Phố cổ Hội An: Khẩn trương chằng chống nhà cổ, bảo vệ Chùa Cầu
Chiều 26/9, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho hay, để đảm bảo an toàn, phòng chống bão số 4, chính quyền TP Hội An đã quyết định tạm dừng hoạt động khu phố đi bộ, dừng bán vé tham quan cho du khách.
Cùng ngày, Bộ Trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, đã dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 (siêu bão Noru) tại bờ biển Cửa Đại, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Theo báo cáo của chính quyền thành phố, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, hiện chính quyền và người dân dọc biển Cửa Đại cũng đã thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống nhà cửa. Đồng thời lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, đến thời điểm hiện tại, công tác ứng phó với bão số 4 vẫn đang được địa phương tích cực triển khai. Thời gian gần đây, hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại đã được bồi cát và tình trạng sạt lở tạm thời không tái diễn.
Ghi nhận tại bờ biển Cửa Đại, mặc dù đã được đê ngầm che chắn từ xa, song các chủ nhà hàng ven bãi biển vẫn không chủ quan. Không chỉ nhà hàng, các chủ khách sạn, resort gần biển Cửa Đại cũng huy động nhân công khẩn trương chèn chống, buộc các công trình du lịch như gỗ, tre, lều để ứng phó với siêu bão.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An thông tin, từ chiều nay 26/9, địa phương đã tạm dừng bán vé tham quan khu phố cổ để thực hiện công tác phòng, chống bão số 4 cho đến khi bão tan hoàn toàn vé sẽ được bán trở lại.
Theo kế hoạch của chính quyền thành phố, trước 10h sáng mai 27/9, địa phương sẽ hoàn thành di dời, sơ tán khoảng gần 2.000 hộ dân theo hình thức tập trung và xen ghép. Khoảng gần 8.000 người sẽ được sơ tán đến nơi an toàn, trong đó nhiều nhất là các địa phương ven biển, cửa sông, vùng thấp lụt… Địa phương cũng đã chủ động các phương án trong việc phòng, chống siêu bão, đặc biệt, là vận động người dân, chủ các cơ sở du lịch chủ động chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch... để đảm bảo an toàn cho nhân dân và khách du lịch.
Để thực hiện, thành phố đã huy động tối đa các lực lượng, phương tiện của thành phố, trực tiếp là các đơn vị lực lượng vũ trang, Công an TP Hội An thực hiện việc giúp dân sơ tán, di dời. Công tác chuẩn bị hậu cần cho các điểm sơ tán tập trung cũng được chuẩn bị khẩn trương, đảm bảo.
Đặc biệt, thành phố còn huy động 15 xe ôtô (loại 16 chỗ) của các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện để vận chuyển sơ tán dân phòng tránh bão. Đến cuối chiều 26/9, lãnh đạo thành phố còn huy động được 2 khách sạn với khoảng 500 người vào ở tránh trú bão.
Chiều 26/9, ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (Quảng Nam) cho biết, tính đến chiều cùng ngày Trung tâm đã cơ bản hoàn tất việc gia cố, chằng chống để bảo vệ các khu nhà cổ, Chùa Cầu và các kiến trúc quan trọng khác trong khu vực phố cổ.
Lực lượng của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã cùng với chính quyền địa phương chỉ đạo các tổ quản lý di tích, các chủ, đại diện chủ di tích và vận động nhân lực tại chỗ thực hiện một số công tác bảo vệ di tích. Đặc biệt là di tích Chùa Cầu, đã tập kết vật liệu, triển khai gia cố, chống đỡ. Di tích này có riêng bộ dụng cụ chống đỡ để ứng phó khi vào mùa mưa bão. Việc chống đỡ được thực hiện thủ công và đảm bảo không làm ảnh hưởng đến kết cấu di tích.
Theo ông Ngọc, hiện trên địa bàn có 45 di tích đã xuống cấp, trong đó có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Trung tâm đã tiến hành hỗ trợ chống đỡ cho 5 di tích đồng thời đề nghị hạ giải 13 di tích vì không còn khả năng chống đỡ. Trong số 10 di tích qua kiểm tra đã xuống cấp nhưng không hạ giải thì cơ quan chức năng đã liên hệ với chủ di tích, đề nghị các chủ hộ cam kết di dời đi nơi khác không ở bên trong lúc bão đổ bộ.