mẹ Bắp” chiếm đoạt tiền từ thiện, ngày 24/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đối với bà Lê Thị Thu Hòa, trú thôn Nho Lâm, xã Thuận Nam (Khánh Hòa). Kết quả này đã được thông báo cho người có đơn tố giác tội phạm là ông Nguyễn Quốc Huy.

Truyền thông bẩn, nội dung xàm xí, vô bổ hay tạo những drama ảo, giật gân nhằm câu kéo sự quan tâm, theo dõi trên cộng đồng mạng. Khi khán giả lên án, phanh phui, công kích, chửi rủa lại chính là nguồn thu khổng lồ cho những “thợ săn” donate (quyên góp).

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định chi tiết chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; thành phần, số người thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi và khai quật tử thi để lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngày 24/7, đội tàu Hải quân Ấn Độ do Chuẩn Đô đốc Susheel Menon – Chỉ huy Hạm đội miền Đông Hải quân Ấn Độ dẫn đầu đã cập Cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm xã giao TP Đà Nẵng trong 3 ngày.

Vào khoảng 0h ngày 24/7, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận thông tin khẩn cấp về nguy cơ vỡ đê tại xã Dân Quyền (cũ), nay là xã Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá…

Từ thông tin được người dân phản ánh, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT đã chỉ đạo các tổ công tác của Cục CSGT truy tìm, xử lý nghiêm tài xế Audi có hành vi chạy xe lạng lách, chèn ép các phương tiện khác trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Đầu năm học mới là thời điểm nhu cầu mua sắm xe máy điện, xe đạp điện tăng mạnh, đặc biệt từ phụ huynh và học sinh cấp 2, cấp 3. Nắm bắt xu hướng đó, hàng loạt dòng xe máy điện “nhái” các thương hiệu nổi tiếng đang được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, thậm chí cả các cửa hàng nhỏ lẻ.

Giữa lòng Hà Nội, trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghệ sôi động của cả nước, lực lượng Công an Thủ đô đang ngày đêm mở những trận đánh quyết liệt, không khoan nhượng vào các ổ nhóm tội phạm kinh tế. Trên trận tuyến này, lực lượng Cảnh sát Kinh tế đã thể hiện sự tinh nhuệ, trí tuệ sắc bén để bảo vệ thị trường, sức khỏe của người dân trước những hiểm họa từ các đường dây buôn bán hàng cấm.

Cả chục năm qua, “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội dường như vẫn chưa có bài giải khi Thủ đô đã tổ chức nhiều đợt ra quân để lập lại trật tự đô thị, có những cao điểm làm mạnh tay, nhưng một thời gian sau lại đâu vào đấy.

Nga và Ukraine đã tiến hành một phiên họp kéo dài chỉ 40 phút tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để thảo luận về hòa bình, trong đó đạt được một số đồng thuận nhân đạo nhưng vẫn bất đồng sâu sắc về ngừng bắn và cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.