Hỗ trợ người hoàn lương vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống
Từ năm 2014, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng (gọi tắt là Quỹ hoàn lương). Từ khi thành lập Quỹ hoàn lương đến nay, Công an tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ, giúp đỡ 955 người hoàn lương vay vốn với số tiền gần 31 tỷ.
Thông qua nguồn vốn nói trên đã hỗ trợ, giúp đỡ người hoàn lương tu chí làm ăn, trực tiếp tác động kéo giảm tình hình tội phạm. Việc này cũng tạo sự gắn kết giữa chính quyền với người hoàn lương khi họ trở về địa phương sinh sống.
Thượng tá Huỳnh Văn Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, kiêm Phó giám đốc Quỹ hoàn lương cho biết, nguồn vốn từ quỹ rất thiết thực. Qua kiểm tra xác minh của Công an các cấp, hầu hết các trường hợp vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, triển khai kinh doanh, sản xuất có hiệu quả và hoàn trả vốn vay đúng thời gian quy định. “Đặc biệt chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện vi phạm pháp luật, đa số đều chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương”, Thượng tá Huỳnh Văn Long nói.
Trường hợp anh P.H.T. (SN 1996, ngụ xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh) bị bạn bè lôi kéo, tụ tập sử dụng ma tuý. T. đã nghe theo các đối tượng tham gia mua bán ma túy và bị tòa tuyên phạt 7 năm tù. Chấp hành xong án phạt, T. đưa vợ con về sống cùng với gia đình, quyết tâm tu chí làm ăn và vợ đã xin vào công nhân may giày dép. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công ty cắt giảm lao động. Vợ chồng T. rơi vào cảnh thất nghiệp. Biết được hoàn cảnh của T., Công an cơ sở và chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện vay vốn với số tiền 50 triệu đồng từ Quỹ hoàn lương để xây chuồng trại, nuôi heo thịt. “Đàn heo đã xuất bán và đem lại thu nhập 70 triệu đồng. Số tiền có được một phần tôi trả quỹ, phần còn lại tái đầu tư cho lứa heo tới”, anh T. thông tin.
Tương tự trường hợp của anh N.V.T. (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành), khi còn là sinh viên năm cuối trong lúc điều khiển phương tiện giao thông đã gây tai nạn chết người. T. bị tòa tuyên mức án 3 năm tù. Trong thời gian chấp hành án, T. được cán bộ quản giáo quan tâm động viên, chấp hành tốt các quy định và được tha tù trước thời hạn 12 tháng. Trở về địa phương, T. với kiến thức chuyên ngành thú y cùng 30 triệu đồng vốn vay từ Quỹ hoàn lương đã đầu tư nuôi gà. Hiện gia đình T. có đàn gà thả vườn hơn 2.000 con và đang tiếp tục mở rộng sản xuất chăn nuôi. T. sản xuất giỏi, vững chuyên môn nên được nhận vào làm nhân viên thú y của xã.
Nhằm tập hợp, thu hút người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, Công an tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch thành lập mô hình Câu lạc bộ (CLB) người hoàn lương. Đến nay, toàn tỉnh có 65 CLB, với sự tham gia của 677 thành viên được thành lập theo từng xã, phường, thị trấn. Điển hình là CLB Người hoàn lương xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh) được thành lập vào đầu tháng 4/2021, với 32 thành viên. Ban Chủ nhiệm có 11 thành viên, giúp người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, đối tượng thanh, thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật,… nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để họ có công việc ổn định, phòng tránh nguy cơ tái phạm tội.
Sau hơn 2 năm hoạt động, CLB người hoàn lương xã Tân Hội Trung đã đề xuất cho 9 thành viên vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền 310 triệu đồng. Đến nay, các thành viên đã hoàn vốn được 60 triệu đồng. Các trường hợp vay vốn đều chí thú làm ăn, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Ông Dương Ngự Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung khẳng định sẽ tăng cường công tác giáo dục đối với các thành viên trong CLB, tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu giải quyết việc làm cho các thành viên cũng như tiếp cận nguồn vốn để giúp họ làm ăn, ổn định cuộc sống.
Theo Thượng tá Huỳnh Văn Long, việc hỗ trợ vay vốn đối với người hoàn lương có tác động tích cực nhằm từng bước loại bỏ tính tự ti, mặc cảm, kỳ thị xa lánh đối với những người có quá khứ lầm lỗi. Lực lượng Công an cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên thăm gặp, giáo dục, giúp đỡ không để họ có nguy cơ, điều kiện tái vi phạm pháp luật. Việc này trực tiếp tác động kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự, kéo giảm tình trạng tái phạm tội, góp phần giữ vững, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Kết quả này đã góp phần kéo giảm tỉ lệ tái vi phạm pháp luật đối với người hoàn lương từ 19% (giai đoạn từ năm 2002 - 2012), hiện nay giảm xuống còn 1,6%.