Siết chặt an toàn thực phẩm bánh trung thu
Chỉ còn vài ngày nữa là tới rằm trung thu, lượng tiêu thụ bánh trung thu trên thị trường đang rất lớn. Bên cạnh bánh trung thu truyền thống, bánh của các thương hiệu có tiếng, còn một lượng lớn bánh trung thu "bẩn", nhập lậu, trôi nổi không rõ nguồn gốc. Một số cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong chế biến, sản xuất.
Bánh trung thu "bẩn" trôi nổi trên thị trường
Những ngày này trên thị trường Hà Nội tràn ngập sắc đỏ của bánh trung thu bày bán trên các cửa hàng, đường phố, chợ. Tại phố Hàng Buồm và Hàng Giày, quận Hoàn Kiếm bày bán rất nhiều bánh trung thu cả trong nước sản xuất và bánh nhập ngoại "giá rẻ". Có nơi, bánh nhập ngoại bán chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/chiếc. Tại một chợ cóc ở phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội, bánh trung thu không rõ nguồn gốc được bày bán lẻ từng chiếc, nhưng do giá rẻ (20.000 đồng/chiếc) nên vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Theo ghi nhận của phóng viên, bánh trung thu không rõ nguồn gốc thậm chí còn bán tại shop. Qua kiểm tra tại shop house tại Vạn Phúc, Hà Đông, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11, Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện hơn 400 chiếc bánh trung thu trôi nổi, chủ shop không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của bánh.
Theo đại diện của Cục QLTT Hà Nội, bánh trung thu không rõ nguồn gốc, bánh nhập ngoại giá rẻ, bánh tự làm (handmade) được tung ra thị trường, đặc biệt là rao bán trên mạng khá nhiều. Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT tập trung kiểm tra, xử lý tại các điểm tập trung sản xuất nguyên liệu lớn như La Phù (Hoài Đức) và Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) và các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo lớn ở Hà Nội. Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất nguyên liệu, kinh doanh bánh trung thu "bẩn".
Vào ngày 15/8 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh bánh kẹo tại số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, phát hiện đang bày bán 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn, ghi bằng tiếng nước ngoài, do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ. Theo chủ cửa hàng này, do nhu cầu tiêu thụ bánh trung thu cao, nên đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về bán.
Ngày 24/8, tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy đang tập kết 4.700 chiếc bánh trung thu nhập ngoại thì bị Đội QLTT số 13 và Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội kiểm tra. Chủ lô hàng này cũng không xuất trình được hoá đơn, chứng từ nguồn gốc của lô bánh trên.
Khó kiểm soát việc kinh doanh trên mạng xã hội
Hà Nội hiện có 134 cơ sở sản xuất bánh trung thu ở các quận, huyện. Mặc dù còn vài ngày nữa là tới Tết trung thu, song các cơ sở sản xuất này vẫn ngày đêm gấp rút sản xuất những mẻ bánh cuối cùng để tung ra thị trường. Hiện nay, bánh trung thu ngoài sản xuất ở làng nghề, hộ kinh doanh cá thể, còn có 20 khách sạn 5 sao và rất nhiều người sản xuất bánh trung thu handmade bán trên các mạng xã hội. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, TP Hà Nội chỉ đạo 3 Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế thành lập các đoàn kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Sở Y tế Hà Nội cử 2 đoàn kiểm tra sản việc xuất bánh trung thu tại 14 khách sạn, đến nay đã kiểm tra được 12 cơ sở chưa phát hiện khách sạn nào vi phạm VSATTP. "Các khách sạn sản xuất bánh trung thu phải đảm bảo tất cả yêu cầu về ATTP từ khâu sản xuất đến lưu thông, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào có xuất xứ rõ ràng. Khách sạn tự công bố sản phẩm và kiểm nghiệm trước khi lưu thông ra thị trường. Bao gói sản phẩm phải có nguồn gốc, nhà cung cấp, phải được công bố cơ sở đủ điều kiện ATTP tại khu chế biến", ông Phong nói.
Theo ông Phong, các quầy kinh doanh bánh trung thu phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, tránh ánh nắng ẩm mốc, không để côn trùng xâm nhập. Đối với bánh hết hạn sử dụng không được lưu thông trên thị trường. Những năm trước, đã có tình trạng bánh trung thu gần hết date nhưng bị tẩy date để đưa ra lưu thông. Tuy năm nay chưa phát hiện được trường hợp nào, song người tiêu dùng khi mua bánh trung thu phải lựa chọn quầy bánh có địa điểm đăng ký hợp pháp, lựa chọn bánh phải còn hạn sử dụng, nếu bánh có dấu hiệu bao bì, sản phẩm không nguyên vẹn thì không nên chọn mua.
Việc kiểm tra, xử lý bánh trung thu "bẩn" vẫn được tiếp tục, tuy nhiên, với 134 cơ sở sản xuất thì cả mùa trung thu lực lượng chức năng may ra kiểm tra được 1/3 cơ sở trong số đó, nên vẫn còn nhiều nơi bị bỏ qua. "Để kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường bánh trung thu, các quận, huyện phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành; xã phường, thị trấn cũng phải tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát ngay tại cơ sở sản xuất thì mới đảm bảo được chất lượng VSATTP của mặt hàng này khi đưa ra lưu thông trên thị trường", ông Phong nói.
Hiện nay, còn rất nhiều người sản xuất và kinh doanh bánh trung thu trên mạng xã hội, nguồn gốc nguyên liệu, các điều kiện đảm bảo VSATTP của cơ sở sản xuất, khu chế biến, người chế biến ra sao vẫn là ẩn số khi đây là sản xuất chui. Theo một cán bộ Đội QLTT số 2, việc rao bán bánh trung thu trên mạng rất khó kiểm tra vì họ không nói địa chỉ cụ thể, không biết kho hàng tập kết ở đâu, không rõ địa chỉ nơi sản xuất… nên rất khó tìm. Đây là vấn đề còn tồn tại trong nhiều mùa trung thu, đến nay vẫn chưa xử lý được.
Mặc dù đã sát ngày rằm trung thu, nhưng do thông tin báo chí phản ánh về tình trạng bánh trung thu "bẩn", nhập lậu, trôi nổi, vi phạm VSATTP xuất hiện trên thị trường, ngày 5/9, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các địa phương, Ban Quản lý ATTP các tỉnh/TP như: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố… Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo ATTP, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm; nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan Công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. (Trần Hằng)