Hàng trăm căn nhà đối mặt với nguy cơ sạt lở núi
Hàng trăm căn nhà nằm chênh vênh trên sườn núi Cô Tiên ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đang đối mặt với nỗi lo sạt lở khi mùa mưa bão đang đến gần. Trong đó có rất nhiều căn nhà ở phường Vĩnh Hòa đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho UBND TP Nha Trang cùng các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng kế hoạch di dời để phòng, chống thiên tai mưa bão năm nay…
Nói đến hiểm họa sạt lở núi trong mùa mưa bão, người dân TP Nha Trang không thể nào quên được sự cố sạt lở xảy ra giữa tháng 11/2018. Nước mưa từ trên núi Cô Tiên trút xuống hố đất rộng lớn tại dự án Nhà ở cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH đầu tư phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư, khiến cho “túi nước” bị vỡ, cuốn theo hàng chục khối đất đá ập xuống chân núi gây sập đổ 10 căn nhà ở khu Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa, khiến 4 người trong một gia đình nhà giáo tử nạn.
Sự cố đó luôn ám ảnh người dân bên chân núi Cô Tiên trong mùa mưa bão. Đến thời điểm này có 270 hộ gia đình sinh sống bên chân núi Cô Tiên, trong đó có 41 hộ cư trú gần bên vành đai dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú, 139 hộ cư trú gần bên ở dự án khu nhà ở Quân đội và khu chỉnh trang Hòn Xện, 65 hộ cư trú gần khu dân cư hồ Điều Hòa.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, hầu hết những căn nhà nêu trên đều xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp nằm ở triền núi Cô Tiên. Trong số đó, ngoài những trường hợp lấn chiếm trái phép rồi lén lút xây dựng nhà, còn có nhiều người tự thỏa thuận chuyển nhượng, mua bán đất và nhà ở bằng giấy viết tay. Những hành vi vi phạm nêu trên phát sinh cách đây hơn chục năm về trước.
UBND phường Vĩnh Hòa đang phối hợp các cơ quan chức năng rà soát từng trường hợp, làm rõ nguồn gốc đất đai, thời gian xây dựng nhà ở hoặc mua bán, chuyển nhượng từ đâu để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Trong Văn bản chỉ đạo UBND TP Nha Trang ngày 23/8/2021, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chính quyền địa phương phải vận động người dân tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, đồng thời hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, lập kế hoạch tháo dỡ những công trình vi phạm về xây dựng theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, UBND TP Nha Trang chủ động phối hợp Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị tư vấn đánh giá mức độ nguy cơ sạt lở tại khu vực núi Rù Rì, núi Cô Tiên và một số đồi núi khác trên địa bàn TP Nha Trang khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất đồi núi, cây xanh sang đất xây dựng đô thị; trên cơ sở đó mới đề xuất định hướng các giải pháp chống sạt lở khả thi để bổ sung vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP đến năm 2040, nhằm đảm bảo tính tổng thể, toàn diện của đồ án. Mặt khác, UBND TP Nha Trang và chính quyền các xã, phường có liên quan phải chịu trách nhiệm nếu để tái diễn tình trạng xây dựng công trình trái phép.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hầu hết cư dân bên triền núi Cô Tiên đều là những người lao động nghèo, chỉ làm thuê, mua bán hàng rong để sinh sống, nên việc xử lý vấp phải không ít khó khăn. Do không có tiền nên họ “liều lĩnh” mua đất lâm nghiệp theo kiểu sang tay, xây nhà trái phép và sinh sống, bất chấp nguy cơ sạt lở núi, nhất là vào mùa mưa bão.
Ông Lê Xuân Tý, một người dân ở tổ 1, khu Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa, bày tỏ rằng, gia đình ông có 10 người. Ngoại trừ mấy đứa nhỏ còn tuổi đi học, tất cả đều làm thuê để mưu sinh nên phải cư trú nơi này, dù biết rằng hiểm nguy rình rập trong mùa mưa bão...
Cách đó không xa là căn nhà của ông Huỳnh Quang Hùng cũng nằm trong tầm nguy hiểm nếu xảy ra sạt lở đất đá từ núi Cô Tiên, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên 4 người trong gia đình phải bám trụ nơi này để sinh sống bằng nghề chăn nuôi heo và làm thuê.
Được biết, kế hoạch di dời 270 hộ gia đình bên triền núi Cô Tiên chỉ là biện pháp phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm nay; còn giải pháp lâu dài xử lý hàng trăm căn nhà ở nơi này vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải.