Khẩn trương di dời người dân sống tạm trong khu vực lăng vua Dục Đức

16:03 09/03/2023

Liên quan đến việc hàng chục hộ dân sống tạm trong những căn nhà cũ xuống cấp tại khuôn viên lăng vua Dục Đức (còn gọi An Lăng, đóng tại phường An Cựu, TP Huế) suốt hàng chục năm qua, sáng 9/3, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ và đoàn công tác của Tỉnh ủy đã có buổi thị sát, lắng nghe ý kiến người dân để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Lăng vua Dục Đức tọa lạc tại thôn Tây Nhất, làng An Cựu, nay thuộc phường An Cựu, TP Huế. Quần thể kiến trúc lăng vua Dục Đức rộng gần 6 ha, là nơi an táng 3 vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân; hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng, bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của con cháu vua Nguyễn.

Trước đó, Báo CAND đã có bài viết phản ánh, từ những năm đầu 1980, nhiều cán bộ, nhân viên thuộc Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên được tạo điều kiện cấp nhà tập thể nằm trong khuôn viên lăng vua Dục Đức để làm nơi ở và sinh sống. Sau hơn 40 năm, khu nhà tập thể nay bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Dãy nhà tập thể xuống cấp chờ sập bên trong khuôn viên di tích lăng vua Dục Đức.

Tuy nhiên, vì không có chỗ ở nào khác nên các hộ dân năm xưa được cấp nơi ở vẫn bám trụ lại khu tập thể này. Ngoài khu tập thể là nhà của các hộ dân đang sinh sống, trong di tích lăng vua Dục Đức còn có một dãy nhà khác xuống cấp được người dân tận dụng làm nhà kho và để các vật dụng. Tại dãy nhà này, đơn vị quản lý di tích đã gắn biển cảnh báo khu vực nguy hiểm cấm người dân đến gần để đề phòng công trình này có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Người dân sống trong khuôn viên lăng vua Dục Đức gặp nhiều khó khăn và mong muốn được sớm di dời đến nơi ở mới.

Lãnh đạo UBND phường An Cựu cho biết, hiện trong khuôn viên lăng vua Dục Đức có 31 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống. Trong đó phần lớn là cán bộ, nhân viên Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên ngày trước đã về hưu và ở tại đây suốt hơn 40 năm qua. Nhà cửa xuống cấp, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào nên các hộ dân nhiều lần có kiến nghị mong muốn được di dời nhưng vì nhiều lý do nên đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa thể giải quyết được cho người dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ và các đơn vị thị sát thực tế cuộc sống người dân tại khuôn viên lăng vua Dục Đức.

Ông Hà Thái Sinh (SN 1952) có nhiều năm gắn bó với Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên nên sau năm 1975 được đơn vị này bố trí về ở tại khu tập thể nằm trong khuôn viên lăng vua Dục Đức cùng với nhiều hộ dân khác. Tính đến nay, ông Sinh đã gắn bó với khu tập thể này hơn 40 năm. Điều kiện kinh tế chật vật, khó khăn nên vợ chồng ông Sinh cũng không có đủ tiền để mua đất làm nhà. Do đó, cả gia đình ông Sinh với ba thế hệ 9 thành viên suốt nhiều năm trời chen chúc trong ngôi nhà tập thể cũ kỹ.

“Chúng tôi muốn sửa sang, cơi nới để nhà cửa kiên cố hơn nhưng vì lăng vua Dục Đức là di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993 nên tôi và nhiều hộ dân phải chấp hành nghiêm quy định để bảo vệ di tích. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện di dời để con cháu chúng tôi ổn định cuộc sống về lâu dài", ông Sinh nói.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân ở phường An Cựu, TP Huế.

Đến thăm, trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của một số người dân đang sống tại lăng vua Dục Đức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ với người dân những khó khăn mà bà con đang gặp phải. Trong đó, nhà cửa xuống cấp, rách nát, tạm bợ, nhếch nhác, chật chội nhưng người dân không thể tu sửa.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là phải tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vướng mắc để sớm di dời người dân trong khuôn viên lăng vua Dục Đức đến nơi ở mới bằng cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù.

Lãnh đạo TP Huế cần sớm chỉ đạo rà soát, trước mắt tháo dỡ các nhà kho đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm trong khuôn viên lăng vua Dục Đức.

"Việc di dời người dân sinh sống trong khuôn viên di tích này với mục tiêu cao nhất là vì quyền lợi, cuộc sống người dân dựa trên cơ sở bảo vệ, bảo tồn di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế", ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ.

Anh Khoa

Thông qua việc thường xuyên đi lễ chùa, Bùi Thị Ninh đã tạo mối quan hệ thân thiết với nhiều người ở trong và ngoài tỉnh rồi kêu gọi họ góp vốn để đầu tư kinh doanh. Sau khi nhận tiền, Ninh không sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận mà dùng cho mục đích cá nhân, chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023- 2024. Năm nay, Trường THPT Yên Hòa có tỷ lệ "chọi" cao nhất với 1/3,11, tức trung bình trên 3 thí sinh dự thi mới có 1 em đỗ.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Chiều 10/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã có kết quả điều tra ban đầu, xác định nồi hơi và bình nén khí đều đã hết hạn kiểm định nhưng Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh vẫn sử dụng, dẫn đến vụ nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 6 người tử vong, 5 người bị thương nặng…

Chiều 10/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang cho biết, đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Lầu Vũ Nhật Đăng (SN 1996, trú ở tổ 21, thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang), để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Đây là đối tượng đã 5 lần vô cớ dùng hung khí tấn công 5 người phụ nữ đi đường, khiến 4 nạn nhân bị thương và 1 người tử vong.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文