Làng đào, quất gấp rút phục hồi đón Tết

08:13 07/11/2024

Sau trận bão lớn gây thiệt hại nặng nề, các làng trồng đào, quất ở Nhật Tân và Tứ Liên (Hà Nội) đang nỗ lực khôi phục vườn cây để kịp cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Dù thời gian gấp rút nhưng người nông dân vẫn ngày đêm chăm sóc, phục hồi những cây đào, quất bị ngập úng, gãy đổ; hy vọng mang đến một mùa Tết trọn vẹn.

Xót lòng nhìn đào, quất hóa củi khô

Đường vào Nhật Tân lúc này khắp nơi là khói và lửa, những đống đào chết được người dân chất đống đốt để dọn vườn. Những người nông dân ở đây chẳng ai giấu được sự tiếc nuối, xót xa, khi mà công sức cả năm trời chăm sóc từng cây, từng nhánh đào đã đổ xuống sông, xuống biển.

Nhiều gia đình thiệt hại gần như toàn bộ nhưng họ vẫn cố gắng dồn sức cứu những cây có khả năng phục hồi

Ông Nguyễn Văn Thắng, một nông dân ở Nhật Tân, người có gần 40 năm kinh nghiệm trồng đào không giấu được nỗi buồn. Ông bảo: “Chúng tôi ở đây đã có kinh nghiệm đối phó với thời tiết khắc nghiệt, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một cơn bão kinh khủng, tàn phá nặng nề đến thế này. Giờ thì người dân chúng tôi coi như mất trắng rồi”.

Đã hơn 11 giờ trưa nhưng vợ chồng chị Oanh (phường Nhật Tân) vẫn đang cuốc hố để trồng đào. Chị Oanh chia sẻ, bình thường tầm này là chuẩn bị tuốt lá và khoanh vỏ (đây là biện pháp kỹ thuật hãm cây nhằm hạn chế sự sinh trưởng -  (PV) xong rồi đợi ra nụ và uốn thế. Vậy mà bây giờ đây lại phải đi cuốc từng hố đất để sắp tới trồng lứa đào mới. Lứa này phải đợi 3 năm sau mới có thể bán được. Cơn bão Yagi đi qua khiến vườn đào hơn 1 mẫu của vợ chồng chị Oanh thiệt hại tới 80%. “Nhìn vườn đào xơ xác mà đau lòng lắm. Nguồn sống của cả gia đình đều dựa cả vào đây, giờ đào chết gần hết rồi. Tiếc của buốt cả ruột gan nhưng cả nhà tôi vẫn phải động viên nhau rằng mình còn may mắn chán, ở những nơi khác người ta còn mất cả người, thậm chí mất cả gia đình kia kìa”, chị Oanh ngậm ngùi chia sẻ. Nói thì nói vậy nhưng chị Oanh vẫn như đứt từng khúc ruột khi phải gom những gốc đào chết thành đống rồi tự tay châm lửa đốt. Đứng cạnh vợ, chồng chị Oanh cười đùa với chúng tôi: “Yên tâm, kiểu gì Tết vẫn có đào, chỉ có điều sẽ đắt hơn và không đẹp bằng mọi năm thôi”.

Nhiều gia đình trồng đào ở Nhật Tân gần như mất trắng toàn bộ sau trận bão lũ lịch sử

Cách vườn đào nhà chị Oanh không xa là vườn đào nhà chị Ngô Thị Hoàn cũng tan hoang, xơ xác không kém. Vườn đào nhà chị Hoàn ước tính khoảng 6 đến 7 trăm gốc nhưng cơn bão vừa qua đã thiệt hại phân nửa. Chị Hoàn chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng đầu tư hơn 100 triệu tiền đổ đất để nền được cao lên. Chính vì vậy mà trong trận bão vừa qua, số đào bị ngập và chết của gia đình tôi cũng ít hơn những gia đình đình khác. 50% gốc đào đã chết nhưng cũng còn không ít những gốc đào đang chết dần và không có khả năng phục hồi. Nếu tính về kinh tế chắc thiệt hại tầm vài trăm triệu”.

Là một trong số những người thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão Yagi, ông Điệp (66 tuổi), ở thôn Bắc, phường Nhật Tân buồn rầu cho biết: “Hàng tỉ đồng tiền trồng đào của nhà tôi bị bão Yagi cuốn đi rồi. Tôi và bà con ở đây trở tay không kịp, bão chưa qua thì lũ ập tới. Chỉ sau một đêm vườn nhà tôi không còn một gốc đào, chỉ biết bất lực đứng nhìn. Nước lũ dâng đến đâu cây chết đến đấy. Với hơn 8.000 gốc đào, trong đó 400 gốc đào cổ Nhật Tân, 500 gốc đào huyền đã mất trắng sau khi nước sông Hồng rút”.

Những gốc đào cổ Nhật Tân này chỉ riêng mua về, chưa tính chăm sóc đã có giá từ 15 - 20 triệu đồng/ gốc. Năm nay mất tết đã đành, nhưng còn đau xót hơn vì không biết bao giờ mới nuôi được những gốc đào cổ đó nữa. Hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng đào nhưng chưa bao giờ ông Điệp chứng kiến trận lũ lụt khủng khiếp như năm nay.

Tương tự, gia đình ông Toản, ở tổ 7, phường Nhật Tân cũng thiệt hại gần 1 tỉ đồng sau bão lũ. “Bao nhiêu vốn liếng của gia đình tôi đổ hết vào hơn 600 gốc đào, giờ toàn bộ công sức, tiền bạc mất trắng sau cơn lũ. Tôi đang vay tiền để tái đầu tư vườn đào, nhưng việc tìm mua cây giống rất đắt và cũng không có để mua. Việc phục hồi cây trồng không dễ dàng, có thể mất khoảng 3 - 4 năm nữa để khôi phục lại làng đào như những năm trước”, ông Toản tâm sự.

Gồng gánh cứu vãn mùa hoa Tết

Cùng nằm dọc đê sông Hồng nên khi vườn đào Nhật Tân bị ngập nặng thì vườn quất Tứ Liên ngay cạnh đó cũng chung cảnh ngộ. Chị Thu Hiền, chủ một vườn quất ở Tứ Liên đang cẩn thận cắt bỏ những cành chết khô ở những cây quất có khả năng hồi phục. Chị bảo: “Nhà tôi năm nay ươm khoảng 500 gốc quất trồng bình. Mọi năm cuối tháng 9 là tỉa cành, uốn dáng, sau đó tiếp tục chăm sóc chờ bán tết. Vậy mà, đến nay cả vườn tan hoang vì bão, nước ngập 2-3 ngày, cây nào cây nấy rụng hết lá rồi khô héo dần. Công chăm bón, tiền mua cây giống bấy lâu giờ cũng trôi theo lũ. Thiệt hại ước tính hơn 300 triệu đồng”.

Những thân cây đào chết khô được người dân gom thành đống rồi đốt

Dù không phải là dân Tứ Liên nhưng chị Nguyễn Thị Oanh, 49 tuổi (Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên) đã gắn với nghề trồng quất hơn 20 năm nay. Chị Oanh kể, bắt đầu từ năm 2002, chị cùng chồng thuê đất ở bãi giữa trồng quất, sau đó thì chuyển sang thuê đất ở Tứ Liên. Hiện gia đình chị Oanh đang thuê một mẫu đất để trồng quất với giá gần 20 triệu/ sào. Chỉ tính riêng tiền thuê đất mỗi năm gia đình chị cũng đã phải bỏ ra gần 200 triệu. Vậy mà, cơn bão Yagi đi qua đã khiến vườn quất của gia đình chị ngập gần như toàn bộ, thiệt hại ước tính số tiền lên tới cả tỉ đồng. Chỉ cho chúng tôi xem vườn quất chạy tít tắp phía xa, chị Oanh không giấu được nỗi buồn. Chị bảo: “Thu nhập của cả gia đình trông hết vào đây, vậy mà bây giờ quất chết gần hết. Nhìn vườn quất khô thành củi mà xót xa lắm”.

Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề, nhưng người dân làng đào Nhật Tân, làng quất Tứ Liên vẫn đang nỗ lực cứu vãn mùa vụ. Họ từng ngày chạy đua với thời gian để phục hồi những vườn đào, vườn quất, hy vọng có thể kịp “ra hàng” đúng dịp Tết. Từng cây đào bị gãy đổ được dựng lại, những cây ngập nước đang được khẩn trương tháo cạn và thay đất. Nông dân Nhật Tân không chỉ áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại mà còn kết hợp kinh nghiệm truyền thống để chăm sóc, hồi phục cây.

Bằng giờ này hằng năm, chị Oanh đã tuốt lá và khoanh cây nhưng năm nay chị lại phải đào đất để trồng lứa đào mới

Đang lúi húi dựng lại một gốc đào cổ thụ, anh Nguyễn Quang Hùng (phường Nhật Tân) ngậm ngùi: “Dù cố gắng phục hồi được một số cây còn sót lại, nhưng rễ đã thối gần hết rồi. Nhanh thì cũng phải sang năm mới có thể phục hồi một phần, không thì ít nhất cũng phải ba năm mới dám tính đến câu chuyện phục hồi hoàn toàn”.

Với những người trồng đào lâu năm, ai nấy đều hiểu rằng đào không như những loài khác, khi bị ngập nước vài ngày là rất khó phục hồi. “Cây đào bị ngập úng lâu ngày là rất khó phục hồi, nhưng với kỹ thuật và chăm sóc kịp thời, vẫn có hy vọng cứu được một phần. Cây phải cắt tỉa bớt những cành hỏng, phun thuốc bảo vệ thực vật và bổ sung dinh dưỡng. Cây đào cũng như người bệnh, cần được chăm sóc đặc biệt sau cú sốc lớn mới có thể hồi phục lại”, anh Hùng cho biết.

Tương tự, anh Duy Ngọc (50 tuổi), chủ vườn quất rộng 700 mét vuông ở Tứ Liên cũng bày tỏ sự quyết tâm cứu được cây nào tốt cây đó. Anh bảo: “Vườn nhà tôi thiệt hại gần 100%, tương đương gần tỉ đồng. Nhưng không vì thế mà mình buông xuôi được. Gia đình tôi vẫn phải cố gắng tổng lực để cứu cây. Bản thân tôi phải xin nghỉ công việc hành chính để tập trung dọn vườn, cố cứu được nhiều cây nhất có thể”.

Phong Anh

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文