Những người bạn Trung Quốc nghĩa tình

08:46 07/12/2023

Với tầm nhìn chiến lược vừa kháng chiến vừa kiến quốc và chuẩn bị xây dựng đất nước trong hòa bình, ngay sau khi Việt Nam – Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (đầu năm 1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chính phủ Trung Quốc tiếp nhận hàng nghìn học sinh Việt Nam sang nước bạn học tập tại Khu học xá (Bạn gọi là Dục Tài - giáo dục tài năng) Nam Ninh và Quế Lâm (từ 1951 – 1958).

Thời kì kháng chiến chống Mỹ, cũng có hàng nghìn học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi và Khu giáo dục Học sinh miền Nam (các trường Nguyễn Văn Bé, Võ Thị Sáu, Dân tộc) được sang học tập tại TP Quế Lâm của nước bạn (từ 1967 – 1975). Sau này, các thế hệ du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc đều trở thành những công dân tốt, nhiều người là cán bộ nòng cốt của Việt Nam và là những sứ giả của tình hữu nghị đặc biệt Việt – Trung… 

Các cựu lưu học sinh Việt Nam trước nhà kỷ niệm các Trường học Việt Nam tại Đại học Sư phạm Quảng Tây, tháng 8/2023.

Biên giới của hòa bình, hữu nghị

Nguyên là học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi (gọi tắt là trường Trỗi), tôi đã nhiều lần quay lại hoặc tổ chức các đoàn cựu học sinh Việt Nam sang thăm Nam Ninh, Quế Lâm, vậy mà lần nào cũng tràn đầy cảm xúc. Mùa hè năm 2023, bạn bè nhờ tôi kết nối, tổ chức chuyến sang thăm lại “cảnh cũ, người xưa”. Ngày 1/8/2023, chúng tôi bắt đầu hành trình qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn…

Quảng Tây là một trong 3 tỉnh của Trung Quốc có biên giới với Việt Nam, nơi từng in nhiều dấu chân của Bác Hồ. Tại đây, Viện khoa học xã hội Quảng Tây từng xuất bản 2 cuốn sách về các trường Dục Tài Nam Ninh, Dục Tài Quế Lâm và cuốn sách song ngữ “Minh chứng về tình hữu nghị Trung Việt – (Biên soạn chọn lọc tư liệu trường Nguyễn Văn Trỗi)”.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc kí kết Thoả thuận Hợp tác biên giới giữa hai nước (Thượng tướng Võ Văn Tuấn bìa trái ảnh).

Chiều ngày 1/8/2023, đoàn đến Nam Ninh, địa chỉ ghé thăm đầu tiên là Viện khoa học xã hội Quảng Tây. Xe vừa dừng đã thấy 2 viện sĩ Nông Lập Phu và Tiển Thiểu Hoa đứng chờ. Những cái ôm nồng ấm sau 5 năm xa cách vì dịch COVID-19. Phó viện trưởng Hoàng Thiên Quý chủ trì tiếp đón cùng GS Hoàng Tranh (nguyên Phó giám đốc Viện, người có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh) và các viện sĩ đều rất thân tình. Họ gắn bó với chúng tôi suốt từ 2010, khi GS Hoàng Tranh nêu ý tưởng làm một cuốn sách về trường Trỗi.

Sau khi nghe Phó viện trưởng Hoàng Thiên Quý giới thiệu hoạt động của Viện và trao đổi về công việc hợp tác sắp tới, chúng tôi tặng đoàn những tư liệu quý về “chuyến ngoại giao nhân dân” đầu tiên nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1951) từ gia đình cụ Vũ Đình Hoè (cố Bộ trưởng Tư pháp và là Chủ tịch đầu tiên của Hội hữu nghị Việt Trung). 

Chủ, khách đều cảm động nghe Thượng tướng Võ Văn Tuấn (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam), nhân chứng của Lễ kí kết Thoả thuận Hợp tác biên giới Việt Nam – Trung Quốc vào ngày 21/6/2013, nhắc lại kỉ niệm: “Sau khi kí văn bản, tôi bắt tay đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND nước bạn và nói: Từ nay, tôi và anh gặp nhau ở biên giới chỉ để kiểm tra tình hình an ninh hai bên biên giới rồi bắt tay nhau, cùng cụng ly rượu chân tình, chứ không phải gặp nhau vì căng thẳng, bất ổn… Vâng, đã chục năm rồi, tình hình biên giới giữa 2 nước khá ổn định”.

Cả phòng họp cảm động hơn khi nghe Đại tá, NSƯT Dương Minh Đức, cựu học sinh khoá 3 trường Trỗi, cất cao giọng hát ca khúc “Khát vọng” bằng cả 2 thứ tiếng Việt - Trung.

Lớp B3 (khoá 7) đạt danh hiệu Quyết thắng năm học 1966 - 1967 ở Quế Lâm (Trung Quốc). Ảnh chụp tháng 7/1967 cùng thầy Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn.

Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam

Đầu năm 1967, trường Trỗi di chuyển sang Quế Lâm, đóng quân ở trường Trung học số 1 Quế Lâm (gọi tắt: Y Trung), còn Khu giáo dục Học sinh miền Nam đóng ở Giáp Sơn (địa chỉ cũ của trường Thiếu nhi Việt Nam, còn gọi là Dục Tài Quế Lâm). 

Vừa đặt chân đến nước bạn, các học sinh Việt Nam được ăn bữa cơm đầu tiên có nhiều thịt, cá (điều hiếm thấy khi ở trong nước đang trải qua thời kì chiến tranh ác liệt) với những bát tô cơm trắng nóng hổi. Cơm nước xong, chúng tôi mang bát đũa ra rửa thì thấy một số em bé người Trung Quốc xúm xít ngay bên, nhanh tay nhặt những hạt cơm còn sót lại trên máng rửa đút vào miệng ăn ngon lành. Chúng tôi chợt hiểu, nhân dân Trung Quốc khi đó vẫn còn nghèo khó nhưng đã thắt lưng buộc bụng che chở, nuôi dưỡng các bạn Việt Nam. 

Mùa hè đầu tiên, lũ trẻ chúng tôi được tung tăng bơi lội trên dòng sông Ly. Có không ít đứa từng vượt lên chính mình bằng cách vượt qua sông, đặt chân tới Tu Tượng Sơn (ngọn núi có hình dáng con voi đang thò vòi xuống sông Ly uống nước). Chúng tôi từng cả cười: Voi ơi, sao mày già thế! Vậy mà, hơn nửa thế kỷ sau quay lại thì mới thấy, chỉ chúng tôi là già đi, còn chú voi ấy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt!

Trở về nước, dù thời gian trôi qua và biên giới từng cách trở nhưng với lính Trỗi chúng tôi thì “Quế Lâm là thành phố tuổi thơ và Ly Giang là dòng sông tuổi thơ”…

Tròn 20 năm trước, vào năm 2003, diễn ra hoạt động kỉ niệm 50 năm Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Lư Sơn, Quế Lâm, tổ chức ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại học Sư phạm Quảng Tây cử đoàn đại biểu sang dự và đề nghị được nhận là “mái trường cũ” của các trường học Việt Nam ở Quế Lâm. Năm 2005, bia kỉ niệm có hình dáng cánh cổng trường và quyển sách mở ra, trên gắn phù điêu gò đồng cái nón lá cùng túi dết và bi đông – hành trang của học sinh Việt Nam, được dựng trên sân trường. 

Mùa hè 2010, sau thời gian xây dựng và kì công sưu tầm tư liệu, Nhà kỷ niệm trường học Việt Nam được khánh thành. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cựu học sinh khoá 5 trường Trỗi, thay mặt Chính phủ Việt Nam sang cắt băng khánh thành. Sau khi trồng cây hoa quế trước Nhà kỷ niệm, Phó thủ tướng đã lưu bút: “Việt Nam có hàng vạn lưu học sinh khắp nơi trên thế giới nhưng chỉ ở Quế Lâm, ở Đại học Sư phạm Quảng Tây, là có Nhà kỷ niệm trường học Việt Nam”.

Tác giả (bìa trái) cùng Cao “Tư lệnh” (người đứng giữa).

Những người bạn hữu ở Quế Lâm

Năm 1967, khi vừa đặt chân đến Quế Lâm, lũ trẻ 12-13 tuổi chúng tôi thường thấy một học sinh dong dỏng cao, mắt đeo kính cận, đầu đội mũ Quân giải phóng gắn huy hiệu Bác Mao, tay đeo băng đỏ Hồng vệ binh, ra vào khu Hiệu bộ. Nghe nói anh ta có tên là Cao. Sau này còn nghe tin anh chỉ huy học sinh Y Trung đi tầu hỏa xuống Nam Ninh “chiến đấu” với cánh “Tạo phản”; vậy là gán cho anh cái tên Cao “Tư lệnh”. Nghe đâu anh đã tử nạn trong Đại cách Văn hoá (!).

Các cựu lưu học sinh Việt Nam và bạn Trung Quốc trước cây thông lưu niệm trồng tháng 10/2007 tại Đại học Công nghệ Hàng không vũ trụ - nơi đóng quân của trường Nguyễn Văn Trỗi trước năm 1968.

Mấy chục năm sau, khi 2 nước thông thương, tôi và các anh Đoàn Mạnh Thanh, Phan Nam, Nguyễn Hữu Thành cùng Nam Hoà, Quang Huy “đi tiền trạm” quay lại Quế Lâm vào tháng 10/2003. Có hỏi thăm về anh Cao nhưng không ai biết anh sống ở đâu nên càng tin: anh đã chết!

Hai năm sau, nhận được email của GS Đỗ Kiếm Tuyên, cho hay: “Đầu năm 2005, tôi sẽ cùng Cao Cẩm Quỳ (cựu học sinh Y Trung) sang Việt Nam, đi “xuyên Việt”, tìm gặp các bạn Trỗi”... Chúng tôi vui mừng lắm vì đây là dịp gặp lại những người bạn Trung Quốc nghĩa tình, song ai cũng thắc mắc, Cao Cẩm Quỳ là ai, vì chỉ biết mỗi Cao “Tư lệnh”? 

Đến khi các anh tới TP Hồ Chí Minh và mang ra khoe những tấm hình đen trắng chụp thầy trò trường Trỗi ở Quế Lâm thì Phan Nam hét lên: Cao “Tư lệnh” đây rồi! Hóa ra anh không chết trong Cách mạng Văn hoá mà phải về nông thôn, làm “bác sĩ chân đất” phục vụ nhân dân ở Quảng Đông. Nay anh sống với vợ con ở Phật Sơn, Quảng Đông. (Anh cương quyết không nhận cái tên Tư lệnh vì có bao giờ là Tư lệnh đâu!).

Qua anh, chúng tôi tìm được một loạt bạn Trung Quốc trước đây: Mã Quân và chị em họ Mã, chị em họ Thịnh, thầy hiệu trưởng Lăng Hán Dân, cô giáo Lư Mỹ Niệm, bí thư Lưu Đào… Lần nào sang Quế Lâm chúng tôi cũng được các bạn tiếp đón thịnh tình; những dịp kỉ niệm năm chẵn gần đây của trường Trỗi, các bạn đều sang Hà Nội chia vui. Không những thế, qua Cao “Tư lệnh” (sau này anh đồng ý chấp nhận tên này) và chị Lư Mỹ Niệm mà chúng tôi thân tình với các lão binh – chiến sĩ “Thiết đạo binh” (bộ đội đường sắt), chiến sĩ phòng không Quân giải phóng Trung Quốc bảo vệ các tuyến đường sắt vừa được xây dựng – từng chiến đấu ở Việt Nam thời gian (1965 – 1968). Họ là các anh chị: Tạ Hùng Uy, Phan Bản Ấm, Phùng Lưu Chương, Vương Quế Lâm, Mông Nghị... Các lão binh yêu quý “Papa Hú” (Bác Hồ), coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Các anh thân tình với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và nhiều lần đưa thân nhân sang thăm mộ phần các chiến sỹ quân giải phóng hy sinh khi làm nhiệm vụ, chiến đấu giúp Việt Nam. 

Trước chuyến thăm Đại học Sư phạm Quảng Tây năm 2023, tôi có nhờ chị Lư Mỹ Niệm mời các lão binh đến dự. Chị báo, chị Mông Nghị đã mất trong đợt dịch COVID-19, còn hầu hết các anh đã vào tuổi U90, sợ khó lòng đến dự. Vậy mà lúc sau vẫn thấy các anh tập tễnh bước vào phòng họp mặt. Mừng tủi ôm lấy nhau. Thương nhất là anh Tạ Hùng Uy, vừa qua tai biến còn để lại di chứng nhưng biết tin các bạn Việt Nam sang, đã nhờ con chở đến gặp mặt. Các anh đã cùng chúng tôi hát vang “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước…”. 

Cao “Tư lệnh” đi tầu từ Quảng Đông sang, cùng Lưu Đào theo đoàn đi khắp nơi. Lúc chia tay, hai anh hứa, năm 2025, kỉ niệm 60 năm Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi sẽ sang Hà Nội chung vui cùng các bạn.

Người cựu binh Trung Quốc thuộc 200 bài hát tiếng Việt

Bác Hồ của chúng ta gắn bó nhiều năm với Quảng Châu, Quế Lâm, Nam Ninh, Liễu Châu. Lần này có lịch về thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, nơi Bác tá túc sau thời gian bị Tưởng Giới Thạch áp giải đi khắp các nhà tù ở Quảng Tây. Lão binh Phan Bản Ấm, sống ở Liễu Châu, đã ra tận ga đón đoàn. Sau đó, anh cùng chúng tôi đến thăm bảo tàng.

Cùng lão binh Phan Bản Ấm (thứ 3, hàng đầu từ trái qua) thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Liễu Châu.

Tối đó, chúng tôi mời anh bữa cơm hội ngộ cũng là bữa cơm chia tay vì sáng mai đoàn lên đường về Nam Ninh. Anh mang cuốn sổ tay chép 200 bài hát tiếng Việt và khoe: “Chiến đấu ở Việt Nam về, tôi vẫn say mê học tiếng Việt. Nhưng ở Quảng Châu không đông lão binh chiến đấu ở Việt Nam nên tôi tự học tiếng Việt qua những bài hát”. Chữ viết của anh rất nắn nót, thậm chí còn đẹp hơn chữ của nhiều bạn trong đoàn; và bài hát nào anh cũng thuộc, bài nào anh cũng hát được với chúng tôi, thậm chí cả Quan họ Bắc Ninh. 

Thấy cuốn sổ tay là một kỉ vật quý giá của tình hữu nghị Việt - Trung, Thượng tướng Võ Văn Tuấn muốn xin chụp lại làm tư liệu. Anh Phan đã bảo: “Khỏi phải chụp, Võ tướng cứ cầm lấy, có thể đó là tư liệu quý cho tình bạn chiến đấu của quân đội 2 nước”.

Lúc chia tay, chúng tôi cùng hoà ca “Việt Nam, Trung Hoa – núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông…”. Thật tự hào vì chúng tôi đã sống đúng với những gì ông cha đã dạy: Uống nước phải nhớ nguồn và tình bạn được thử thách qua thời gian mới là tình bạn tốt!

Trần Kiến Quốc (Phó ban phụ trách Đối ngoại, BLL Trường Văn hóa Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文