“Hái lộc” biển ngay những ngày đầu năm
Ngay những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung, Quảng Nam, Quảng Ngãi nói riêng đã dong thuyền thẳng tiến vùng biển khơi của Việt Nam để “hái lộc” đầu năm; tạo nên không khí sôi nổi, thi đua, hứa hẹn một năm “mưa thuận gió hòa”, tôm cá đầy khoang…
Gần 11h trưa 12/2, dưới cái nắng êm ả của những ngày đầu năm, chúng tôi ghi nhận không khí tấp nập, háo hức của các ngư dân tại cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành. Trong khi một số tàu cá sau chuyến biển khơi về tập kết để bán cho thương lái số lượng lớn hải sản đánh bắt được thì cũng có nhiều tàu thuyền đang cấp tập chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Theo quan sát của PV Báo CAND, hàng chục thuyền viên trên tàu cá số hiệu QNa-95636TS đang khẩn trương đưa nhu yếu phẩm và ngư lưới cụ lên tàu để chuẩn bị vươn khơi. Qua trò chuyện, ông Trần Công Tư (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), thuyền trưởng tàu QNa-95636TS cho biết, tàu của ông có công suất 1.436CV, chuyên hành nghề câu mực khơi. “Đây là chuyến biển đầu tiên của tôi trong năm mới Nhâm Dần 2022”, ông Tư nói.
Đợt này, dự kiến tàu ông Tư hoạt động hơn 2 tháng trên biển, tại khu vực biển Đông, trong đó có vùng biển quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. “Trên tàu có tất cả 45 lao động, trong khí thế phấn khởi của năm mới, ai nấy đều tỏ ra hào hứng và tin tưởng rằng chuyến biển sẽ bội thu, đồng thời sẽ có một năm đánh bắt hải sản an toàn, đạt năng suất cao”, ông Tư cười chia sẻ thêm một cách rất tự tin.
Cách đó không xa, tàu cá số hiệu QNg-90593TS có công suất 500CV, chuyên hành nghề lưới vây vừa trở về sau 2 ngày đánh bắt ở vùng biển khơi cách bờ khoảng 50 hải lý. Ông Trương Quang Văn (trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg-90593TS cho biết, đây là chuyến biển thứ hai của ông trong năm mới Nhâm Dần 2022. Sau khi đánh bắt đạt hơn 10 tấn cá, tàu trở về bán cho thương lái tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam rồi nhanh chóng mua sắm nhiên liệu, trở lại hoạt động trên biển.
“Mình đánh bắt xong vào bán tại huyện Núi Thành, Quảng Nam cho gần, giá cũng đạt nữa, chứ không cần quay vào lại tỉnh Quảng Ngãi. Bán xong là quay ra biển ngay để bắt đầu chuyến vươn khơi mới”, ông Văn chia sẻ.
Theo ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 2.999 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó vùng khơi (tàu hơn 15m) là 676 chiếc, vùng lộng (từ 12 đến dưới 15m) là 729 chiếc, vùng bờ và nội đồng (6-12m) 1.594 chiếc.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 5 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền theo quy định; có 9 nghiệp đoàn nghề cá trực thuộc Liên Đoàn lao động tỉnh với 720 tàu/4.879 lao động tham gia; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia.
Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 127.070 tấn, đạt 110,02 % kế hoạch, trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt 97.500 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 29.500 tấn. Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam có kế hoạch đạt sản lượng thủy sản 122.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt 95.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 27.000 tấn; đồng thời định hướng phát triển kinh tế thủy sản theo hướng hiện đại, tuân thủ luật pháp quốc tế, từng bước hiện đại hóa nghề cá trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành thủy sản, đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao, gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của người dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, các quy định về chống khai thác IUU, các quy định về khai thác thủy sản của nước ta và một số nước trong khu vực… để ngư dân nắm rõ, tránh sai phạm trong khi hoạt động trên các vùng biển.
Bên cạnh đó, hoàn thiện công tác cập nhật và phân quyền vận hành, sử dụng dữ liệu tàu cá (tình trạng đăng ký tàu cá, cấp phép, tai nạn tàu cá,...) đồng thời tăng cường công tác phối hợp với Trung tâm đăng kiểm tàu cá và Quản lý cảng cá Quảng Nam trong việc nhập dữ liệu sản lượng khai thác, sổ nhật ký khai thác,... phục vụ công tác quản lý nhà nước nói chung về tàu cá, khai thác thủy sản và công tác chống khai thác IUU nói riêng.