Mùa xuân hạnh phúc đầu tiên của những cặp vợ chồng hiếm muộn
Đây là mùa xuân hạnh phúc đầu tiên với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khi trong mái ấm gia đình có tiếng cười trẻ thơ, không còn ngượng ngùng khi phải gặp gỡ họ hàng đầu năm. Nhiều ông chồng đi khám đã bị sốc khi không có “tinh binh”, nhưng nhờ y học phát triển, họ đã được làm cha, mang tới hạnh phúc vô bờ trong mùa xuân mới.
Hạnh phúc bất ngờ của ông bố “vô tinh”
Kết hôn 6 tháng chưa có tin vui, vợ chồng anh chị Nguyễn Vân Anh và anh Nguyễn Văn Đức (quê ở Nghệ An, làm công nhân tại Bắc Ninh) đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám. “Ai ngờ khi cầm tờ kết quả thông báo chồng không có tinh trùng mà hai vợ chồng rụng rời chân tay, mọi thứ trước mắt tối sầm lại và không dám tin vào sự thật này", chị Vân Anh nhớ lại.
Anh Đức được bác sĩ kết luận bị "vô tinh" do teo tinh hoàn, biến chứng của tiền sử quai bị hoặc viêm tinh hoàn trước đó. Kết quả siêu âm của chị Vân Anh bị đa nang buồng trứng, rối loạn phóng noãn và kinh nguyệt không đều cũng ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên, khó có con.
"Bác sĩ nói muốn có con chỉ còn cách phẫu thuật tìm tinh trùng trong tinh hoàn và làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)", chị Vân Anh chia sẻ.
Với đồng lương công nhân ít ỏi, số tiền làm IVF là quá lớn, vợ chồng anh Đức đành gác lại hành trình tìm con bằng phương pháp này. Họ hy vọng có phép màu nào đó giúp có thai tự nhiên, nên ai mách ở đâu có thầy giỏi, thuốc tốt là hai vợ chồng đều mua về uống, nhưng mong mãi vẫn không thấy con về.
"Mỗi khi Tết đến xuân về, người ta đi chơi đông vui, còn hai vợ chồng chỉ trốn ở nhà vì sợ mọi người hỏi sao chưa có con? Sợ người ta lại chúc, nhanh có em bé. Mỗi lần như vậy lại quặn thắt ruột gan vì thiên chức thiêng liêng được làm mẹ, người phụ nữ nào chả mong chạm tới", chị Vân Anh chia sẻ.
4 năm sau, dành dụm được một ít tiền, hai vợ chồng anh Đức quyết định vay mượn thêm và quay lại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội "tìm con".
Tuy anh Đức không có tinh trùng, nhưng các bác sĩ đánh giá vẫn có khả năng tìm được “tinh binh” và chỉ định mổ Micro TESE.
BS Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp - Chuyên khoa Nam học cho biết: "Theo kết quả thăm khám, thể tích tinh hoàn chỉ còn khoảng 3ml, các ống sinh tinh đã xơ hóa, không có khả năng sinh tinh. Tuy nhiên, dựa vào tiền sử bệnh, xét nghiệm nội tiết, chúng tôi đánh giá vẫn có khả năng tìm được tinh trùng và đặt cược mổ tìm tinh trùng cho bệnh nhân bằng phương pháp Micro TESE".
Sau khi lần tìm, hồi hộp chờ đợi, BS đã “bắt” được vài “chú tinh binh” còn sót lại trong mô tinh hoàn. Cùng thời điểm đó, vợ anh chọc trứng được 14 noãn. “Hai vợ chồng gặp nhau ở phòng hậu phẫu mà hạnh phúc vô cùng”, chị Vân Anh kể.
Sau khi giữ lại 2 phôi ngày 3 và nuôi 6 phôi lên ngày 5, hai vợ chồng Vân Anh quyết định chuyển phôi ngày 5 với hi vọng sẽ đón được con yêu.
Trời không phụ lòng người, sau chuyển phôi 10 ngày, hai vợ chồng vỡ òa hạnh phúc khi bác sĩ thông báo "hai mầm sống nhỏ" bắt đầu hình thành trong cơ thể chị Vân Anh trong lần siêu âm đầu tiên, báo hiệu một niềm hy vọng mới đến với gia đình.
Sau biết bao gian nan, vất vả, khi thai nhi được 9 tháng, chị Vân Anh đã hạ sinh hai bé trai Nguyễn Trọng Đăng Khôi - Nguyễn Trọng Đăng Khoa khoẻ mạnh trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.
“Tết năm nay là cái Tết hạnh phúc nhất với gia đình tôi khi trong nhà luôn vang lên tiếng cười của các con”, anh Đức vui vẻ chia sẻ.
Giúp những quân nhân thực hiện ước mơ làm cha
Còn với cặp vợ chồng hiếm muộn Trung uý Nông Minh Tuấn (quê ở Thái Bình, công tác tại Trại giam Quân khu I, Bộ Quốc phòng) và chị Đoàn Nguyệt Linh (giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên) thì khi Tết đến xuân về, họ lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi trong nhà có tiếng bi bô của 2 con một trai, một gái sau bao năm trông đợi.
Anh Tuấn kể, sau nhiều năm chạy chữa mà vẫn không thể sinh được con, hai vợ chồng quyết định xuống Hà Nội làm IVF. May mắn trong lần đặt phôi đầu tiên, chị Linh đã đậu song thai.
Thật may mắn, khi thai được 36 tuần 4 ngày chị Linh chuyển dạ, sinh được hai thiên thần nhỏ Minh Khang và Diệu An khỏe mạnh. Đón hai con, anh Tuấn xúc động bật khóc.
“Mình đặt tên con gái là Diệu An, nghĩa là điều kỳ diệu của bố mẹ, mong con một đời bình an. Con trai tên là Minh Khang cũng với hy vọng con sẽ là một người ngay thẳng, thông minh và bình an trong cuộc sống”, chị Linh chia sẻ về ý nghĩa đặt tên con của gia đình.
Mùa xuân năm nay là mùa xuân hạnh phúc nhất với nhiều ông bố quân nhân hiếm muộn được làm IVF miễn phí tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn như Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, công tác tại Cơ quan Tham mưu, Quân chủng Hải quân. Vợ chồng Thiếu tá Dũng đã đón bé gái xinh xắn chào đời và Tết năm nay là cái Tết hạnh phúc trọn vẹn khi trong nhà có tiếng bi bô của con gái, sau 10 năm chạy chữa và đằng đẵng mong chờ.
Hay là niềm vui ngọt ngào của Trung úy Phan Tuấn Anh (công tác tại Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật) và cô giáo mầm non Đỗ Thị Lan (Cao Phong, Hòa Bình) khi có cậu con trai kháu khỉnh gần 5 tháng đón Tết cùng gia đình. Hoàn cảnh của vợ chồng họ rất khó khăn, không có tiền làm IVF và họ đã được bệnh viện thực hiện miễn phí trong chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan toả".
"Mùa xuân năm nay là mùa xuân hạnh phúc nhất với hai vợ chồng em, không còn phải khát khao mong chờ, không còn ngại đến nhà họ hàng, chòm xóm chúc Tết nữa. Cháu đã biết hóng chuyện, cả gia đình hai bên đều rộn ràng niềm vui", Tuấn Anh chia sẻ.
Hành trình tìm con của các cặp vợ chồng hiếm muộn chưa bao giờ là dễ dàng, mỗi gia đình luôn phải vượt qua những khó khăn trắc trở dù ít hay nhiều. Mỗi em bé chào đời là một niềm hạnh phúc lớn lao, để có được điều đó các gia đình hiếm muộn luôn phải kiên trì nỗ lực, cô gắng và bền bỉ, không từ bỏ hành trình với niềm tin “rồi con sẽ về”.