Thiếu cơ chế khuyến khích sản xuất xanh đối với khu công nghiệp
Để trở thành khu công nghiệp (KCN) sinh thái và doanh nghiệp (DN) sinh thái, các KCN và DN phải đạt 8 tiêu chí, cao hơn tiêu chí của KCN hoặc DN thông thường.
Song theo các quy định hiện nay, dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN sinh thái chỉ được hưởng ưu đãi đầu tư theo địa bàn giống như KCN thông thường chứ chưa hề có quy định ưu đãi nào để thúc đẩy sản xuất sạch, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Nghị định số 82/2018 của Chính phủ về quản lý các KCN, khu kinh tế, các chính sách riêng đối với KCN sinh thái, DN sinh thái bước đầu được thực hiện. KCN và DN sinh thái phải tuân thủ quy định, tiêu chí khắt khe về kinh tế, môi trường và xã hội nhưng các KCN và DN sinh thái không được hỗ trợ thêm về thuế, tài chính, đất đai.
Hiện 300 KCN đang hoạt động đã thu hút đến 70-80% doanh nghiệp sản xuất của cả nước. Trong các KCN này cũng đang có 80-90% doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo và đóng góp đến 60% giá trị sản xuất công nghiệp. Do đó, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc phát triển các KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Đồng thời, còn huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu KCN sinh thái được áp dụng rộng rãi ở mức 10 DN trong mỗi KCN, thì gần 300 KCN đang hoạt động trên cả nước sẽ giảm phát thải khoảng 3 triệu tấn khí thải CO2/năm. Con số này đóng góp khoảng 4% trong mức 83 triệu tấn CO2/năm theo cam kết giảm phát thải của Việt Nam đến năm 2030 trong điều kiện chưa có hỗ trợ quốc tế.
Trường hợp DN sinh thái tăng lên hoặc có nhiều DN quy mô lớn, phát thải nhiều cùng tham gia sản xuất xanh, lượng phát thải sẽ được kéo giảm xuống rất lớn. Từ năm 2005 đến nay, các tổ chức quốc tế như UNIDO và World Bank đã hỗ trợ nhiều quốc gia với tổng cộng 46 KCN chuyển đổi sang sản xuất xanh, trong đó có Việt Nam.
Thực tế cho thấy, tại 4 KCN thí điểm áp dụng sản xuất xanh trên cả nước, gồm KCN Khánh Phú, Gián Khẩu, Hòa Khánh, Trà Nóc 1 và 2 có khoảng 72 DN đang áp dụng trên 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Những năm qua, các DN này đã tiết kiệm hơn 72 tỷ đồng mỗi năm và huy động hơn 207 tỷ đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để thực hiện các giải pháp sản xuất xanh.
Đầu tư vào sản xuất xanh, ngoài giảm phát thải CO2 ra môi trường, thì chính các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ tiết giảm chi phí. Nhưng do không có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho sản xuất xanh, nên các KCN và DN chủ yếu mới dừng lại ở mức tạo cảnh quan, môi trường xanh.
Là trọng điểm về sản xuất công nghiệp với 31 KCN đang hoạt động, nhưng các KCN ở Đồng Nai cũng mới chỉ hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững với những giải pháp như: Thu hút đầu tư có chọn lọc; đầu tư vốn cho các công trình nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn; công trình cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố…
Theo một lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hầu hết các KCN đang hoạt động trên địa bàn đều thực hiện nghiêm việc dành 10% diện tích đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước tạo cảnh quan sinh thái, tạo bức tường xanh làm giảm khí thải, bụi thải, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất.
Đối với các DN trong KCN, Ban Quản lý các KCN yêu cầu phải dành tối thiểu 20% diện tích đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Ngay cả các trạm xử lý nước thải cũng phải trồng cây xanh để hạn chế mùi hôi phát tán ra xung quanh.
Đứng thứ 3 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và có nhiều KCN được xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, trở thành kiểu mẫu của cả nước… nhưng đến nay tỉnh Bình Dương cũng mới chỉ dừng lại ở mức tập trung thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng các KCN theo hướng hiện đại, đồng bộ, xử lý triệt để nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn.
Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong KCN tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường, số KCN và DN sinh thái còn rất ít. Do đó, để khuyến khích phát triển mô hình các KCN sinh thái, DN sinh thái với vai trò là động lực tăng trưởng bền vững của khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Nhà nước cần bổ sung quy định “DN sinh thái hoạt động trong KCN sinh thái” vào đối tượng được ưu đãi đầu tư.