Nam thanh niên nhảy cầu Bãi Cháy được cứu sống ngoạn mục
Nam thanh niên trèo qua lan can cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) nhảy xuống biển, may mắn được hai vợ chồng ngư dân cứu vớt. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, sốc đa chấn thương do vỡ các tạng trong ổ bụng. Đây là trường họp sống sót hy hữu sau khi nhảy cầu Bãi Cháy.
Trưa 30/11, N.V.M (30 tuổi, trú tại Ba Chẽ, Quảng Ninh) trèo qua lan can cầu Bãi Cháy nhảy xuống biển. May mắn vợ chồng ông H. (trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) đang chạy tàu gần đó đã nhanh chóng tiếp cận cứu vớt.
Sau khi được đưa lên bờ, nạn nhân mặt thâm tím nhưng vẫn tỉnh táo, được người dân nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nam thanh niên được người dân đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với biểu hiện sốc nặng, lơ mơ, tiếp xúc chậm, niêm mạc nhợt, huyết áp tụt, bụng chướng, toàn thân đau đớn, sưng nề, bầm tím nhiều vùng trên cơ thể.
Nhận định đây là ca cấp cứu tối khẩn, nghi ngờ bệnh nhân bị sốc đa chấn thương do vỡ các tạng trong ổ bụng, Khoa Cấp cứu khẩn trương kích hoạt quy trình "báo động đỏ" nội viện. Sau khi sơ cứu chống sốc, bệnh nhân được đặt đường truyền, đưa đi chụp cắt lớp toàn thân và chuyển thẳng phòng mổ.
Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, hình ảnh nhiều dịch máu trong ổ bụng, lá lách dập nát phức tạp (vỡ lách độ 4), vỡ gan kèm đụng dập nhiều thành bụng trước.
Kíp mổ gồm các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức, Ngoại, Huyết học được huy động để vừa hồi sức, vừa phẫu thuật cầm máu. Sau khi kíp gây mê đặt các đường truyền vận mạch, trợ tim và tiến hành gây mê nội khí quản, phẫu thuật viên mở bụng hút khoảng 2000ml máu tươi lẫn máu cục, kiểm tra lá lách vỡ độ 4 đang chảy máu, gan đụng dập vỡ độ 2-3, tụ máu sau phúc mạc. Kíp mổ tiến hành cắt lách xử trí tổn thương, khâu cầm máu gan và đặt dẫn lưu.
Do bệnh nhân bị mất máu nhiều kèm theo tổn thương tạng phức tạp nên bệnh nhân đã được truyền bổ sung hơn 1 lít máu và huyết tương tươi giúp mạch huyết áp ổn định. Sau hơn 1 tiếng phẫu thuật căng thẳng, ca mổ diễn ra thành công thuận lợi.
Bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoạ cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân M còn sống sót là rất may mắn và ít gặp, bởi khi đã nhảy xuống nước từ độ cao 50 – 60m thì cơ thể chịu sức ép và áp lực rất lớn, có thể tử vong ngay lập tức do các tạng trong cơ thể bị dập nát, chảy máu. Bệnh nhân M đã được vận chuyển, sơ cấp cứu và thực hiện phẫu thuật kịp thời nên đã bảo toàn được tính mạng. Ngoài việc điều trị chấn thương của cơ thể, chúng tôi sẽ cố gắng động viên, khích lệ để bệnh nhân có thể lấy lại được tinh thần, suy nghĩ tích cực, vui vẻ, lạc quan trở lại, tránh hành động tiêu cực, sai lầm như trước”.
Đối với các ca tai nạn bị sốc mất máu do vỡ tạng, đặc biệt là trường hợp vỡ tạng đặc (gan, thận, lá lách) đều rất nguy hiểm, cần phải được chẩn đoán sớm và phẫu thuật ngay, nếu chậm trễ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.