Niềm tin mở lại “cánh cửa cuộc đời” trước ngày đặc xá

07:37 31/08/2021

“Trong không khí phấn khởi, trang nghiêm của lễ công bố Quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước đối với phạm nhân Trại giam Xuân Lộc, tôi tên Đinh Phú Hải; SN 1997; tội danh "Cố ý gây thương tích"; án phạt: 4 năm 6 tháng, thay mặt cho các phạm nhân Trại giam Xuân Lộc được hưởng đặc xá, xin phát biểu cảm tưởng…”- đó là những câu “mào đầu” trong bài phát biểu mà phạm nhân Đinh Phú Hải tập để phát biểu trong lễ công bố đặc xá sắp tới.

Tìm con đường ngắn nhất để hoàn lương

Hải không phải là người học hành cao, không giao tiếp xã hội nhiều, khi bị bắt vào trại lại càng ít tiếp xúc hơn. Thế nhưng, được các cán bộ động viên, tin tưởng nên Hải luôn cải tạo tiến bộ. Có tên trong danh sách đề nghị đặc xá lần này, Hải vui lắm. Chính vì vậy, mặc dù ít học, không đứng trước đám đông để phát biểu bao giờ nhưng Hải vẫn tự viết ra 1 bài phát biểu để “nếu bị gọi lên sẽ đỡ run”. Anh ta tranh thủ đêm viết bài phát biểu, nhờ cán bộ sửa rồi tập luyện, đọc đi đọc lại đến mức các phạm nhân cùng phòng cũng thuộc.

Trong bài phát biểu của mình, Hải cho biết, nhớ lại những ngày đầu tiên mới từ trại tạm giam đến chấp hành án tại Trại giam Xuân Lộc đã tạo cho anh ra một cảm giác, một niềm tin vững chắc để học tập, rèn luyện, cải tạo tiến bộ để sửa chữa sai phạm đã gây ra”. Cái ấn tượng trước mắt tôi là một môi trường trong lành rất nhiều cây xanh và bóng mát. Bên cạnh đó những ngày đầu bỡ ngỡ tôi đã được cán bộ tận tình dạy bảo về cách ứng xử, giao tiếp; pháp luật; nội quy, quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; giá trị của lao động đối với đời sống của con người… đặc biệt là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội… Đó là hành trang ban đầu để bản thân tôi luôn nỗ lực phấn đấu cải tạo tiến bộ” – Hải cho biết.

Do cải tạo tiến bộ nên năm 2020, Hải là 1 trong 60 phạm nhân được Ban Giám thị lựa chọn cho học lớp nghề hàn và điện do trường dạy nghề số 8 trực tiếp giảng dạy. Biết đây là cơ hội để học nghề, sau này ra trại có thể kiếm được tiền chân chính nên Hải rất chịu khó học và tốt nghiệp loại giỏi. Anh ta cho biết, sau khi được đặc xá, sẽ mở tiệm làm cửa sắt – phát huy nghề học được trong trại để kiếm sống.

Cán bộ Trại giam Xuân Lộc phổ biến các quy định pháp luật cho phạm nhân chuẩn bị được đặc xá.

Phạm nhân Dương Thị Thùy Trâm, SN 1979, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng vui mừng không kém khi được đặc xá trước 3 năm so với mức án toà tuyên. Trâm bị bắt ngày 6-8-2016 với mức án phạt 8 năm tù giam. Tính đến ngày được đặc xá, Trâm đã chấp hành án được 5 năm 25 ngày. “Sau khi bị bắt, tôi luôn cảm thấy có lỗi với những người thân của tôi vì tôi chưa làm tròn trách nhiệm của một người con, người chị, người em, người vợ, người mẹ. Cứ mỗi mùa xuân về trong tôi ngổn ngang bao nhiêu nỗi niềm khó nói, nỗi nhớ nhà lại trào dâng, từ sâu thẳm trong cõi lòng, tôi mong muốn nhanh chóng được đoàn tụ cùng gia đình, quây quần bên mâm cơm tất niên, đón giao thừa... tôi muốn nó trôi qua thật nhanh” –  Trâm cho biết.

Trâm kể rằng, sau khi bị bắt, cô ta buồn chán, không muốn cải tạo, nhưng được các cán bộ động viên và đặc biệt là ấn tượng với lời dạy của Đại tá Thái Duy Hồng, Giám thị Trại giam Xuân Lộc. “Hằng năm vào ngày lễ sơ kết, tổng kết, bác Giám thị thường nhắc nhở chúng tôi rằng, không có con đường nào ngắn nhất ngoài con đường cải tạo tốt để mau sớm giảm án, hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, về với gia đình và xã hội. Vì thế, tôi luôn suy ngẫm câu nói này, luôn răn đe bản thân mình không để vi phạm nội quy cơ sở giam giữ chấp hành tốt mặc dù trong đời sống sinh hoạt hằng ngày rất dễ xảy ra va chạm. Nhờ đó, tôi luôn đạt kết quả xếp loại quá trình chấp hành án phạt tù khá tốt, được biểu dương khen thưởng và đã giảm án 2 lần được 19 tháng” – Trâm cho biết. Trâm cũng kể rằng, khi biết tin mình có tên trong danh sách được Chủ tịch nước đặc xá, cô ta đã không ngủ được mấy đêm liền vì vui sướng, hạnh phúc.

Trâm nói: “Các cụ dạy có công mài sắt, có ngày nên kim, thật không sai chút nào, lại càng đúng với những người lầm lỗi như chúng tôi. Chúng tôi thật sự biết ơn ban giam thị và hội đồng cán bộ đã tạo điều kiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID – 19 hiện nay, mặc dù rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng liên lạc qua điện thoại với thân nhân gia đình phạm nhân bổ sung các giấy tờ liên quan, biên lai đóng tiền, khắc phục hoàn tất thủ tục cho các phạm nhân chúng tôi được đặc xá kịp thời”.

Một phạm nhân từng làm kế toán ở Bảo hiểm xã hội Long Khánh, Đồng Nai là Nguyễn Thị Thanh Lan, SN 1979 ở phường Xuân Bình, TP Long Khánh. Lan phạm tội tham ô tài sản với án phạt 15 năm. Lúc mới bị bắt, Lan cảm thấy cuộc đời mình như sụp đổ, không biết ngày mai, không thiết tha cải tạo bởi đang là kế toán, có gia đình hạnh phúc, được nhiều người ngưỡng mộ. Thế mà… chỉ vì tham lam, cô ta sa lưới pháp luật. Lan buồn rầu, chán nản nhưng được các cán bộ động viên, quan tâm, tạo điều kiện cho học tập, cải tạo, giúp đỡ những khi khó khăn, dần dần Lan nhận ra rằng, bị bắt chưa phải là chấm hết mà là bước khởi đầu mới để mình tự tu dưỡng lại bản thân, xây dựng cuộc đời mới. Nghĩ thế, cô ta luôn cố gắng cải tạo thật tốt, được giảm án 4 lần.

“Tôi có tên trong danh sách những phạm nhân đủ điều kiện đề nghị xét đặc xá năm 2021. Thế là quá trình 9 năm  phấn đấu lao động cải tạo chấp hành án tại trại đã có kết quả. Trong 9 năm qua, tôi và các phạm nhân ở Trại giam Xuân Lộc luôn được Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ quan tâm, động viên, khích lệ, giúp chúng tôi tìm được chìa khóa mở cánh cửa tương lai làm lại con người mới. Trong cuộc hành trình tìm lại mình với những lời răn dạy của Ban Giám thị “không có gì là không làm được, các anh chị phải cố gắng chấp hành tốt nội quy, phấn đấu trong lao động là con đường ngắn nhất về với gia đình và xã hội”.

Hối cải chắc chắn được khoan hồng

Đó là suy nghĩ của phạm nhân Phạm Ngọc Vân, SN 1983, phạm tội  "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với mức án phạt 18 năm tù giam. Mặc dù chưa được đặc xá lần này nhưng Vân hiểu rằng, chỉ có cải tạo thật tốt mới sớm được trở về. Năm 2013, Vân nhập trại Xuân Lộc với bản án 18 năm tù, lúc đó Vân xác định cuộc đời mình đã chấm hết nên không nhận rõ tội lỗi của bản thân mình đã gây ra, luôn chống đối quyết liệt không chịu tham gia lao động, học nghề. Lúc lừa đảo được tiền, Vân ăn tiêu hết, gia đình lại thuộc dạng đặc biệt khó khăn về kinh tế nên không có tiền khắc phục, bồi thường thiệt hại.

Biết hoàn cảnh của Vân như vậy, Ban Giám thị, đặc biệt là Trung tá Phạm Tiến Cường, Phó Giám thị thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên phân tích nên Vân dần dần thức tỉnh và đã nhận rõ tội lỗi của bản thân mình gây ra, tích cực phấn đấu cải tạo tiến bộ.

“Đến nay tôi đã được giảm án 18 tháng tù. Do điều kiện gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn về kinh tế nên chưa khắc phục được bồi thường dân sự, do đó không đủ điều kiện được đặc xá theo quy định, nhưng trong thâm tâm tôi luôn mong muốn khắc phục hết hậu quả về hành vi phạm tội của mình đã gây ra để sau này đủ điều kiện đặc xá” – Vân thổ lộ. 

Được biết, sau khi có quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, Trại giam Xuân Lộc đã niêm yết công khai để các phạm nhân biết; tổ chức cho các đội phạm nhân thảo luận, bình xét, bỏ phiếu kín giới thiệu; hướng dẫn và tạo điều kiện để phạm nhân đủ điều kiện đặc xá liên lạc với gia đình để hoàn thiện thủ tục, giấy tờ, thực hiện nghĩa vụ dân sự… Qua xét duyệt hồ sơ, Trại giam Xuân Lộc đã có 103 phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá.

Đại tá Thái Duy Hồng, Giám thị Trại giam Xuân Lộc cho biết, song song với công tác phổ biến, quán triệt Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, đơn vị còn tăng cường tuyên truyền nêu bật tính nhân văn, nhân đạo và nhất quán trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người phạm tội đã ăn năn, hối cải. Đặc biệt, đơn vị có một số phạm nhân đang điều trị bệnh nặng ở bệnh viện như ung thư, tim… ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Để đảm bảo quyền lợi của họ, ngoài các cán bộ canh gác, trại đã cử cán bộ đến tận nơi trực tiếp phổ biến Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá để phạm nhân nắm rõ.

Phương Thuỷ

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文