Những câu chuyện ấn tượng về nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam
Vào khuôn viên di tích rợp màu xanh của lá, đỏ rực hoa phượng vĩ, tôi bước đến, đứng lặng cạnh mộ phần của Nguyễn Đình Chiểu – Danh nhân văn hóa thế giới từng làm lay động trái tim bao thế hệ người Việt bởi triết lý nhân sinh sâu sắc qua những câu thơ về cuộc đời, về con người và đề cao lòng yêu nước.
Càng cảm thấy tự hào, ngưỡng mộ khi được nghe kể thêm về tài danh, khí phách của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - con gái thứ năm của cụ Đồ, người từng được xem như “một Hồ Xuân Hương, một Đoàn Thị Điểm đất Nam kỳ” và vừa qua được Google vinh danh, xếp vào danh sách Những phụ nữ tiên phong của nhân loại…

1. Trong mùi nhang thơm hoà quyện vào không gian trầm mặc, tôi được nghe kể, năm 1918, sau khi rời tòa soạn Báo Nữ Giới Chung, Sương Nguyệt Anh về cù lao Bảo này sống với người em trai út (là thầy thuốc Nguyễn Đình Chiêm - PV), để trị bệnh. Song, do bệnh tình ngày một nặng thêm, ba năm sau, nữ sĩ qua đời ở tuổi 58, yên nghỉ ở làng Mỹ Nhơn - nơi bà được sinh ra. Đến 1958, mộ bà được cải táng về làng An Đức, đặt cạnh mộ phần của song thân (cụ Đồ Chiểu và cụ bà Lê Thị Điền) như hiện nay. Tất cả đều là những ngôi mộ rất đơn sơ, chẳng khác gì những ngôi mộ người dân dọc hai bên đường vào di tích mà tôi thấy. Điều này chẳng có gì lạ bởi xưa kia, cụ Đồ Chiểu cùng gia đình cũng như bao bà con nơi này từng sống trong lam lũ, nghèo khó nhưng hết sức thanh cao.
Không chỉ với cụ Đồ Chiểu – một lãnh đạo tỉnh Bến Tre kể, người dân ba dãy cù lao xứ Dừa đều rất tự hào về “cô Năm” - Sương Nguyệt Anh đạo đức, giàu tình cảm, sắc sảo và đanh thép, nhất là tài ứng tác thơ văn. Càng thương hơn khi biết bà liên tiếp chịu sự đau khổ, mất mát. Bà lấy chồng năm 1888 nhưng cũng năm đó, cụ Đồ qua đời. Khi bà sinh con gái chưa bao lâu, chồng bà cũng mãn phần, hai mẹ con phải khăn gói về lại quê Ba Tri. Con lớn lên, bà gả cho một người yêu nước chống Pháp nhưng rủi thay, con lại sớm qua đời. Không thấu được cảnh con rể “gà trống nuôi con”, bà nhận nuôi cháu ngoại... Định mệnh nghiệt ngã dồn dập, những năm cuối đời, dù bị mù lòa nhưng bà vẫn tiếp tục vượt lên nghịch cảnh, sớm chiều dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn.
Vẫn theo lời kể, sau khi chồng mất, bà thủ tiết thờ chồng, nuôi con. Bà thêm từ “Sương” (trong nghĩa “sương phụ” là người đàn bà goá) vào bút danh Nguyệt Anh chính là ngụ ý này. Nhưng vẫn có người muốn “bước tới” với bà, trong số đó có ông Bảy Nguyện, ở Mỏ Cày. Bà đáp lại lời “tỏ tình” cũng bằng 2 khổ thơ tứ tuyệt, trong đó có 2 câu: “Lọng sương dầu rách còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô”.
Thế nhưng trên bia mộ của nữ sĩ, tôi lại thấy câu thơ được ghi: “Lọng sường dầu rách còn kêu lọng”. Nghe đâu, từng có nhiều đề xuất đục bỏ “g” trong từ “sường” sẽ xóa được lỗi chính tả. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre, vấn đề không đơn giản là ghi sai chính tả hay “tam sao thất bổn” mà còn ở chỗ sự thấu cảm hồn cốt câu thơ của nữ sĩ tài danh.
Theo nhà báo Lê Minh Trí, nguyên Tổng biên tập Báo Đồng Khởi, từ cách nay hơn 50 năm, học giả Hồ Hữu Tường đã phân tích: “Khi viết câu thơ trên, nữ sĩ vận dụng câu ca dao Nam Bộ: “Lọng che sương dầu sườn cũng lọng/ Ô bịt vàng dầu trọng cũng ô”. Bà đã tuyệt hay khi bớt đi từ “che”, thay từ “sườn” bằng từ “rách” trong câu thứ nhất, bởi lọng rách rồi thì mới phơi ra sườn. Còn nếu “Lọng sườn dầu rách còn kêu lọng” thì hai chữ “sườn” và “rách” đã trùng ý, tất dư một chữ”. Nhận xét của học giả rất tinh tế và càng chí lý khi hiểu ở góc độ sâu xa của từ “sương” - trung trinh, trong sáng, thánh thiện của bà. Còn “ô” là cái dù, đồng âm với “ô” trong “ô uế”, “ô nhiễm”, “ô trọc”, “ô danh”. Một kiểu “chơi chữ” thật tài tình và rất… Sương Nguyệt Anh.
Do vậy, nhiều người đồng quan điểm rằng, hiểu đúng, viết đúng những áng thơ văn, câu, chữ “khuôn vàng thước ngọc” của nữ sĩ, phải là chữ “sương”, thì khi đọc câu thơ, ta nghe thấm đậm hồn cốt thanh cao, thần thơ lan tỏa.
2. Trước Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết Hội đồng nghệ thuật của tỉnh đã thẩm định, góp ý, thông qua mẫu tượng (bằng đất sét) Sương Nguyệt Anh, để sau đó hoàn chỉnh tượng bằng đá, đặt trong khuôn viên trường trung học mang tên bà tại Ba Tri.
Đương thời, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh được xem như “một Hồ Xuân Hương, một Đoàn Thị Điểm đất Nam kỳ”, còn mới đây, bà đã được Google vinh danh, liệt kê vào danh sách Những phụ nữ tiên phong của nhân loại. Tại nhiều địa phương của cả nước, tên bà được chọn đặt cho tên đường, tên trường. Bến Tre còn lấy tên bà đặt tên cho Giải báo chí để bình chọn, trao thưởng những tác phẩm báo chí xuất sắc hàng năm. Ở TP Hồ Chí Minh, đường Sương Nguyệt Anh chỉ cách vài chục bước chân với đầu đường Nguyễn Du. Từ hơn một thế kỷ trước, một phần đường Nguyễn Du là đường Taberd. Và tại số 15 của đường này là nơi đặt tòa soạn Nữ Giới Chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Số đầu tiên ra ngày 1/2/1918, tồn tại chỉ 5 tháng 19 ngày với 22 số phát hành nhưng việc ra đời của Nữ Giới Chung là một trong những điểm mốc quan trọng trong lịch sử báo chí nước ta. Đó cũng chính là thời gian để lại dấu ấn tài đức, khí phách của Sương Nguyệt Anh.
Luôn phải chịu sức ép từ chủ báo Henri Blaquière và Tổng lý Trần Văn Chim, đặc biệt là sự kiểm duyệt gắt gao của chính phủ Pháp, chủ bút Sương Nguyệt Anh luôn ý thức hoạt động đúng tôn chỉ đã định. Song, bà đã khéo lái tờ báo theo hướng “Nâng cao nền luân lý, nghĩa là cả luân thường đạo lý, bao hàm cả tam tòng, tứ đức và cả thái độ đối với vận giang san”. Chính sự sắc sảo này của nữ chủ bút đã khiến quan điểm “báo chỉ cần hướng phụ nữ giữ được tam tòng tứ đức; không được cổ xúy phụ nữ làm chính trị,…” của Tổng lý phải “xếp xó”.
Có người cho việc Sương Nguyệt Anh làm là “ngông cuồng”, “làm hại thuần phong mỹ tục”, thậm chí đã có những lời xúc phạm, đe dọa nhưng không vì thế khiến bà nản chí. Bà luôn hết lòng, hết sức cho tờ báo qua việc viết bài cho mục “Xã thuyết”, làm thơ cho “Văn uyển”, đảm trách “Thai – đáp thai”, lo việc sắp xếp, chọn lọc, biên tập, nhận - trả lời thư bạn đọc, soạn thư mời cộng tác... Ban ngày ngập đầu lo cho tờ báo, ban đêm trông nom cho cháu ngoại ngủ, rồi lại chong đèn ngồi viết bài, chuẩn bị số báo sau. Sự miệt mài của chủ bút, đặc biệt là sự lan tỏa mạnh mẽ thông điệp tiến bộ, sâu sắc về trách nhiệm của phụ nữ với vận nước đã khiến cho Nữ Giới Chung dù vừa ra đời nhưng số lượng phát hành đã đạt 4.000 bản/kỳ. Tờ báo dần trở nên gần gũi, quen thuộc, có mặt khắp Đông Dương; nhiều cây bút tên tuổi tham gia viết bài, nhiều độc giả đặt mua báo trước cả năm… Tầm ảnh hưởng nhanh chóng của Nữ Giới Chung mà Sương Nguyệt Anh giữ vai trò “linh hồn” đã khiến mật thám Pháp e ngại nên giải pháp cuối cùng mà chính quyền thuộc Pháp đưa ra là buộc tuần báo này đình bản.
Thôi làm báo, Sương Nguyệt Anh không buồn. Điều nữ sĩ buồn là không còn tờ báo nào chú trọng đến việc thức tỉnh, dành cho nữ giới như Nữ Giới Chung. Bà ngao ngán vì không còn nơi để vận động, đánh thức trách nhiệm của chị em, nhất là phải thạo tình trong thế ngoài, phải để ý đến vận nước…