Vay vốn để hoàn lương, cách làm hay trong tái hòa nhập cộng đồng

08:14 03/09/2024

Mô hình tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng không chỉ tạo điều kiện cho những người có khát vọng hoàn lương vơi bớt mặc cảm, tự ti mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người từng lầm lỡ.

Tại Thái Bình, mô hình “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” đã chứng minh, với sự đồng lòng và nỗ lực, những người từng lầm lỗi hoàn toàn có thể vượt qua được mặc cảm, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành công dân lương thiện, đem lại kinh tế ổn định cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Thế nhưng, việc tái hòa nhập cộng đồng đối với những người từng lầm lỡ là một thách thức không nhỏ, bởi họ khó tìm kiếm được việc làm, không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tái phạm tội.

Cán bộ Công an và chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên anh Trần Văn Toàn.

Anh Trần Văn Toàn, trú tại xã Tây Lương, huyện Tiền Hải trở về địa phương sau 12 tháng chấp hành án về tội chống người thi hành công vụ, đem theo những mặc cảm, lo lắng về những ngày tháng sau này. “Trước đây, tôi còn trẻ tuổi, nghịch ngợm. Sau khi cải tạo về, tôi được lãnh đạo địa phương, Công an xã hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ để tôi phát triển kinh tế, lo cho gia đình”, anh Toàn chia sẻ. 

Thấu hiểu hoàn cảnh của anh Toàn, cấp ủy chính quyền địa phương và Công an xã Tây Lương đã luôn sát cánh, động viên và hỗ trợ anh Toàn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Chính quyền xã Tây Lương tạo điều kiện cho thuê mặt bằng, nhà xưởng và đặc biệt được vay vốn 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cơ sở thu mua phế liệu của anh Toàn từ một bãi rác cũ, đơn sơ nhỏ hẹp nay đã được mở rộng lên 1.400m2 với không gian thoáng và sạch sẽ hơn. Anh Toàn sử dụng số vốn này vào đầu tư nâng cấp máy móc, thiết bị, nhà xưởng, thuê thêm công nhân mở rộng quy trình phân loại phế liệu. Hiện tại, cơ sở của anh Toàn hoạt động hiệu quả, hàng tháng trừ hết chi phí, anh Toàn thu về 30 triệu đồng; đồng thời, tạo việc làm cho 6 lao động, với mức lương ổn định 6 triệu đồng/tháng.

Cũng là một trong những điển hình về tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh Tô Xuân Vượt (trú tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải) lại thành công với nghề gốm sứ và vận tải. Sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội danh môi giới mại dâm và đánh bạc, anh Vượt lúc đó gần như mất đi phương hướng trong cuộc sống. “Chấp hành án từ năm 19 tuổi, vì còn trẻ nên có những cảm xúc rất khó tả. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn đầu gần như là một cú sốc với tôi. Tôi không biết phải làm gì?!. Đây như một vết nhơ khiến tôi tự ti, mặc cảm. Tôi sợ ảnh hưởng tới con cái sau này, sợ người nhà thất vọng, sợ xã hội nhiều người nhòm ngó”, anh Vượt nghĩ lại những ngày tháng khó khăn trước đây.

Trở về địa phương, anh Vượt không chỉ nhận được sự bao dung của gia đình mà đại diện các ban, ngành, đoàn thể; trong đó, lực lượng Công an xã luôn quan tâm, động viên, chia sẻ giúp anh xóa đi mặc cảm của buổi ban đầu. Bắt đầu lại từ con số không, trải qua nhiều nghề, anh Vượt dần nhìn nhận và lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Năm 2013, tận dụng khu vực Tiền Hải có làng nghề gốm sứ nhưng còn chưa phát triển, thị trường mới mẻ, anh Vượt đã đi vay mượn nhiều nơi để nhập hàng, rồi đi khắp các tỉnh miền Bắc chào hàng cho các đại lý. Những lúc bị kì thị, anh luôn tự động viên bản thân cố gắng, phấn đấu sửa sai, để chứng minh cho mọi người năng lực của mình.

Với sự động viên tinh thần của cán bộ các cấp, sự hỗ trợ từ gia đình, đến nay, anh Tô Xuân Vượt đang sở hữu một hệ thống nhà xưởng gốm sứ rộng hơn 1.000m2, cùng với 6 chiếc xe đầu kéo vận hành mảng vận tải, tạo việc làm cho hơn 10 lao động với thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, anh cũng giúp đỡ, tạo việc làm cho 2 trường hợp cũng mới chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Để mô hình “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” tại huyện Tiền Hải được triển khai một cách hiệu quả, ngay từ khi Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/8/2023, về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực, Công an tỉnh Thái Bình, Đảng ủy và lãnh đạo huyện đã chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến cho các trường hợp chấp hành xong án phạt tù tiếp cận được chính sách. Nhờ đó, các trường hợp chấp hành xong án phạt tù thực hiện thủ tục đăng kí vay vốn rất đông…

Trên địa bàn huyện Tiền Hải hiện nay có 374 trường hợp chấp hành xong án phạt tù thuộc diện cần được tổ chức công tác tái hòa nhập cộng đồng. Các trường hợp này trực tiếp được chính quyền địa phương, Công an xã quản lý và thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên để họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, hòa nhập với cuộc sống, từ đó, có niềm tin, động lực để vươn lên, phát triển.

Mô hình “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” tại huyện Tiền Hải không chỉ tạo điều kiện cho những người có khát vọng hoàn lương vơi bớt mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên mà còn tạo lập cuộc sống ổn định cho bản thân và gia đình mà còn giúp đỡ được nhiều người, trở thành những tấm gương tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời, giảm tỷ lệ tái phạm tội. Đó không chỉ là một việc làm mang tính xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc.

Bình Vân-Nhật Minh

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文