Gỡ khó giúp ngư dân bám biển bảo vệ ngư trường

06:29 27/07/2022

Ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung, ngư dân Quảng Bình nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn do giá nhiên liệu tăng, sản lượng thuỷ hải sản và giá cả không cao, thiếu thuyền viên đi biển, song về nhiều làng biển như Cảnh Dương, Đức Trạch, Bảo Ninh, Hải Ninh… ở Quảng Bình, chúng tôi vẫn luôn bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền của nhiều ngư dân...

Trong số các tỉnh, thành miền Trung, Quảng Bình có đội tàu đi biển thuộc tốp đầu với 6.792 tàu thuyền tham gia đánh bắt thuỷ, hải sản trong đó có hơn 1.207 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, số lao động tham gia khai thác thuỷ hải sản là 24.100 người. Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao, số lượng thuyền viên ngày một khan hiếm, song hầu hết tàu thuyền của ngư dân đều sẵn sàng vươn khơi, bám biển, bảo vệ ngư trường. Nhằm động viên khuyến khích ngư dân, các sở, ban, ngành ở Quảng Bình cũng đang có nhiều phương án, kế hoạch hay để chung sức cùng ngư dân bám biển.

Những cột mốc chủ quyền trên biển

Theo báo cáo tổng hợp thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương có tàu cá ngừng hoạt động chiếm 40-50%, đặc biệt là các chủ tàu cá làm nghề biển tiêu hao nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê. Nguyên nhân chủ yếu tàu thuyền ngừng đi biển là do biến động giá xăng dầu tăng cao. Tuần qua giá xăng dầu có giảm nhưng theo nhiều chủ tàu làm nghề biển, với giá xăng dầu 24 đến 25 ngàn đồng/lít như hiện nay thì ngư dân đi biển vẫn thua lỗ. Bên cạnh đó, do để tàu thuyền nằm bờ lâu dài nên giờ ngư dân cho tàu đi biển trở lại lại thiếu nhân lực trầm trọng. Bởi trước đó nhiều thuyền viên đã chọn phương án đi xuất khẩu lao động hoặc rời địa phương đến các thành phố lớn tìm việc làm khác.

Đội tàu cá của ngư dân Quảng Bình đang nỗ lực vượt qua khó khăn để bám biển, bảo vệ ngư trường.

Ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung, ngư dân Quảng Bình nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn do giá nhiên liệu tăng, sản lượng thuỷ hải sản và giá cả không cao, thiếu thuyền viên đi biển, song về nhiều làng biển như Cảnh Dương, Đức Trạch, Bảo Ninh, Hải Ninh… ở Quảng Bình, chúng tôi vẫn luôn bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền của nhiều ngư dân. Với những làng biển hàng trăm năm tuổi, họ ra biển ngoài việc đánh bắt thuỷ hải sản, ăn sâu trong tiềm thức của ngư dân, biển cả còn là quê hương, là ngư trường truyền thống cha ông để lại. Những con tàu của bà con ngư dân cũng như là “những cột mốc chủ quyền trên biển”.

Chúng tôi tìm về xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình nơi có hơn 1.720 hộ dân với trên 7.550 nhân khẩu nhưng đang có hơn 2.100 ngư dân đánh bắt thuỷ hải sản ở vùng biển xã và 500 ngư dân đánh bắt gần bờ. Đức Trạch là địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở tỉnh Quảng Bình với 276 tàu lớn. Từ một xã nghèo, giờ đây nhờ lộc biển, nhiều người dân xã Đức Trạch đã vươn lên làm giàu, có đời sống sung túc. Chúng tôi xúc động khi nghe nhiều ngư dân lớn tuổi nơi đây nói rằng: “Ngư trường Hoàng Sa, biển xa là biển của mình đời này qua đời khác, mình cứ đánh bắt, nếu vì khó khăn hay vì sợ mà mình mình không ra đánh bắt thì khác chi mình dâng ngư trường của ông bà mình cho kẻ khác. Chúng tôi bám biển, giữ ngư trường là giữ cho chính con cháu mình sau này vậy”.

Ngư dân Nguyễn Thế Giảng, chủ tàu cá QB 91126TS ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình chia sẻ: Vài ba năm trở lại ngư dân gặp khó do sản lượng thuỷ hải sản ngày một khan hiếm, giá bán thuỷ hải sản thì vẫn cầm chừng nhưng xăng dầu thì lên cao, nên những tàu thuyền bám biển thì chủ tàu phải tính chi li tiết kiệm chi phí từng đồng, bên cạnh đó phải thạo nghề, thạo biển mới mong hoà vốn hay có lãi. Ngư dân thì nhìn vào tàu cá, còn nếu để tàu cá nằm bờ thì cực chẳng đã hoặc khó khăn chồng chất khó khăn, bởi vì nếu tàu nằm bờ thì lãi suất ngân hàng vay mượn đóng tàu, hay thu mua xăng dầu trước đó vẫn phải trả.

Niềm vui của bà con ngư dân khi tàu cá cập bến.

Cùng chung suy nghĩ với anh Giảng, ngư dân Võ Minh Thông ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho biết thêm, tàu của anh là tàu đánh bắt xa bờ, ngư trường Hoàng Sa như quê hương trên biển, mỗi chuyến ra khơi tàu của anh tiêu tốn 7.000 - 8.000 lít dầu. Mỗi lần vượt sóng, vợ chồng anh Thông tiêu tốn cho con tàu từ 120 - 130 triệu đồng chi phí dầu, lương thực, thực phẩm, đá lạnh… Nay phải lên đến trên 200 triệu đồng mới đủ chi phí cho một chuyến đánh bắt. “Nhưng mình sinh ra bên bãi biển, lớn lên cùng biển, biển cả như quê hương thứ hai, mình bỏ biển thì ai bảo vệ ngư trường… nên anh em ngư dân vẫn động viên nhau cùng cố gắng vượt khó giai đoạn khó khăn để bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống của ông cha mình”, anh Thông chia sẽ.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, phần đông tàu thuyền của ngư dân đánh bắt ở các ngư trường lớn đều sẵn sàng ra khơi, bám biển đánh bắt thuỷ hải sản. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng cao cùng với giá cả thu mua, sản lượng đánh bắt thấp đã khiến một số tàu thuyền nằm bờ.

Để kịp thời động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển, tỉnh Quảng Bình đang có nhiều chương trình, kế hoạch đồng hành cùng ngư dân. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 2520/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 178/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; Công văn số 2710/UBND-KT về việc triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2430/KH-UBND về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong quý IV năm 2021 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...

Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai các quy định về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh tổ chức 3 hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác thủy sản. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã có nhiều văn bản nhằm tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để hỗ trợ ngư dân.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai hỗ trợ cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển. Ngoài các chính sách của Chính phủ, hằng năm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn để hỗ trợ ngư dân và tàu cá xa bờ. Qua đó, ngư dân mạnh dạn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá với số lượng tàu cá phát triển mạnh. Trung bình hằng năm tỉnh đóng mới, cải hoán từ 200 - 300 tàu cá khai thác xa bờ. Việc quản lý cấp, thu hồi và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đối với ngư dân được thực hiện tốt với 100% tàu cá từ 20 CV trở lên được cấp phép. Tỉnh luôn động viên, khuyến khích đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên cả nước thành lập các “Tổ đoàn kết” trên biển. Các tổ đoàn kết, tổ hợp tác và nghiệp đoàn nghề cá ở Quảng Bình đã tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cứu hộ cứu nạn, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Các tổ hợp tác, tổ đoàn kết đã kết nối liên kết thành các tổ biển xa để phát huy vai trò trong việc hỗ trợ sản xuất, cứu hộ cứu nạn, hạn chế các rủi ro nguy hiểm khi hoạt động khai thác xa bờ. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết được phát huy, hạn chế rủi ro của các tàu thuyền trên biển, việc liên kết sản xuất và sản lượng khai thác của ngư dân luôn ổn định.

Nhiều chủ tàu đã tạm ngừng ra khơi vì thua lỗ.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình mong muốn “Để động viên bà con vươn khơi, chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm triển khai áp dụng các chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương ở tỉnh Quảng Bình tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất. Trong đó chú trọng phát triển thêm đội tàu dịch vụ nghề cá để cung cấp nhiên liệu, lương thực cho ngư dân yên tâm hoạt động dài ngày trên biển, gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc”.

Dương Sông Lam

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文