Nhiều cảm xúc trong lễ khai giảng năm học mới “chưa từng có”

11:59 05/09/2021

Sáng 5/9, hơn 2,1 triệu học sinh Hà Nội đã đón lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 trực tuyến qua truyền hình. Tham dự lễ khai giảng điểm tại Trường THCS Trưng Vương có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và cùng các đại biểu, các thầy cô giáo và học sinh tiêu biểu. Với nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh, đây là lễ khai giảng đặc biệt “chưa từng có” với rất nhiều cảm xúc đặc biệt.

 

Cùng con theo dõi lễ khai giảng trực tuyến lần đầu tiên được thành phố Hà Nội tổ chức qua truyền hình, chị Đỗ Yên Hà, phụ huynh học sinh tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Thật khó tả khi nói về một lễ khai giảng đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử ngành Giáo dục. Bố mẹ không cần phải chia nhau đưa đón hoặc đi khai giảng ở trường cùng con; cũng không phải tất bật lo chụp ảnh cho con như mọi năm. Năm nay, tất cả được diễn ra trong ngay trong chính ngôi nhà của mình”.

Anh Nguyễn Quang Thành, phụ huynh học sinh tại xã Thanh Oai, Thanh Trì cho biết: “Đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến một lễ khai giảng đặc biệt như thế này: Toàn dân đưa trẻ tới trường ngay trong nhà mình và 100% các con đều có gia đình, bố mẹ bên cạnh vào ngày khai giảng. Dịch bệnh làm thay đổi mọi thứ, buộc tất cả chúng ta phải thay đổi để thích ứng với những những xúc cảm buồn, vui lẫn lộn”.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu dự lễ khai giảng tại Trường THCS Trưng Vương. Ảnh: Viết Thành

Trên mạng xã hội và tại nhiều diễn đàn, các bậc phụ huynh cũng đã trải lòng về lễ khai giảng đầy cảm xúc. “Một năm học mới thật đặc biệt khi các con không được diện những bộ quần áo mới đi đón ngày khai trường, tay trong tay với bạn bè đồng trang lứa, cười nói, tay bắt mặt mừng sau những ngày xa cách. Các con đón lễ khai giảng trực tuyến tại nhà cùng ông bà, bố mẹ. Đại dịch COVID-19 thật đáng sợ. Dù có thiệt thòi, có khó khăn thì cũng mong các con hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của ngày khai trường và chúc các con có nhiều sức khoẻ để vững tâm bước vào năm học mới trong trạng thái bình thường mới" - chị Nguyễn Mỹ Phương, phụ huynh học sinh có 2 con học tiểu học chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh trống khai giảng năm học mới 2021-2022, ảnh Viết Thành

“Một khai giảng đặc biệt nhất trong cuộc đời. Các con ngồi trước màn hình tivi, còn cha mẹ lăng xăng chụp thời khắc con đang dự lễ khai giảng để gửi cho cô giáo. Một năm học mới bắt đầu. Dù trời mưa thật to. Nhưng lòng mình lại cảm thấy thật hạnh phúc được chăm lo cho con trẻ, tràn đầy hi vọng như khi ta ươm những mầm xanh và hân hoan mỗi ngày nhìn nó lớn lên”- chị Nguyễn Ngọc Diệp cho hay.

Nhiều giáo viên cũng cho biết, trong suốt cuộc đời dạy học của mình, đây là lần dầu tiên được trải nghiệm một lễ khai giảng đặc biệt “chưa từng có”. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: “Cảm xúc về buổi lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 sẽ còn mãi lắng đọng trong tôi. Dù sân trường vẫn đầy nắng thu và gió thật nhẹ nhàng đùa vui với vườn cây xanh mát. Nhưng sân trường lại vắng tiếng cười, tiếng nói, vắng sự ồn ào đáng yêu của ngày khai trường. Một mùa khai giảng thật đặc biệt với tôi, với các đồng nghiệp và với các em học sinh”.

Học sinh Hà Nội dự lễ khai giảng trực tuyến tại nhà qua truyền hình

Chia sẻ tại lễ khai giảng năm học mới 2021-2022, em Nguyễn Mỹ Hạnh, lớp 9H, trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) cho biết: “Năm học 2021- 2022 bắt đầu rất đặc biệt do ảnh hưởng đại dịch COVID- 19. Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, học sinh sẽ phải tạm xa mái trường một thời gian. Tuy nhiên, tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học, bản thân em cũng như các bạn học sinh sẽ tiếp tục làm quen, thích ứng với việc học tập trên không gian mạng cùng nhiều ứng dụng bổ ích trong giờ học trực tuyến để có thể lĩnh hội những kiến thức khổng lồ, đạt kết quả cao”.

Phụ huynh tham gia lễ khai giảng trực tuyến cùng con

Phát biểu chào mừng năm học mới, động viên thầy trò ngành giáo dục Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định: Dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng trong năm học 2020-2021 ngành giáo dục Thủ đô đã vươn lên khó khăn thách thức, vượt lên chính mình, thực hiện mục tiêu kép của ngành và đảm bảo an toàn chống dịch, hoàn thành kế hoạch năm học với chất lượng cao cả về giáo dục đại trà lẫn mũi nhọn.

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị, bước vào năm học mới 2021-2022, ngành Giáo dục Đào tạo Thủ đô cần tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo; toàn thể cán bộ, giáo viên tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn để vừa phòng chống dịch vừa tổ chức việc học tập cho học sinh, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu Thủ đô phát triển bền vững.

“Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội luôn tin tưởng các em, luôn hy vọng các em sẽ biết xác định cho mình mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn; tự trau dồi cho mình phẩm chất, đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, đóng góp xứng đáng cho Thủ đô yêu dấu”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Tại Thừa Thiên Huế, lễ khai giảng chung được truyền hình trực tiếp đến toàn thể học sinh, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục qua sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh trống khai giảng năm học mới 2021-2022.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh đến dự buổi lễ khai giảng chung cùng với lãnh đạo Sở GD&ĐT và thầy cô giáo, học sinh của trường THPT chuyên Quốc học.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 của ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

Học sinh trường THPT chuyên Quốc học Huế nghiêm túc chấp hành quy định phòng dịch COVID-19 tại lễ khai giảng năm học mới.

Phát biểu chào mừng năm học mới, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bão lũ nhưng với sự cố gắng nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ với nhiều thành quả đáng trân trọng và tự hào. Đây là năm học lần đầu tiên tỉnh có số lượng học sinh thi học sinh giỏi đạt giải nhiều nhất và chất lượng cao nhất.

Sau ngày khai giảng, tại Thừa Thiên Huế, học sinh sẽ bắt đầu học vào ngày 6/9 và các địa phương chủ động chọn phương án học tập phù hợp cho học sinh. Vùng nào an toàn sẽ cho các em học trực tiếp nhưng chia khung thời gian phù hợp đảm bảo giãn cách tối đa trong điều kiện có thể. Còn các địa phương giãn cách, phong tỏa sẽ học online. Riêng học sinh các khối lớp 1, 2 và 6 sẽ học qua truyền hình. Đối với những học sinh ngoại tỉnh theo gia đình về Thừa Thiên Huế, các đơn vị thực hiện tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập.

Tại Cần Thơ, buổi lễ khai giảng năm học mới 2021 – 2022 cũng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với 28 điểm cầu đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP kiêm Giám đốc Sở Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm nhọc mới 2021-2022, bắt đầu trong bối cảnh dịch COVID-19, vẫn chưa thực sự được kiểm soát tốt. TP Cần Thơ và nhiều địa phương trên cả nước còn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ nhắn nhủ học sinh cần xác lập thói quen thích nghi với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống và trân trọng sự biết ơn đối với lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.

Ngoài sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, các em học sinh hãy phát huy tinh thần tự giác học tập, tích cực rèn luyện để có bản lĩnh vững vàng, tự giác học tập, nghiên cứu khoa học, đóng góp tích cực trong năm học 2021-2022.

Ngành giáo dục tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, học viên trong việc học trực tuyến tại nhà.

Năm học 2021 - 2022, TP Cần Thơ có trên 250.000 trẻ, học sinh, học viên đăng ký ra lớp trong năm học mới. Sau lễ khai giảng, ngày 6/9, học sinh lớp 9 và lớp 12 bắt đầu vào học kỳ I.

Các khối lớp 6, 7, 8, 10 và 11 học từ ngày 13/9. Học sinh hệ giáo dục thường xuyên bắt đầu học từ ngày 20/9. Các cơ sở giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, tổ chức dạy và học trực tuyến từ ngày bắt đầu học kỳ I cho đến khi có thông báo mới. Riêng hệ mầm non, tiểu học, dự kiến bắt đầu học kỳ I từ ngày 20/9. 

Tại Quảng Nam, khoảng 350.000 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT đã nô nức tham gia Lễ khai giảng năm học mới 2021-2022. 

Tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, toàn huyện có gần 6.000 học sinh với 250 lớp học từ mầm non đến THPT đã tổ chức Lễ khai giảng tập trung do Tây Giang là địa phương “vùng xanh”, vùng an toàn trước dịch bệnh.

Lễ khai giảng tập trung tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ch'ơm, huyện Tây Giang.

Mặc dù vậy, công tác phòng, chống dịch tại Lễ khai giảng cũng được ngành Giáo dục huyện Tây Giang chú trọng, nhất là việc mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách.

Buổi lễ được tổ chức gọn nhẹ nhưng trang trọng, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới; tạo khí thế cho cán bộ, giáo viên và học sinh nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Lễ khai giảng năm nay tại tỉnh Quảng Nam được tổ chức trên tinh thần “Lấy học sinh làm trung tâm”.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, Lễ khai giảng năm nay được tổ chức trên tinh thần “Lấy học sinh làm trung tâm”. Đối với các cơ sở giáo dục ở địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nếu không có điều kiện tổ chức khai giảng trực tuyến, Hiệu trưởng có thể chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp tạo lớp học trực tuyến và hướng dẫn học sinh tham dự theo lớp.

Sau Lễ khai giảng, tiếp tục thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Hiệu trưởng các trường xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thầy cô giáo để tổ chức dạy học trực tuyến. Thời gian bắt đầu thực hiện tiết dạy trực tuyến từ ngày 6/9.

H.Thanh - A.Khoa - V.Vĩnh - N.Thi

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文