Nên đưa sữa mẹ thanh trùng vào chi trả bảo hiểm y tế, cứu nhiều trẻ sinh non

05:52 06/09/2023

Những “giọt vàng” chắt chiu, mát lành từ nguồn sữa mẹ không chỉ giúp trẻ lớn nhanh và phát triển toàn diện mà còn có nhiều kháng thể, đặc biệt là liều thuốc để giúp các bé sơ sinh nhẹ cân, non tháng vượt qua được các biến chứng của sinh non.

Nhiều em bé non tháng, nhẹ cân đã lớn lên khoẻ mạnh từ ngân hàng sữa mẹ mà không phải sử dụng sữa công thức. Cả nước hiện có 4 ngân hàng sữa mẹ tại 4 tỉnh, thành phố là TP Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Quảng Nam, Cần Thơ. Đến nay, đã có 4.000 bà mẹ tham gia hiến tặng, với lượng sữa hiến tặng đạt 30.000 lít, cung cấp cho 55.000 trẻ sơ sinh. 

Lợi ích to lớn từ sữa mẹ

Tại Khoa Điều trị tích cực Kangaroo, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, có nhiều bé sơ sinh sau khi được điều trị và phát triển ổn định đã được đưa về ghép mẹ. Ôm đứa con nhỏ xíu, người mẹ trẻ Phạm Thị Lan Anh (22 tuổi, Nam Định) cho biết: “Con sinh non chỉ được 1,2kg với nhiều biến chứng của trẻ sơ sinh non tháng nên phải điều trị trong lồng kính 13 tuần. Từ tuần đầu vào đây, toàn bộ sữa cho con được cung cấp từ ngân hàng sữa mẹ, một nguồn sữa vô cùng đáng quý”.

Nguồn sữa thanh trùng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ sinh non trong quá trình điều trị đầu đời. Ảnh minh họa

Nằm ngay bên cạnh là bé gái sinh non khi mới 28 tuần tuổi, nặng 900g ở Vĩnh Phúc. Hai ngày sau sinh, bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, tràn khí màng phổi. Điều trị 2 tuần hồi sức tích cực, bé gái dần ổn định và bắt đầu tăng cân, được đưa về ghép mẹ để tiếp tục ấp Kangaroo. Sau 1 tháng điều trị và chăm sóc, bé đã được 2,1kg. “Là mẹ có con sinh non tháng, em mới cảm nhận rõ được sự quan trọng của sữa mẹ với đứa trẻ. Và chính con em đã được nhận nguồn sữa đó từ các bà mẹ khác khi em chưa thể đến viện chăm con, nó đã giúp con thêm sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật”, mẹ của bé xúc động chia sẻ.

Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Mai Hương, Khoa Khám cấp cứu sơ sinh và Ngân hàng sữa mẹ, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi chưa có ngân hàng sữa mẹ, bắt buộc dựa vào nguồn hiếm hoi từ mẹ, nếu mẹ chưa hoặc không có sữa, trẻ trẻ sơ sinh phải dùng sữa công thức. Từ ngày ngân hàng sữa mẹ được thiết lập, toàn bộ sữa mẹ thanh trùng cung cấp cho trẻ sơ sinh điều trị tại bệnh viện đã thay thế nguồn sữa công thức trước.

Theo chị Hương, khi nhận thông tin thiết lập ngân hàng sữa mẹ tại Trung tâm Sơ sinh, nhiều người hoang mang vì lo thiếu nguồn cung sữa. Hầu hết bệnh nhân sơ sinh ở đây lại bị bệnh, tách mẹ sớm nên các mẹ hay bị mất nguồn sữa. Vì vậy, bệnh viện thành lập đơn nguyên Kangaroo để các bà mẹ được tiếp cận sớm với con và từ đó xin sữa cho ngân hàng.

Năm 2022 có 71 mẹ tặng sữa, thu gom được 2.800 lít, 8 tháng đầu năm nay đã có 70 mẹ tặng, thu gom được 1.880 lít sữa. Lượng sữa mẹ thanh trùng đạt tiêu chuẩn cũng tương đương, cung cấp cho trẻ tại bệnh viện khoảng 3.000 lít và số còn lại cung cấp cho một vài bệnh viện bên ngoài. “Chúng tôi đều rất vui khi nhiều mẹ rất sẵn lòng trao tặng nguồn sữa quý giá. Không chỉ các mẹ ở ngoài viện mà nhiều mẹ có con nằm điều trị tại Trung tâm Sơ sinh, thậm chí ở các khoa phòng khác biết đến ngân hàng cũng đều đặn sang hiến sữa mỗi ngày”, nữ điều dưỡng trưởng chia sẻ.

BS Nguyễn Thanh Hằng, Khoa Khám cấp cứu sơ sinh và Ngân hàng Sữa mẹ, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ở trẻ sinh non tháng, nhẹ cân vốn hấp thu và tiêu hóa kém hơn, việc dùng sữa mẹ giúp trẻ giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử.

Khi trẻ em có thể ăn được sữa mẹ sớm hơn sẽ rút ngắn thời gian phải truyền dịch, giảm nhiễm khuẩn, giảm thời gian dùng kháng sinh, giúp trẻ phát triển và tăng trưởng tốt hơn; đồng thời, về mặt kinh tế giúp giảm nhiều chi phí bởi giảm thời gian truyền dịch, đồng nghĩa giảm thời gian trẻ phải nằm viện. Việc đưa sữa mẹ sớm đến với trẻ sơ sinh, đặc biệt với trẻ sinh non là vô cùng cần thiết.

Giá trị nhân văn từ sữa mẹ

Theo Bộ Y tế, trong khoảng 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân sinh ra mỗi năm, ước tính khoảng 35.000 trẻ cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, với nhu cầu khoảng 100 lít mỗi ngày. Từ năm 2017, Bộ Y tế đã thiết lập thí điểm ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để cung cấp sữa mẹ thanh trùng cho những trẻ sơ sinh không có cơ hội được bú mẹ do phải điều trị hoặc mẹ có vấn đề về sức khỏe. Ngân hàng sữa mẹ sẽ thực hiện sàng lọc và thanh trùng nguồn sữa từ các mẹ hiến tặng, từ đó không chỉ cung cấp dinh dưỡng để nuôi sống mà còn mang lại kết quả điều trị rất khả quan cho trẻ.

Một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của ngân hàng sữa mẹ là không nhằm thay thế sữa mẹ ruột. Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, và dựa trên một thứ tự ưu tiên nghiêm ngặt để điều trị cho các trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý hoặc mẹ có vấn đề sức khỏe chưa thể cho con bú. Khi trẻ và mẹ hồi phục, thực hành nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tiếp tục được củng cố và duy trì. Hiện nay đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy định về sữa mẹ hiến tặng thanh trùng hoặc đã đưa sản phẩm vào trong danh mục chi trả của BHYT, trong đó có các nước cùng trong khu vực như Myanmar, Singapore và Thái Lan...

Theo tính toán dựa trên chi phí vận hành ngân hàng sữa mẹ thực tế, giá thành sữa mẹ thanh trùng khoảng 1,4 triệu đồng/lít. Theo nhiều chuyên gia y tế, cần phải đưa sữa mẹ thanh trùng vào danh mục được BHYT chi trả. Bà Vũ Hoàng Dương, Quản lý Chương trình Việt Nam, Alive & Thrive Đông Á Thái Bình Dương cho hay, Tổ chức Y tế thế giới đã quy định sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là sản phẩm y tế có nguồn gốc từ con người, tương tự như máu, huyết tương và mô cầu. Hiện tại, danh mục chi trả của quỹ BHYT tại Việt Nam đã bao gồm máu và các chế phẩm của máu nhưng chưa có quy định về chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.

BS Nguyễn Thanh Hằng cũng cho rằng, việc sử dụng sữa mẹ thanh trùng hiến tặng giúp giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng kháng sinh và dịch truyền tĩnh mạch ở trẻ sinh non, từ đó giúp giảm chi phí điều trị y tế. Đây là lợi ích rất lớn về mặt chi phí và mang tính nhân văn nếu sữa mẹ hiến tặng thanh trùng được BHYT chi trả.

Vì vậy, để đưa sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào danh mục chi trả của BHYT, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đề xuất, đơn vị này sẽ tham mưu xây dựng các hướng dẫn về sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, và đề nghị các ngân hàng sữa mẹ phối hợp xây dựng giá của một đơn vị sữa mẹ hiến tặng, làm căn cứ để BHYT chi trả.

Trần Hằng

Sáng 12/11, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và nghiệp vụ công tác Đảng trong CAND. Trung tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu khai mạc.

Xuất phát từ chuyện mâu thuẫn cá nhân, sau giờ chào cờ đầu tuần, 2 nam  sinh cùng 2 nữ học sinh xông vào đánh nhau. Trong lúc xô xát, hai nam  sinh đã dùng vật sắc nhọn (nghi là dao) đâm 2 nữ sinh trọng thương.

Những ngày qua, một đoạn clip dài 1 phút 15 giây, ghi lại cảnh một đám ăn hỏi ở miền Tây Nam Bộ xuất hiện trên mạng xã hội thu hút rất nhiều người xem và bình luận. Trong clip này, một người phụ nữ xưng là mẹ của cô dâu đã tuyên bố cho con gái cưng của hồi môn sau đám cưới là 600 công đất (60ha), trị giá 90 tỷ đồng.

Thế giới và Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển như vũ bão của chuyển đổi số. Trong gần 3 năm qua, với Đề án 06 của Chính phủ mà vai trò chủ công của Bộ Công an đã gặt hái được rất nhiều thành tích, kết quả, góp phần phòng, chống tham nhũng vặt, minh bạch, tạo văn minh xã hội và phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C, đại diện Ban QLDA Thăng Long (đơn vị được Bộ GTVT giao quản lý, thực hiện dự án) cho biết, thời điểm hiện tại, Ban đã làm việc với đơn vị tư vấn triển khai thiết kế lập dự án theo lệnh khẩn cấp.

Chiều 11/11/2024, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Ninh Thuận đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với vợ, chồng ông Hà Thuận (SN 1952) và bà Võ Thị Phú (SN 1954) ở thôn Lương Cang 1, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận để điều tra làm rõ về hành vi “vu khống".

Sáng 12/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thanh Long (SN 1985, trú huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) về hành vi “Đe dọa giết người”.

Trong năm 2024, các đội tuyển bóng đá Việt Nam đã toàn thua trước các cuộc đối đầu với Indonesia. Đây được xem là đối thủ lớn thứ 2 của bóng đá Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文