Lao động từ Nhật Bản trở về thất nghiệp – Vì sao?

07:29 28/09/2022

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100 nghìn lao động sang Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, trong báo cáo nghiên cứu tổng thể về Thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố mới đây cho thấy, tỉ lệ lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật sau khi về nước “thất nghiệp” cao nhất khu vực. Cứ 4 lao động trở về, có tới 3 lao động không tìm được việc làm.

Tại sao một nguồn nhân lực lớn, có tay nghề lại không được tận dụng hiệu quả, dù mục đích của các chương trình đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản như chương trình thực tập sinh là chuyển giao kỹ năng từ Nhật Bản cho lao động Việt Nam.

Khó kiếm được việc làm

Theo JICA, tính đến tháng 6/2021, có khoảng 317 nghìn thực tập sinh nước ngoài đang cư trú trên khắp Nhật Bản, trong đó gần 64% là thực tập sinh Việt Nam. Số lượng thực tập sinh Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia cung cấp lao động lớn nhất cho Nhật Bản. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, tỉ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm ở mức thấp nhất, chỉ 26,7%, trong khi Trung Quốc, Thái Lan, Philippines có tỉ lệ rất cao, hơn 50%.

Sau 3 năm hợp đồng làm việc tại Nhật Bản, anh Nguyễn Văn Thanh (32 tuổi, quê ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa) về nước năm 2018. Sau khi nghỉ ngơi thời gian ngắn, anh quyết định ra Hà Nội để tìm kiếm việc làm bởi anh có chút ít vốn tiếng Nhật và kinh nghiệm làm việc tích lũy được. Tuy nhiên, sau vài tháng rải hồ sơ vào các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và chờ đợi vẫn không có một công ty nào phản hồi.

Rất nhiều thực tập sinh Việt Nam từ Nhật Bản về nước khó tìm kiếm việc làm.

“Lý do khó tìm việc với thực tập sinh ở Nhật Bản về nước tôi thấy rằng đơn giản chỉ là khó tìm được các công ty có ngành nghề phù hợp. Chẳng hạn như ứng tuyển vào các vị trí sử dụng tiếng Nhật thành thạo thì không đáp ứng được, còn kinh nghiệm làm việc thì ở bên Nhật mình làm mảng nông nghiệp về quê lại rất ít việc làm. Các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam có rất ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này”, anh Thanh cho biết. Sau một thời gian không tìm được việc làm, anh Thanh đành phải chạy xe giao hàng công nghệ, cố bám trụ lại Hà Nội với hy vọng trước sau gì cũng tìm được việc. Mới đây, do thấy lãng phí quá nhiều thời gian, anh đã quyết định về quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa mở một cửa hàng nhỏ để kinh doanh.

Cũng là thực tập sinh ngành chế biến thực phẩm ở Nhật Bản về nước năm 2019, đến nay anh Trần Công Ảnh (30 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) vẫn đang phải gắn bó với công việc là nhân viên tiếp thị của một hãng sữa.

Về nước anh Ảnh cũng có ý định tìm kiếm việc làm ở một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Anh nghĩ rằng, những lao động trở về từ Nhật Bản sẽ phù hợp. Thế nhưng ròng rã 6 tháng trời tìm việc không được, quá chán nản anh đã quyết định đi làm nhân viên tiếp thị sữa. “Người nhà cũng khuyên hay là tôi tiếp tục đi sang Nhật một chuyến nữa. Nhưng nghĩ lại mình cũng đến tuổi cần phải lập gia đình để ổn định nên tôi cũng không muốn đi xa nữa. Còn nguyên nhân vì sao thực tập sinh Nhật Bản về nước khó tìm việc làm tôi nghĩ là do kinh nghiệm việc làm ở bên Nhật khi về Việt Nam khó tìm được công việc phù hợp”, anh Ảnh chia sẻ.

Hỗ trợ giải quyết việc làm chưa hiệu quả

Theo JICA, tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật về nước rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc làm công việc không đúng như từng được đào tạo, làm việc ở Nhật diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Đáng chú ý, thực tập sinh Việt Nam sang Nhật làm việc nhiều nhất trong ngành xây dựng, nhưng gần 80% các công ty trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản tại Việt Nam không tuyển dụng những lao động này khi họ trở về nước.

Cũng theo JICA, nguyên nhân khiến thực tập sinh Việt Nam thất nghiệp khi trở về nước chủ yếu do kinh nghiệm làm việc không phù hợp và các thực tập sinh kỳ vọng cao vào mức lương, vị trí. Việc kỳ vọng vào mức lương cao như khi làm việc tại Nhật cũng khiến lao động rất khó kiếm việc làm.

Bên cạnh những nguyên nhân khiến lao động Việt Nam trở về từ Nhật Bản thất nghiệp, theo ông Nguyễn Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực và hợp tác quốc tế Việt Nhật, thì còn một nguyên nhân sâu xa nữa là các thực tập sinh Việt Nam trước khi sang Nhật thường chỉ có bằng cấp 3, hoặc chỉ có bằng cấp 2 nên trình độ của họ cũng rất hạn chế. Rất nhiều người coi đi làm việc ở nước ngoài với mục đích kiếm tiền đổi đời là chính, mà chưa có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp tương lai. Đầu vào thấp nên nhiều thực tập sinh Việt Nam khi sang Nhật Bản làm việc chủ yếu là những công việc đơn giản, thu nhập thấp. Do đó, chất lượng của những lao động này khi về Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. “Để có được nguồn lao động có chất lượng cao khi ra nước ngoài làm việc học hỏi được kinh nghiệm, tiếp thu được kỹ thuật khi về nước thì nâng cao chất lượng đầu vào trước khi đưa đi là vấn đề cốt lõi.

Đã đến lúc, chúng ta cần tính toán tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao, lao động có trình độ vào các chương trình phái cử”, ông Hoàng đánh giá.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện có gần 500 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay chưa có thống kê nào về số lượng lao động tìm được việc làm khi về nước. Người lao động trở về chủ yếu tự lực cánh sinh hoặc tìm kiếm công việc mới. Trung tâm lao động ngoài nước cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương để tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về nước. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI, cũng như doanh nghiệp trong nước tham gia tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm này nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước thừa nhận, chủ trương hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động sau khi về nước đã có, song chưa hiệu quả, cũng chưa có chế tài ràng buộc các cấp ngành phải làm.

Phan Hoạt

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文