Sáng mãi phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ

06:52 23/07/2023

Sáng 22/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023). Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại buổi họp mặt. Buổi họp mặt ấm cúng, trang trọng có sự tham dự của 81 đồng chí thương binh và gia đình.

Thương binh nặng Trần Ngọc Nam (SN 1967, ở phường 11, quận 3) có hoàn cảnh rất khó khăn. Được sự giúp đỡ của địa phương, ông mở 1 xe bán cà phê tại nhà, vợ làm bảo mẫu, con đang học lớp 10. Ông còn làm Tổ phó Tổ dân phố, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Là thương binh, nhưng trong thời gian thành phố phòng, chống dịch COVID-19, ông vẫn tham gia rất nhiệt tình, từ vận chuyển hàng hoá đến trích phần phụ cấp ít ỏi để mua sách giáo khoa trao tặng cho trẻ em mồ côi. Hàng năm, ông được trao tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt.

Ông Trần Ngọc Nam chia sẻ: “Tôi nói với con của mình rằng, tài sản bố để lại cho con là những giấy khen này, để con thấy bố tàn nhưng không phế, vẫn đóng góp được nhiều cho xã hội, từ đó các con phải luôn nỗ lực vươn lên học giỏi”.

Ông Trần Văn Tản, ngụ tại quận 4 là thương binh ¼, đặc biệt nặng. Trở về từ Campuchia, ông đã để lại đôi mắt của mình ở chiến trường. Một mình nuôi 2 con trai học hành, nhưng ông vẫn tích cực tham gia hoạt động tại địa phương với vai trò là Chủ tịch Hội người mù quận 4.

Ông tâm sự: “Mình còn may mắn hơn rất nhiều các anh em, đồng đội phải nằm lại ở chiến trường. Tôi thấy mình tàn nhưng không phế. Tôi tham gia các hoạt động ở địa phương để giúp đỡ cho những người có cùng hoàn cảnh, không còn thấy ánh sáng”.

Quận 4 đã thành lập 1 câu lạc bộ thương binh nặng để chia sẻ, giúp đỡ nhau. Ông Tản cùng câu lạc bộ đã phối hợp vận động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ việc làm cho hội viên.

Người vợ thủy chung, tảo tần Lê Hồng Ngọc là chỗ dựa, động lực sống của thương binh Nguyễn Hải Quý, thương tật 92%, liệt 2 chi dưới. Khi đó, bà Ngọc mới ngoài 20 tuổi, nhưng bà vẫn quyết định tạm dừng làm giáo viên mầm non để chăm sóc ông. Biết bao khó khăn nhưng rồi tình yêu của ông bà và sự giúp đỡ của địa phương là động lực, ông bà cùng nắm tay nhau vượt qua tất cả. Hơn 38 năm nay, bà luôn chăm sóc chồng chu đáo.

Bà Ngọc kể lại, năm 1983, ông Quý nhập ngũ, về Quân đoàn 4, Sư đoàn 7, Trung đoàn 165, Tiểu đoàn 5. Ông Quý bị thương quá nặng: bể cột sống đứt tủy, liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ trăn, trọng thương nặng cột sống thân sau và bể xương chậu do mìn.

Bà Ngọc đi tìm chồng, ông từ chối không muốn gặp vì sợ vợ khổ. Nhưng bà đã trả lời mạnh mẽ: “Không thể vì anh bệnh tật mà em bỏ anh đi”. Bác sĩ chẩn đoán ông Quý chỉ sống được 5 năm nhưng hai vợ chồng đã nỗ lực và sống với nhau đến ngày hôm nay, đã 38 năm.

Phát biểu tại họp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã dành sự trân trọng và tri ân các đồng chí thương binh, gia đình chính sách: “Dù trong hoàn cảnh nào, các đồng chí thương binh và gia đình luôn sống chí tình chí nghĩa với bà con lối xóm, phát huy tinh thần người lính bộ đội cụ Hồ, tàn nhưng không phế, nuôi dạy con cái đàng hoàng, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm lo cho xã hội”.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm qua, hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của thành phố đã vận động nguồn lực xã hội phụng dưỡng đến cuối đời cho các Mẹ Việt Nam Anh Hùng với kinh phí phụng dưỡng từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/Mẹ/tháng; hỗ trợ kinh phí cho thương binh nặng, thương binh đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn từ 2 triệu đồng/tháng. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã được triển khai, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, gia đình có công như xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, hỗ trợ phương tiện sinh kế, phương tiện sinh hoạt, trao tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ; hỗ trợ vốn tạo việc làm cho thương binh, vợ thương binh, vợ liệt sĩ, học bổng cho con em gia đình chính sách; tổ chức các chương trình như “thắp nến tri ân”, sửa chữa các phần mộ liệt sĩ, thay mới các khung, bằng Tổ quốc ghi công, chương trình về nguồn…

Những hoạt động ý nghĩa đó đã góp phần giúp các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh cải thiện cuộc sống, có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.

Nguyễn Cảnh

Sau khi được lực lượng Công an và người thân tuyên truyền, vận động, giải thích, khoảng 13h, ngày 1/12/2024, đối tượng Lê Hà Đông (SN 1992), trú tại thôn Tân Chính, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là nhân viên thuộc Công ty vệ sĩ Security 24 đã đến cơ quan Công an đầu thú.

Dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) vừa được Quốc hội bấm nút thông qua với số phiếu tuyệt đại đa số, có quy mô siêu lớn và đương nhiên cùng với đó là rất nhiều thách thức. Có thể nói, đây là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước với sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Sau 9 tháng lẩn trốn quyết định truy nã của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên về tội danh "Nhận hối lộ", đối tượng duy nhất còn lại trong nhóm nhận hối lộ tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 78-02D thuộc Công ty TNHH đăng kiểm Bách Việt đã bị bắt giữ khi xuất hiện gần cửa khẩu Hoàng Diệu trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Sau hơn bốn thập niên hoạt động, vai trò của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại Lebanon, hay còn gọi là Lực lượng Lâm thời của LHQ ở Lebanon (UNIFIL), đang được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt khi xung đột giữa Israel và Hezbollah leo thang và vừa tạm thời hạ nhiệt nhờ lệnh ngừng bắn vào ngày 26/11.

Với dữ liệu gốc từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 của Chính phủ, TP Hà Nội đã phát triển các ứng dụng nền tảng thuộc Đề án 06 trong đó có ứng dụng công dân Thủ đô số - iHaNoi. Chỉ trong thời gian ngắn, ứng dụng này đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân Thủ đô bởi những tiện ích từ ứng dụng mang lại.

Quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là sự chủ công của lực lượng Công an trong việc xử lý vi phạm về môi trường ở Bắc Ninh đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến ngày 29/11, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt 67 cơ sở tại CCN làng nghề Mẫn Xá với số tiền phạt gần 31 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đến ngày 28/11, đã có 96 hộ dân ở làng nghề Mẫn Xá đã tự tháo dỡ lò cô đúc nhôm, chuyển đổi nghề nghiệp. Dù đã chấp hành nghiêm các quy định, tháo dỡ lò cô đúc, chấp hành nghiêm quy định của tỉnh nhưng người dân trên địa bàn Mẫn Xá vẫn canh cánh nỗi lo về công ăn việc làm và sinh kế lâu dài.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文