Nuôi dạy con thật tốt để ngăn ngừa bạo lực trẻ em
Không ít phụ huynh đau đầu với việc nuôi dạy con trong giai đoạn đầu đời (dưới 6 tuổi). Làm sao để con tự giác làm những việc như tự ăn uống, học tập, đánh răng, đi ngủ, thức dậy đi học đúng giờ?
Từ trước đến nay, cách nuôi dạy con của các bậc phụ huynh ở nước ta là làm thay con cái, con chỉ việc học, không ít cảnh cha mẹ đút cho con ăn ở trước cổng trường khi con đã lớn. Chính vì vậy, nhiều học sinh sau khi học hết lớp 12, thậm chí có em học xong đại học vẫn còn “lơ ngơ”, thiếu kỹ năng sống, khó hòa nhập khi đi làm việc, từ đó hiệu quả công việc không cao.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong giai đoạn đầu đời luôn đóng một vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, không ít phụ huynh chưa nắm được phương pháp phù hợp nên gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chăm sóc trẻ em giai đoạn đầu đời, ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025”.
Tại TP Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh, thành phố khác, việc hình thành các nhóm trẻ gia đình, lớp mầm non tư thục thời gian qua đã phần nào giúp kéo giảm áp lực cho lĩnh vực giáo dục mầm non của thành phố, giúp người dân (nhất là những người dân lao động nghèo) có nơi gửi con để đi làm, để mưu sinh và kiếm sống.
Tuy vậy, trên thực tế, đội ngũ giáo viên, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở thường không đồng nhất, nhiều nơi vừa thiếu về số lượng vừa yếu về mặt chuyên môn và kỹ năng trong chăm sóc trẻ. Đã có nhiều vụ việc vi phạm quyền trẻ em xảy ra ngay tại các nhóm trẻ, lớp mầm non trong thời gian qua, nguyên nhân chính cũng xuất phát từ những yếu tố này.
Với sự hỗ trợ của tổ chức PE&D, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND TP phê duyệt dự án “Hỗ trợ chăm sóc vì sự phát triển toàn diện cho trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” vào ngày 18/6/2021. Qua đó, giúp các em phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần.
Qua 2 năm thực hiện dự án, Hội bảo vệ quyền trẻ em thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng và địa phương tổ chức 33 khóa tập huấn với 147 buổi, bao gồm cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp cho 498 cha mẹ có con dưới 6 tuổi. Sau quá trình tham gia, các bậc phụ huynh có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực trong việc nuôi dạy con cái.
Đặc biệt, chương trình đã tập huấn nâng cao năng lực giáo dục mầm non cho người chăm sóc trẻ tại các nhóm lớp mầm non tư thục. Tổng cộng 64 nhóm trẻ (TP Thủ Đức có 30 nhóm trẻ, quận Tân Phú có 34 nhóm trẻ). Có 3.234 trẻ em là những trẻ đang theo học tại các nhóm lớp mầm non được hưởng lợi từ chương trình.
Bên cạnh đó, chương trình còn kết nối hỗ trợ cho hơn 400 gia đình với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ tài chính cho hơn 100 gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 trị giá hơn 547 triệu đồng; hỗ trợ gói an sinh cho hơn 200 gia đình với tổng trị giá hơn 484 triệu đồng; hỗ trợ sinh kế cho 17 gia đình với tổng trị giá 81 triệu đồng; kết nối hỗ trợ học bổng cho 37 trẻ từ cấp 1 trở lên, trong đó có trường hợp nhận 1 lần và được nhận học bổng trong nhiều năm; phát gói dinh dưỡng cho hơn 100 trẻ, trị giá mỗi gói dinh dưỡng khoảng 800 ngàn đồng/tháng; 11 trẻ và gia đình nhận hỗ trợ về y tế như hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí…
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em - Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, từ hiệu quả của đề án này, các đơn vị chức năng cần tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng thành mô hình của địa phương mình để từng bước nhân rộng trên địa bàn.