Đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cơ quan báo chí
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã khiến hệ thống báo in cả nước đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Từ thực tế trên, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ báo chí vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Ngoài khó khăn về tài chính, về cân đối thu chi thì việc giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành đã khiến hệ thống phát hành bị ảnh hưởng, không thể đưa báo đến tay bạn đọc. Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Để tháo gỡ những khó khăn cho báo chí hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị lên các cấp thẩm quyền một số nội dung như miễn, giảm thuế cho các cơ quan báo chí; Miễn phạt chậm nộp thuế cho các cơ quan báo chí.
Đối với các cơ quan báo chí có Quỹ phát triển sự nghiệp thì được phép sử dụng quỹ đó để đảm bảo hoạt động cho các phóng viên làm nhiệm vụ tại các tâm dịch, mua sắm trang thiết bị phục vụ tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, mua sắm trang thiết bị để thiết lập kênh trực tuyến duy trì hoạt động của các cơ quan báo chí, phát huy mô hình báo chí hội tụ trong điều kiện không thể thuận tiện đi lại gặp mặt, hội họp.
Đối với một số cơ quan báo chí có quỹ phát triển sự nghiệp, nay do khó khăn về tài chính, không có đủ tiền trả lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi cho phóng viên và các cán bộ nhân viên, thì đề xuất cho phép các cơ quan này được sử dụng quỹ đó, trích bổ sung thu nhập để duy trì đời sống của anh em, giảm nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ nhuận bút.
Đặc biệt, Hội nhà báo cũng sẽ đề xuất các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét, đưa ra các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các cơ quan báo chí bởi ngay cả việc miễn, giảm thuế nếu được áp dụng, cũng không hẳn tất cả các cơ quan báo chí đều thực sự được thụ hưởng.
"Trên thực tế, chỉ những cơ quan báo chí có nguồn thu và doanh số đáng kể mới có thể thụ hưởng, còn những cơ quan báo chí không có nguồn thu thì cũng không nộp thuế. Các cơ chế hỗ trợ đặc thù này có thể bao gồm: Cho các cơ quan báo chí được vay ưu đãi lãi suất 0%, hoặc lãi suất ở mức thấp, phù hợp điều kiện của các cơ quan báo chí để trả lương và duy trì hoạt động; Hỗ trợ trực tiếp cho đội ngũ phóng viên tác nghiệp trên tuyến đầu chống dịch, mức hỗ trợ có thể tương tự như các lực lượng trên tuyến đầu khác; Tiếp tục tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí, thực hiện các chuyên đề, tăng cường đặt mua báo” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hồ Quang Lợi, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho báo chí. Tuy nhiên, về lâu dài, đối với bài toán kinh tế báo chí, có lẽ cần một Đề án tổng thể tầm mức quốc gia, đòi hỏi có sự chủ trì và tham gia của các bộ ngành liên quan thì mới có thể giải quyết được.