Thiếu vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công cầm chừng
Việc thiếu nguồn vật liệu xây dựng thông thường khiến nhiều dự án giao thông rơi vào tình cảnh thi công cầm chừng, thậm chí phải tạm dừng thi công trong thời gian dài. Bộ GTVT cho hay, khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp các dự án khu vực phía Nam đang dần được tháo gỡ.
Bộ này cũng nhấn mạnh, tiến độ công trình là quan trọng nhưng với các mỏ có cơ chế đặc thù, để tránh tình trạng cấp phép khai thác mỏ vật liệu thông thường sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, lợi dụng cơ chế để trục lợi hoặc cấp cho dự án khác, các ngành, các địa phương phải cùng phối hợp quản lý chặt.
Nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án gặp khó
Dự án thành phần 1 thuộc Dự án hoàn thiện đường ven biển 129 (Võ Chí Công) và Dự án cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành là hai dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Nam đang được quyết tâm hoàn thành vào năm 2025, với mức đầu tư lần lượt là 1.076 tỷ đồng và 955 tỷ đồng. Hiện nay, đa số mỏ vật liệu đất đắp trên địa bàn Núi Thành đã hết trữ lượng khai thác, hoặc còn rất ít, trong khi nhiều đơn vị đặt hàng, nên nhà thầu không thể mua đất phục vụ công trình…
Tương tự, tại Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhiều tháng qua, mỏ đất có diện tích khoảng 23ha với trữ lượng gần 1 triệu m3 vẫn chưa thể khai thác. Nguyên nhân là các bên không thể hoàn thành thỏa thuận công tác bồi thường, hỗ trợ cây cối hoa màu trên đất để ra mỏ khai thác trên thực địa. “Thời gian qua, để có đất thi công, đơn vị phải mua đất mỏ Mễ Sơn cách xa hơn 10km và mua những mỏ đất thương mại khác”, đại diện nhà thầu cho biết. Trong khi một số nhà thầu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi thi công ”cầm chừng” thì tại Đồng Tháp, sau gần 4 tháng khai thác, phía bờ thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò xuất hiện điểm sạt lở bờ sông, do vậy, các đơn vị liên quan cho tạm ngưng khai thác để khắc phục. Mỏ cát này được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng công trình và Thương mại Hoàng Anh trực tiếp khai thác để cung ứng cho công trình cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
Giai đoạn 2021-2025, ngành GTVT tập trung triển khai rất nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, nhu cầu nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án rất lớn. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án khoảng 70 triệu m3 (trong đó đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát đắp khoảng 63 triệu m3) và chủ yếu tập trung trong các năm 2023-2024.
Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn về nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với việc khai thác các mỏ khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án.
Áp dụng cơ chế đặc thù
Theo báo cáo mới nhất được Bộ GTVT gửi tới Quốc hội, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, đến nay với 10 dự án thành phần đoạn từ Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, đối với mỏ mở mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù, các nhà thầu đã trình 19/19 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cát với tổng trữ lượng 5,59 triệu m3, 55/55 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đất với tổng trữ lượng 46,05 triệu m3; UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 17/19 mỏ cát, 55/55 mỏ đất; hiện đã khai thác được 16/17 mỏ cát với trữ lượng khoảng 4,75 triệu m3 đáp ứng khoảng 92,8% nhu cầu và 46/55 mỏ đất với trữ lượng khoảng 35,37 triệu m3 đáp ứng khoảng 82,6% nhu cầu. Đối với các mỏ đã hoàn thành bản đăng ký khối lượng, hiện các nhà thầu đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất để có thể khai thác.
Với 2 dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu vật liệu đá cần khoảng 1,35 triệu m3, đất đắp khoảng 1,5 triệu m3 lấy từ các mỏ đang khai thác trong khu vực với khả năng cung ứng đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng, bảo đảm tiến độ yêu cầu. Đối với vật liệu cát đắp nền, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để ưu tiên cung cấp cho Dự án với tổng nhu cầu khoảng 19 triệu m3. Đến nay các địa phương đã xác định nguồn cung và cấp bản xác nhận khai thác cho dự án là 16 triệu m3 (còn thiếu 1 triệu m3 tỉnh An Giang, 2 triệu m3 tỉnh Vĩnh Long); thực tế đang khai thác 12,5 triệu m3, chưa khai thác được 3,5 triệu m3 (tỉnh An Giang 0,5 triệu m3 đang hoàn thiện thủ tục thoả thuận giao thông thuỷ; tỉnh Vĩnh Long 3 triệu m3 từ 3 mỏ cấp mới đã hoàn thiện thủ tục, tuy nhiên người dân khu vực mỏ cản trở khai thác và 1 mỏ đang khai thác cấp cho dự án 0,5 triệu m3 hiện chưa thể lấy cát về công trường do địa phương tạm thời không cho tập kết cát về bãi rửa). Đối với Dự án cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án cần khoảng 7 triệu m3 đất đắp nền đường, 0,87 triệu m3 cát xây dựng các loại, 1,89 triệu m3 đã xây dựng các loại. Đến nay, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã hoàn thành thủ tục khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù, đảm bảo đủ trữ lượng để cung cấp cho Dự án thành phần 3 (khoảng 2 triệu m3); riêng địa bàn tỉnh Đồng Nai (dự án thành phần 1 và 2) hiện các nhà thầu chỉ mới huy động được nguồn đất từ các mỏ thương mại khoảng 40.000m3 (tương đương 1,3% tổng nhu cầu), không đáp ứng tiến độ thi công. Nguyên nhân chính do vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác các mỏ của địa phương. Đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ GTVT nhìn nhận, các địa phương đã cơ bản xác định được nguồn vật liệu, tuy nhiên trong thời gian tới, tại một số địa phương như tỉnh Khánh Hoà, Đồng Nai… sẽ triển khai đồng thời một số dự án nên với công suất khai thác hiện nay của một số mỏ sẽ không đáp ứng nhu cầu.
Một trong những giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn vật liệu, đó là nhập khẩu nguồn cát thương mại. Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong 1 năm. Về vấn đề này, Bộ GTVT đã đề xuất tháo gỡ, hiện Chính phủ đang giao Bộ Công Thương chủ trì làm việc với Campuchia về phương án nhập khẩu cát làm vật liệu xây dựng, báo cáo Thủ tướng, nếu khả thi đây là nguồn cung lớn cho các dự án.
Nhìn nhận về việc thực hiện cơ chế đặc thù, Bộ GTVT đánh giá, mặc dù các địa phương đã nỗ lực triển khai nhưng do là lần đầu tiên áp dụng cơ chế đặc thù nên thời gian đầu các địa phương còn lúng túng, cách hiểu còn chưa thống nhất nên mất nhiều thời gian. Một số địa phương tiếp tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thêm mới triển khai thực hiện, hoặc sau khi hướng dẫn yêu cầu thực hiện một số bước mặc dù các Nghị quyết đã cho phép đơn giản hoá thủ tục; các mỏ cát giao cho nhà thầu nhưng khống chế công suất và việc nâng công suất các mỏ cát đang khai thác gặp nhiều khó khăn nên chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án. Đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nếu các địa phương không sớm hoàn thành các thủ tục để cung ứng, đáp ứng công suất theo yêu cầu thi công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án.
Ngoài ra, để tránh tình trạng cấp phép khai thác mỏ vật liệu thông thường sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, lợi dụng cơ chế để trục lợi hoặc cấp cho dự án khác, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện một số nội dung như chỉ đạo các nhà thầu được cấp phép khai thác mỏ vật liệu thông thường phục vụ thi công dự án nghiêm cấm tự ý cấp vật liệu cho bất kỳ dự án nào khác mà không đúng mục đích, đối tượng được cấp phép. Có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động khai thác vật liệu của các nhà thầu theo đúng phạm vi, diện tích, khối lượng, mục đích khai thác phục vụ gói thầu của dự án; trường hợp không tổ chức kiểm soát nguồn vật liệu tại các mỏ được cấp phép khai thác phục vụ cho dự án, để các nhà thầu lợi dụng chính sách, sử dụng không đúng mục đích yêu cầu, Giám đốc Ban quản lý dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm.