Điều tra nguyên nhân 6 trường hợp ngộ độc thực phẩm tại Trường THPT Lê Quý Đôn
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP Hồ Chí Minh, ngày 11/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết hiện sức khỏe các em học sinh này đã ổn định. Bước đầu xác định, các em học bán trú và cùng ăn các phần ăn tại trường, nguyên nhân cụ thể đang được điều tra, làm rõ.
Trước đó, ngày 10/10, Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3 đã ghi nhận 6 trường hợp học sinh có triệu chứng đau bụng, trong đó 2 trường hợp có biểu hiện nôn ói, sau bữa ăn bán trú tại trường.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã khẩn trương phối hợp với Trung tâm Y tế quận 3 điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ và can thiệp theo quy trình xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Trong số 6 học sinh xuất hiện triệu chứng, có 5 học sinh đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để theo dõi và điều trị, 1 học sinh còn lại nằm tại phòng y tế của trường. Đến 17h cùng ngày, tình trạng sức khỏe của các học sinh đã ổn định, tỉnh táo và được khuyến cáo tiếp tục theo dõi tại bệnh viện trong vòng 24 giờ.
Các học sinh trên đều ăn bữa trưa bán trú tại trường vào khoảng 11h30 với món bún gạo xào thịt nướng/nem nướng và canh hẹ. Tổng số suất ăn được cung cấp trong ngày 10/10 là 1.393 suất, bao gồm 1.348 suất bún gạo xào, 26 suất ăn chay và 19 suất cháo. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp nào có triệu chứng tương tự ở giáo viên và nhân viên nhà trường.
Theo điều tra ban đầu ghi nhận cả 6/6 bệnh nhân đều có biểu hiện đau bụng. Trong đó, 2 trường hợp có thêm triệu chứng nôn ói. Các triệu chứng này xuất hiện sau khoảng 2h30 đến 3h sau khi ăn. Các học sinh thuộc 4 lớp khác nhau là: 11A8 (3 ca), 11A1 (1 ca), 11A4 (1 ca) và 12A15 (1 ca). Các học sinh không ăn cùng một bữa ăn khác ngoài trường và 5/6 bệnh nhân ăn sáng tại nhà với gia đình, chưa ghi nhận triệu chứng tương tự ở những người ăn cùng bữa.
Được biết, suất ăn bán trú tại trường do một công ty tại quận 1 cung cấp. Thức ăn được chế biến sẵn và vận chuyển đến trường bằng xe tải vào khoảng 10h sáng, sau đó được phân phối theo từng khay và phục vụ tại phòng ăn của trường. Dụng cụ ăn uống được thu gom và mang về cơ sở để xử lý.
Theo báo cáo từ nhà trường, trong các ngày từ 8-10/10, trường ghi nhận trung bình 10 học sinh nghỉ học mỗi ngày, trong đó có khoảng 4 trường hợp nghỉ vì bệnh. Không có trường hợp nào nghỉ học do các triệu chứng tiêu hóa.
Hiện tại, nhà trường đang phối hợp với các cơ quan y tế tiến hành điều tra nguyên nhân và đánh giá nguy cơ nhằm đảm bảo an toàn cho các học sinh và giáo viên. Những biện pháp can thiệp tiếp theo sẽ được triển khai sau khi có kết quả điều tra cụ thể.
Ngày 11/10, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh về việc điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh khẩn trương tạm ngừng hoạt động của căng tin nhà trường nơi có nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đồng thời yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.