Phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật
Hội thảo triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 1/12 với hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Hội thảo có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu, bao gồm đại diện từ các bộ, ban, ngành, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU), các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội ngành, nghề và doanh nghiệp, các sở, ngành có liên quan ở địa phương thực hiện chương trình và một số tổ chức, cá nhân nghiên cứu và học thuật.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về những thách thức liên quan đến COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ lao động trẻ em, bao gồm suy giảm kinh tế, tác động của tình trạng thiếu việc làm và mất việc làm đối với các hộ gia đình, rào cản đối với giáo dục, mất an ninh lương thực, gia tăng tỷ lệ tử vong và chi phí y tế cao.
Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 782/QĐ - TTg ngày 27 tháng 5 năm 2021.
Chương trình được xây dựng dựa trên những thành công và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO và UNICEF.
Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, chương trình có ba mục tiêu cốt lõi: ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.