Nâng cao chất lượng lao động Việt Nam xuất khẩu làm việc ở nước ngoài
Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 cả nước đưa được 110 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, và tính đến hết tháng 8/2023 đã có hơn 97 nghìn lao động xuất cảnh (đạt gần 90% kế hoạch năm).
Xuất khẩu lao động đang góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, có khoảng 47% số lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ học vấn cao nhất là cấp phổ thông trung học, trình độ trung học cơ sở là khoảng 23%. Con số cho thấy chất lượng lao động còn rất thấp, do đó, nếu không nâng cao chất lượng mà chỉ chú trọng số lượng, lao động Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.
Giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính riêng trong tháng 8/2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là hơn 12.000 lao động. Trong đó, thị trường Nhật Bản là 6.076 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 4.698 lao động, Hungary 200 lao động, Singapore 164 lao động, Hàn Quốc 145 lao động, Trung Quốc 139 lao động, Romania 90 lao động...
Tính chung 8 tháng qua, cả nước đã đưa được 97.234 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt hơn 88% kế hoạch năm 2023. Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 47.215 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 41.654 lao động, Hàn Quốc 1.944 lao động, Trung Quốc 1.163 lao động, Hungary 1.002 lao động, Singapore 964 lao động, Romania 627 lao động...
Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện đang có khoảng 580 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tập trung ở các thị trường Nhật Bản (250 ngàn người); Đài Loan (230 ngàn người); Hàn Quốc (50 ngàn người); còn lại ở các thị trường châu Âu, Trung Đông và Malaysia. Về lĩnh vực ngành nghề, sản xuất chế tạo chiếm 80% (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình)… Thu nhập của người lao động đạt khoảng 1.200-1.500 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800-1.200 USD tại Đài Loan và các nước châu Âu…
Bên cạnh việc đẩy mạnh việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc, mục tiêu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đặt ra cho lĩnh vực này thời gian tới là mở rộng thị trường và hướng đến các thị trường có thu nhập cao. Cục sẽ hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao.
Giải pháp nào nâng cao chất lượng lao động?
Đề cập đến chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài những năm qua còn thấp, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, nhiều năm qua mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế, người lao động ở vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo chứ chưa có chính sách chung về nâng cao chất lượng cho nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài.
“Điểm yếu đầu tiên của lao động Việt Nam hiện nay chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Chúng ta đang đặt mục tiêu không chỉ nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Do đó, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người lao động đi xuất khẩu mà còn tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam”, ông Liêm nói.
Giải pháp hiện nay theo ông Liêm là cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn lao động, bố trí nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hỗ trợ cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, ngoại ngữ. “Sẽ tùy theo từng thị trường để định hướng học tập ngành nghề gì hay học ngoại ngữ ở mức độ, trình độ ra sao. Chẳng hạn với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc thì phải có ngoại ngữ tốt vì đòi hỏi kỹ năng nghề, không như một số thị trường khác. Với khả năng ngoại ngữ tốt, người lao động có thể nắm bắt để thực hiện tốt công việc được giao và từ đó có thể nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc. Trong khi đó, với các thị trường như: Đài Loan, châu Âu hay Trung Đông thì người lao động cần được đào tạo ở những ngành, nghề và công việc làm trong nhà máy, công xưởng, công trình xây dựng…”, ông Liêm phân tích.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với các doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng chất lượng nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu.
“Bộ đã đề nghị các đơn vị được giao thực hiện trao đổi với phía đối tác và triển khai mở các lớp đào tạo ngoại ngữ, đào tạo định hướng cho lao động tham gia chương trình IM Japan, EPS; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tham gia các chương trình. Chúng tôi cũng yêu cầu Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường dạy nghề để nâng cao hiệu quả kết nối giữa công tác đào tạo và công tác tuyển chọn, phái cử lao động, từng bước nâng cao số lượng và tỷ lệ lao động đã được đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.