Định hướng để trẻ sử dụng Internet an toàn, hiệu quả
Ngày nay, ngoài sách in, trẻ còn có điều kiện tiếp cận với rất nhiều loại hình sách, nhiều nguồn kiến thức, thông qua không gian mạng, trong đó có cả mạng xã hội.
Với nội dung phong phú và hình thức đa dạng, các loại hình sách và thông tin trên mạng dễ hấp dẫn, lôi cuốn trẻ hơn, giúp thúc đẩy việc đọc của các em. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng Internet có cả mặt lợi và hại, điều cần thiết là cha mẹ phải đồng hành, có kế hoạch để hỗ trợ các em sử dụng mạng an toàn, hiệu quả.
Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại chương trình giao lưu Đọc sách và an toàn thông tin cho trẻ trên không gian mạng xã hội, được tổ chức tại Đường sách TP Hồ Chí Minh ngày 7/8.
Theo Tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, việc đọc sách nói chung mang lại rất nhiều lợi ích, giúp mỗi người phát triển khả năng ngôn ngữ, thị giác, nhận thức tiếp thu thông tin, điều khiển cảm xúc… Dù lợi ích lớn, nhưng qua một cuộc khảo sát nhỏ được Tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc thực hiện với hơn 2.000 trẻ cho thấy một thực trạng đáng báo động hiện nay là đa số trẻ không đọc sách và không thích đọc sách. Nhiều lý do mà trẻ đưa ra là phải dành thời gian cho việc học, chơi game, trẻ không thích đọc sách hoặc trẻ cho rằng không có sách phù hợp...
Tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc chia sẻ, thực tế, việc đọc sách chính là một loại năng lực bậc trung và cao cấp. Vì thế, để việc đọc sách không trở thành áp lực với trẻ, trước hết cần cho trẻ tham gia hoạt động đọc, như vẽ, trò chơi… liên quan đến sách, để trẻ làm quen. Từ đó, dần xây dựng thói quen đọc cho trẻ.
Để trẻ có thể khai thác được những mặt có lợi và sử dụng mạng Internet một cách an toàn, ông Đoàn Xuân Hiển, giảng viên Google for Education, cha mẹ và trẻ cần cùng nhau thiết lập một quy tắc, như quy định về thời gian sử dụng, định hướng các nội dung bổ ích… Cha mẹ cũng nên quản lý việc sử dụng Internet của con.
Gợi ý một số biện pháp quản lý thiết bị, ông Đoàn Xuân Hiển chia sẻ, phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng mạng Internet bằng tài khoản riêng, với những thiết lập cài đặt phù hợp để lọc những nội dung không phù hợp với độ tuổi trẻ. Cùng với đó, phụ huynh kết hợp sử dụng công cụ quản lý hoạt động trên không gian mạng của trẻ như Google family link, Microsoft family safety… Tuy nhiên, trong việc xây dựng và thực hiện quy tắc sử dụng mạng Internet hay sử dụng các công cụ quản lý này cần có sự đồng thuận giữa cha mẹ và trẻ, tránh cho trẻ có tâm lý bị ép buộc.