Ngành học nào “hút” thí sinh?

06:30 07/08/2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, năm 2024, cả nước có 773.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học/1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, chiếm tỷ lệ 68,5%, cao nhất trong 3 năm qua. Đáng chú ý, trong số 24 lĩnh vực với 400 ngành đào tạo, năm nay có 3 lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh đăng ký nguyện xét tuyển tăng mạnh nhất là khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85%; tiếp đến là lĩnh vực khoa học tự nhiên tăng 61% và An ninh quốc phòng tăng 46,5%.

Thông tin sơ bộ về tình hình tuyển sinh đại học năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2024 chiếm 68,5% là khá cao so với 66% của năm 2023 và 64% của năm 2022. Con số này cho thấy nhu cầu học lên đại học của học sinh tốt nghiệp THPT có chiều hướng gia tăng, phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau khi hoàn tất việc lọc ảo, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Ảnh minh họa

Về các lĩnh vực, các khối ngành được nhiều thí sinh đăng ký, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Hiện nay học sinh được tư vấn rất kỹ về đặc điểm ngành nghề, những cơ hội nghề nghiệp của các ngành học, thông tin về thị trường lao động cũng tương đối sát. Do đó, xu hướng lựa chọn các ngành học, các lĩnh vực đào tạo cũng đã được phản ánh khá rõ thông qua tỷ lệ đăng ký nguyện vọng xét tuyển của học sinh. Trong số khoảng 400 ngành đào tạo, được chia thành 24 lĩnh vực, có những lĩnh vực rất nhiều ngành học và nhu cầu thực tế rất lớn. Lĩnh vực có số thí sinh đăng ký và sinh viên học nhiều nhất trong những năm gần đây là kinh doanh, quản lý, kế đến là lĩnh vực về kỹ thuật và công nghệ. Trong lĩnh vực STEM (khối ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), số thí sinh đăng ký vào ngành máy tính, công nghệ thông tin cũng khá nhiều. Đặc biệt, năm nay khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục có số lượng thí sinh đăng ký rất đông, kế tiếp là khối ngành khoa học xã hội nhân văn và khối ngành liên quan đến sức khỏe.

Nếu so với năm 2023, năm nay có 3 lĩnh vực có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng mạnh nhất là khối khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85%. Việc này cho thấy sự quan tâm của thí sinh đối với ngành sư phạm có tác động lớn từ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí thực hiện theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Hai lĩnh vực cũng có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh là Khoa học tự nhiên, tăng 61% và An ninh quốc phòng tăng 46,5%. Với khối STEAM (Khoa học kỹ thuật, Công nghệ và Toán) tỉ lệ đăng ký nguyện vọng chiếm 30%, tiếp tục khẳng định đây vẫn là những ngành học luôn duy trì tăng trưởng khá và tổng số nguyện vọng tăng 11% trong năm nay. Trong số này, ngành vi mạch bán dẫn có số lượng tăng 30%, nguyện vọng 1 tăng 40%. Những con số trên cho thấy các thí sinh rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng phát triển các ngành công nghệ cao.

  Thực tế cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến điểm chuẩn trúng tuyển đại học dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 gồm: Điểm thi tốt nghiệp THPT các môn trong tổ hợp xét tuyển đại học; tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển/tổng chỉ tiêu hay còn gọi là tỷ lệ “chọi”; tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT/tổng số chỉ tiêu của tất cả các phương thức xét tuyển. Dựa trên các yếu tố này, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự đoán điểm chuẩn trúng tuyển đại học năm nay sẽ tăng so với năm 2023, đặc biệt là những ngành học, những lĩnh vực có số lượng thí sinh đăng ký đông, có tỷ lệ “chọi” cao như nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, nhóm ngành liên quan đến sức khỏe, lĩnh vực An ninh quốc phòng, khối ngành liên quan đến STEAM…

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, công tác lọc ảo xét tuyển đại học sẽ diễn ra từ ngày 13/8 đến 17h ngày 17/8 và được thực hiện 6 lần. Mỗi ngày, các trường sẽ tham gia cùng thực hiện theo đúng quy trình nhận dữ liệu, tổ chức xét tuyển và gửi kết quả xét tuyển lên hệ thống. Tất cả các phương thức xét tuyển (khoảng 20 phương thức) đều xét tuyển chung một đợt trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Sau khi kết thúc lần lọc ảo cuối cùng, các trường sẽ nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch chung. Bộ GD&ĐT quy định thời gian các trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển chậm nhất vào 17h ngày 19/8.

Huyền Thanh

Thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh với bà Nguyễn Thị Hồng do vi phạm trong công tác và Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Ngày 31/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Kim Châu (SN 1973, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Bách Đạt An về hành vi tham ô tài sản.

Ngày 31/10, ở Quảng Trị bắt đầu nắng ráo. Tuy nhiên, một số địa phương ở các khu vực hạ nguồn, thấp trũng và gần sông, suối vẫn còn bị ngập lũ cục bộ, có nơi sâu hơn 1m. Trong đó, 2 thôn rẻo cao Cát, Trỉa thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đến cuối buổi chiều cùng ngày vẫn còn bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ và sạt lở đường đi.

Ngày 31/10, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã kiểm tra quy trình chế biến thực phẩm của một khách sạn 4 sao để làm rõ phản ánh về việc rau sống có ốc sên đang bò và một số món ăn có dấu hiệu hư hỏng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文