Miền Bắc đón đợt không khí lạnh nhất đầu mùa, miền Trung cảnh báo lụt
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa và gây ra đợt rét đầu tiên của mùa đông 2023-2024. Khu vực thủ đô Hà Nội mức nhiệt giảm thấp nhất, xuống 17-19 độ và đêm mai còn 16 độ. Mưa bắt đầu từ chiều tối nay (12/11) ở Thanh Hóa, Nghệ An, sau đó mở rộng ra các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ với cường độ rất lớn.
Ngày 12/11, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa có những nhận định liên quan đến đợt không khí lạnh mạnh sắp đổ bộ nước ta.
Ông Hưởng đánh giá, đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa và gây ra đợt rét đầu tiên của mùa đông 2023-2024.
Theo diễn biến, chiều tối nay không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến vùng núi và trung du Bắc Bộ, tiếp đến khu vực đồng bằng, sau đó là Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm nay, thời tiết khu vực Bắc Bộ, nhiệt độ thấp nhất trong đêm và sáng khoảng từ 16-19 độ, vùng núi cao dưới 15 độ. Từ đêm nay đến khoảng 14-15/11, sẽ xảy ra một đợt rét, vùng núi rét đậm cục bộ.
Do tác động của không khí lạnh kết hợp với đới gió Đông nên Bắc và Trung Trung Bộ, sau đó là Nam Trung Bộ từ đêm nay đến khoảng 16-17/11 sẽ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa nhận định, có những vùng như Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam 300-500mm, có nơi trên 500mm.
Đáng chú ý, khả năng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ sẽ xảy ra một đợt lũ với trọng tâm là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Mực nước sông lần này khả năng lên báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3.
Do đó, ông Hưởng cảnh báo, tác động của không khí lạnh và mưa khiến khu vực vùng núi xảy ra rét đậm, rét hại, ảnh hưởng cây trồng và vật nuôi. Mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Khu vực Trung Bộ mưa lớn khả năng gây ra tình trạng lũ, ngập lụt ven đô thị, ven biển như khu vực Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Trước tình hình thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai có văn bản gửi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên đề nghị ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Đặc biệt, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.