Mùa lũ cạn và câu chuyện sinh kế của người dân vùng đầu nguồn

06:22 18/10/2021

Hàng năm, cứ vào đầu tháng 7 âm lịch con nước chở nặng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông lại cuồn cuộn đổ về đầu nguồn tỉnh An Giang và vùng Đồng Tháp Mười. Năm nay đã là giữa tháng 9 âm lịch mà mực nước chỉ mới ngấp nghé ở các cánh đồng vùng biên giới. Mưu sinh mùa nước nổi không còn tất bật, nhộn nhịp.

Nước nôi thấp, cá mắm ít dần, dịch bệnh hoành hành, đời sống người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản thêm phần khó khăn, vất vả. Bà con vùng đầu nguồn cũng dần chuyển đổi nghề, tạo sinh kế ổn định, không bám víu vào cái nghề “năm ăn, năm thua” đánh cược với con nước nữa…

Khó khăn chồng chất khó khăn

Vùng dịch huyện An Phú (tỉnh An Giang) dần được kiểm soát, cuộc sống người dân nơi đây bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới, là cơ hội cho cánh phóng viên chúng tôi có dịp tác nghiệp vùng thượng nguồn.

Mực nước thấp, ghe xuồng, ngư cụ nằm bãi, chưa “ra khơi”, người dân sống “nghề con cá” thất thu.

Dọc theo các con đường liên ấp của xã Phú Hội, nếu như năm trước, cũng vào thời điểm này phải di chuyển bằng xuồng, ghe thì nay xe gắn máy vẫn có thể chạy sâu vào xóm nhà sàn. Vào sâu, dễ dàng bắt gặp cảnh những chiếc ghe nằm chỏng chơ dưới sàn nhà hoặc những đống dớn, bó câu treo ở phía sau vách.

Ông nông dân Nguyễn Văn Gàng chuyên sống bằng nghề chài lưới từ nhỏ, sau này làm thêm nghề thu mua sản vật trong mùa nước nổi. Mồi điếu thuốc tôi mời, ông Gàng kéo chiếc khẩu trang xuống, rít một hơi dài, thở dài: “Hơn 3 tháng nay, có mần ăn được gì đâu. Năm nay coi như thua, nước không cao, cá không nhiều. Con cá, bó rau kiếm được thì bán không được giá do ảnh hưởng dịch bệnh. Địa phương quan tâm, hỗ trợ nhưng chỉ “chữa cháy”, về lâu về dài phải tính lại, kiếm cái nghề khác ổn định hơn. Chứ nước nôi mấy năm nay chỉ lét đét, không ngập nổi đồng thì đánh bắt gì nữa”, ông Gàng chia sẻ.

Người dân miền sông nước buồn thiu khi mùa lũ rất thấp.

Năm ngoái rồi năm trước nữa, nước cũng ít, người dân nghèo vùng rốn lũ phải bỏ quê để lên các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân mưu sinh. Năm nay, đến cái hẹn mùa nước nổi, bà con hồi hương quay về, nhưng là cuộc hồi hương không mong muốn.

Gắn bó với nghề làm khô, làm mắm ở địa phương, muốn thay đổi cuộc sống, kiếm chi phí lo cho con cái ăn học, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền rủ thêm vợ chồng chị Nguyễn Thị Diệu (xã Khánh An, huyện Phú Hội), 4 người đùm gánh lên Bình Dương lao động. Nhưng chỉ làm được 1 tháng, còn 3 tháng kia nằm ở trọ trốn dịch. Chỉ vàng mang theo phòng thân cũng đã bán đi để làm chi phí cho cuộc hồi hương.

“Chỉ mong địa phương có khu công nghiệp, công ty, doanh nghiệp nhiều hơn, để người dân được lao động tại quê nhà. Chứ mấy năm nay, cá mắm thì không có mà đi xa làm ăn thì lo lắng trăm bề, chịu cảnh xa con”, chị Diệu tâm sự.

Trước đây, hễ cứ đến mùa nước nổi là các làng nghề như làm lọp cá linh ở cồn Cốc (xã Phước Hưng, huyện An Phú), lưỡi câu (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), đóng xuồng rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) hoạt động suốt ngày đêm vì số lượng hàng làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu. Thế nhưng, những năm trở lại đây dù được các địa phương hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng số hộ làm ngư cụ phục vụ việc đánh bắt mùa lũ cứ lần lượt bỏ nghề.

Từ lâu cồn Cốc được biết đến là nơi có làng nghề đan lọp cá linh để cung ứng cho thị trường trong vùng và xuất sang Campuchia. Vào mùa nước của những năm trước, về cồn Cốc sẽ thấy cảnh nhà nhà làm lọp, không chỉ có người lớn mà còn người già và trẻ nhỏ. Ấy vậy mà giờ đây nó trở nên đìu hiu, vắng lặng.

Đồng ruộng thiếu phù sa

Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh An Giang dự báo năm nay lũ về muộn hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước cao nhất năm (đỉnh lũ) trên sông Hậu tại Khánh An, Châu Đốc và trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức dưới báo động 1, thời gian xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10 (báo động I, tại Khánh An 4,2m; Châu Đốc 3m; Tân Châu 3,5m).

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang thông tin, vụ lúa Thu – Đông năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng đã có kế hoạch xả lũ cho khoảng 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, để lấy phù sa vào ruộng đồng, vừa vệ sinh đồng ruộng, cung cấp nước ngọt và phục vụ dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng hạ lưu. Tuy nhiên, kế hoạch này khó thực hiện bởi hiện nay lũ về trễ, khả năng đỉnh lũ năm nay lại không cao.

Nay đã giữa tháng 9 âm lịch nhưng nước chỉ mới mới ngấp nghé trên đồng, không còn cảnh đánh bắt nhộn nhịp, chỉ một số ngư dân vẫn bấu víu vào nghề.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện An Phú cho hay, sản xuất nông nghiệp càng khó khăn hơn. Nếu như không thực hiện xả lũ được thì vụ mùa sau bà con sẽ rất vất vả, cỏ nhiều và đặc biệt là không có phù sa… Bà con tốn chi phí nhiều trong việc dọn đồng và tốn phân bón nhiều hơn.

Còn ông Đặng Văn Nê, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) cho biết: “Với 8 vùng đê bao của địa phương thì cơ bản là không ảnh hưởng gì. Còn vùng ngoài đê bao, chúng tôi có khuyến cáo bà con không xuống giống.

Tuy nhiên, đối với một số diện tích đất gò cao ngoài đê bao, nông dân đã tự xuống giống và cam kết tự chịu trách nhiệm, nhưng với mực nước này chắc cũng không đủ cao để diện tích gieo xạ bị ảnh hưởng”. Hiện, địa phương có hơn 850ha diện tích đất nông nghiệp ngoài đê bao, thuộc 2 xã Vĩnh Xương và Phú Lộc, trong đó, diện tích trồng lúa 700ha, diện tích còn lại là trồng màu…

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), mùa lũ thấp sẽ dẫn tới các hệ quả như: phù sa ngày càng ít dần, lượng thủy sản ít, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa và không rửa được tạp chất khác trong đất. Năng suất lúa và cây trồng sẽ bị ảnh hưởng.

Giải pháp là cần khuyến cáo ngay việc giảm tối đa diện tích sản xuất lúa, trữ nước mưa nhiều nhất có thể. Đồng thời, tranh thủ những lúc triều cường dâng cao đẩy nước ngọt vào đồng ruộng, cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại. Những khu vực trũng có thể tính tới việc nạo vét cho sâu. Ngoài ra, phải chọn những giống cây trồng ít sử dụng nước để gieo trồng.

Chuyển đổi sinh kế

Tại thị xã Tân Châu có hàng chục mô hình chăn nuôi được chính quyền địa phương hướng dẫn và hỗ trợ vốn vay, nhằm giúp bà con có sinh kế trong mùa lũ cạn, ổn định cuộc sống. Ông Phạm Văn Hải, Phó phòng Kinh tế thị xã Tân Châu chia sẻ: “Địa phương quan tâm, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chuyên sống bằng việc câu, lưới trong mùa nước cách chuyển đổi nghề, chuyển dần từ khai thác thiên nhiên qua mô hình chăn nuôi, để bà con có công ăn việc làm, tạo ra thu nhập mang tính bền vững hơn”.

Anh Trần Vũ Phong (xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu) đã mạnh dạn kéo xuồng lên bờ, bỏ nghề đánh bắt thủy sản chuyển sang nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình. Anh Phong tận dụng những cánh đồng không có nước về, cỏ mọc nhiều, đây là nguồn thức ăn tốt cho loại dê. Dê khá dễ nuôi, đầu ra lại ổn định, thị trường yêu thích. Hiện, chuồng dê của anh Phong có 70 con, lợi nhuận thu được mỗi năm khoảng gần 100 triệu đồng.

 
Người dân thượng nguồn đã chuyển đổi từ đánh bắt phụ thuộc vào thiên nhiên sang các mô hình sinh kế phù hợp như chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Còn tại huyện An Phú, chính quyền địa phương sâu sát, hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình sinh kế hiệu quả mang tính ổn định, như: nuôi tôm càng xanh trên đất lúa, nuôi cá heo nước ngọt trong ao, nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt bằng con giống sinh sản nhân tạo, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp men vi sinh…

Ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, bà con đang dần thích ứng, chuyển đổi nghề phù hợp hơn. Thay vì đánh bắt nguồn lợi thủy sản, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, thì nay người dân chuyển sang nuôi trồng, chủ động cung cấp thực phẩm cho thị trường, hỗ trợ chế biến và có cơ sở vững chắc để nâng cao đời sống của bản thân và gia đình.

Thời gian tới, địa phương sẽ liên kết với các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ để giúp cho người nông dân giải quyết được vấn đề tiêu thụ hàng hóa nông sản. Nhờ chuyển đổi sinh kế mang tính hiệu quả, ổn định hơn mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện An Phú vào năm 2016 là 17,64% đến nay giảm còn 4,51%.

Trần Lĩnh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文