Nắng nóng kéo dài, nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát
Nắng nóng kéo dài trên khắp cả nước đã khiến xuất hiện nhiều dịch bệnh mùa hè bùng phát, trong đó có tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy do virus Rota, viêm não do virus… Trong vài ngày qua đã ghi nhận 2 ca tay chân miệng tử vong tại Đắk Lắk và TP Hồ Chí Minh, trong đó có sự xuất hiện của chủng virus nguy hiểm EV 71.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP phát động chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng phòng chống sốt xuất huyết, đồng thời tăng cường phòng chống bệnh dịch mùa hè, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, đường hô hấp, bệnh tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, viêm não do virus…
Chủng virus gây bệnh tay chân miệng nặng đã xuất hiện
Mùa hè, đặc biệt thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài dễ gây bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Mặc dù được coi là bệnh lành tính, nhưng trẻ mắc tay chân miệng có thể biến chứng rất nhanh nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện.
Vào ngày 31/5, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh ghi nhận 1 ca tử vong do tay chân miệng. Bệnh nhi 5 tuổi (Tiền Giang) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ III, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh vào sáng 31/5.
Tại đây bé hôn mê sâu, sốt rất cao 41,2 độ C, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ IV, xử trí chống sốc, hỗ trợ hô hấp, lọc máu, tuy nhiên vẫn không thể cứu được cháu bé. Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 5 tháng đầu năm 2023, số ca tay chân miệng bệnh viện tiếp nhận không tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số ca nặng tăng 5 trường hợp.
Báo cáo của CDC TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, số ca mắc tay chân miệng của TP so với cùng kỳ năm ngoái giảm, nhưng đáng lo ngại khi virus Enterovirus 71 (EV 71) đã được xác định bằng kỹ thuật PCR ở một số trường hợp nặng. Tại các bệnh viện chuyên khoa nhi của TP đang điều trị cho 33 trẻ mắc tay chân miệng, tất cả đều dưới 5 tuổi, trong đó có 9 ca nặng với 4 trường hợp nặng được xác định do mắc EV 71.
Tại các tỉnh phía Bắc đã ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị cho hơn 100 ca tay chân miệng, đa số các ca đều nhẹ và khỏi bệnh sau đó, tuy nhiên một số trường hơp có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi virus Coxsackievirus A16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể bắt nguồn từ các nhóm virus Enterovirus, bao gồm virus EV 71 với rất nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, đa phần trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi con bị tay chân miệng, cha mẹ phải nhận biết được dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa con đến ngay cơ sở y tế. "Có 3 dấu hiệu quan trọng "chỉ điểm" của trẻ đã biến chứng. Đó là trẻ giật mình khi đang thiu thiu ngủ hoặc đang ngủ.
Nếu trong 30 phút mà trẻ giật mình 2 lần trở lên chắc chắn bệnh trở nặng. Thứ hai một số trẻ sẽ quấy khóc liên tục, mạch nhanh, da nổi bông tím hoắc trẻ yếu tay, yếu chân. Thứ ba trẻ sốt trên 2 ngày và sốt ca liên tục trên 38,5 độ, dùng thuốc hạ sốt cũng không hạ. Khi có 1 trong 3 dấu hiệu trên, cha mẹ phải đưa con ngay tới bệnh viện, không được chậm trễ", BS Khanh nói.
Không để bùng phát dịch
Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều trẻ em, người già mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm tiểu phế quản, viêm phổi gia tăng. Một trong những nguyên nhân là thay đổi nhiệt độ đột ngột khi trẻ em, người lớn ở trong phòng điều hoà ra nắng ngay hoặc ngược lại. Theo BS Đỗ Mai Huyền, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong ngày nắng nóng, việc sử dụng điều hoà làm mát là cần thiết nhưng không quá lạm dụng.
Theo đó, nên để nhiệt độ từ 27-29 độ, thêm quạt thông gió. Vào những khoảng thời tiết dịu mát nên tắt điều hoà, mở cửa để phòng thông thoáng vì môi trường kín dễ phát triển vi khuẩn gây bệnh. Người cao tuổi, trẻ em, cần hạn chế thay đổi môi trường, ví như từ phòng điều hòa ra ngoài nắng nóng cần có không gian đệm để tránh sốc nhiệt.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nắng nóng kéo dài còn bùng phát các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, đường hô hấp như: tiêu chảy do virus Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do virus, bệnh viêm não do mô cầu, viêm não Nhật Bản thường có số mắc cao và có thể bùng phát thành dịch. Năm nào vào dịp từ tháng 5 đến tháng 8, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều ca mắc viêm não do virus, viêm màng não và viêm não Nhật Bản. Khi tiếp xúc với phụ huynh có con điều trị tại đây, chúng tôi được biết, có nhiều trẻ không tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản, thậm chí có tiêm nhưng bỏ mũi, không tiêm nhắc lại.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, so với các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Viêm não Nhật Bản đã có vaccine phòng bệnh, những năm qua tỷ lệ mắc tuy đã giảm, song Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn tiếp nhận bệnh nhân vào nhập viện. Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh là do hầu hết phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vaccine viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc 2 tuổi. Nếu không tiêm nhắc lại, kháng thể không đủ để bảo vệ trẻ nhiễm bệnh.
Để phòng tránh các dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè, Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP trên cả nước yêu cầu phát động chiến dịch diệt muỗi, diệt loăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. Vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, truyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức. Các ổ dịch phải được phát hiện sớm, cách ly các trường hợp mắc bệnh và xử lý triệt để ổ dịch kịp thời.