Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết trọng tâm tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Việc đưa ra các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được dựa trên các tiêu chí sau đây: Thứ nhất, có tính cải cách trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; Thứ hai, nội dung vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân; Thứ ba, hiện còn có những loại ý kiến khác nhau. Theo đó, có 10 vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm, cụ thể: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự (Điều 19 và Điều 20 dự thảo Bộ luật); về quyền nhân thân (Điều 30 - Điều 51 dự thảo Bộ luật); về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 119 – Điều 121 dự thảo Bộ luật); về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 145 dự thảo Bộ luật); về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu (Điều 148 dự thảo Bộ luật); về hình thức sở hữu (Điều 203, Điều 224 – Điều 247); về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác (Điều 182 dự thảo Bộ luật); về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi (Điều 443 dự thảo Bộ luật); về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 491 dự thảo Bộ luật); thời hiệu (Điều 167 – Điều 180, Điều 646).
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp. |
PV: Cho đến nay, kết quả đóng góp ý kiến của các bộ, ngành và nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Ở thời điểm này, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ thì vẫn đang trong thời hạn lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự nên việc tổng hợp ý kiến mới chỉ là bước đầu. Bộ Tư pháp chưa nhận được báo cáo đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan về các hoạt động và kết quả lấy ý kiến nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan và cơ quan thông tấn báo chí đã và đang thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến...
Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì hoặc phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức liên quan để lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật, trong đó tập trung vào việc lấy ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, nhà quản lý, giảng viên, thẩm phán, luật sư, công chứng viên, hội nghề nghiệp, đại diện các nhóm xã hội...
PV: Qua kết quả đóng góp bước đầu, ông có thể cho biết những vấn đề gì trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được dư luận quan tâm đóng góp nhiều nhất?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Nhìn chung những ý kiến mà chúng tôi nhận được là tương đối sát với những nội dung được nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ. Ngoài 10 vấn đề trọng tâm được Chính phủ định hướng, còn có nhiều ý kiến khác có giá trị tham khảo để nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Bộ luật về cá nhân, pháp nhân, giao dịch dân sự, đại diện, biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự, điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi, hủy bỏ hợp đồng, thừa kế...
PV: Xin ông cho biết thời gian đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ kéo dài đến bao lâu? Dự kiến khi nào Bộ Tư pháp sẽ trình Quốc hội dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Ông Nguyễn Hồng Hải: Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5 tháng 1 năm 2015 và kết thúc vào ngày 5 tháng 4 năm 2015.
Tuy nhiên, sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 9 năm 2015 theo địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn. Báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức phải được gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 15 tháng 4 năm 2015.
Bộ Tư pháp trình Chính phủ báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trước ngày 25 tháng 4 năm 2015. Dự thảo Bộ luật được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến nhân dân sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII.
PV: Xin cảm ơn ông!