Vĩnh Phúc xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch

17:57 07/09/2023

Với những tiềm năng sẵn có, Vĩnh Phúc đang nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Hiện thực hóa mục tiêu này, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã và đang từng bước được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, trong đó có hạ tầng giao thông, xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch.

Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu thành nơi đáng sống

Tam Đảo là một trong những địa phương có số xã xây dựng thí điểm Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) nhiều nhất tỉnh, khối lượng công việc nhiều, nhiệm vụ cũng trở nên khó khăn, phức tạp. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xây dựng các LVHKM trở thành nơi đáng sống, có hạ tầng đồng bộ, kinh tế phát triển, góp phần tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch, đòi hỏi sự quyết tâm, thống nhất cao của Ban chỉ đạo và nhân dân các địa phương.

Một góc xã nông thôn mới nâng cao Bình Dương, huyện Vĩnh Tường hôm nay.

Bắt tay vào triển khai xây dựng LVHKM, huyện Tam Đảo đã xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh; xin ý kiến thỏa thuận địa điểm, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình xây dựng; quy trình thủ tục chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn chính quyền, người dân các địa phương thực hiện bộ tiêu chí, các cơ chế chính sách; quy hoạch chung, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; rà soát, đăng ký các mô hình sản xuất và khảo sát tự đánh giá đáp ứng tiêu chí tại các làng....Trong quá trình thực hiện, các đồng chí trong BCĐ huyện, tổ giúp việc thường xuyên kiểm tra trực tiếp tiến độ thực hiện, việc thực hiện các cơ chế chính sách và phối hợp với các sở, ngành rà soát thực tế; lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể, đảm bảo Nghị quyết đi vào cuộc sống, xây dựng các LVHKM thành nơi đáng sống.

Là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng với hệ thống các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhưng đến nay, trên địa bàn thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù vẫn chưa thể xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng và người dân chưa thật sự nhập cuộc. Bởi vậy, khi được chọn thí điểm xây dựng mô hình LVHKM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đạo Trù nói chung, thôn Lục Liễu nói riêng đã chủ động tranh thủ thời cơ, huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí, xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Khu thiết chế văn hóa - thể thao thuộc LVHKM Lục Liễu (xã Đạo Trù) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ảnh: Thế Hùng.

Ông Lưu Xuân Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết, sau khi thôn Lục Liễu được chọn thí điểm xây dựng LVHKM, xã đã thành lập và kiện toàn BCĐ, tổ giúp việc; xây dựng kế hoạch triển khai, họp lấy ý kiến chi bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và nhân dân trong thôn để có sự thống nhất trong việc chọn địa điểm xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao, đăng ký các mô hình triển khai trong chương trình phù hợp với đặc trưng của thôn. Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ huyện đến xã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, bảo đảm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu, đến nay, khu thiết chế văn hóa - thể thao LVHKM thôn Lục Liễu hiện đã đổ xong bê tông sàn mái nhà văn hóa đạt 100% khối lượng, đang triển khai xây rãnh thoát nước đạt 30% khối lượng, đã đổ bê tông cốt thép tấm đan đạy rãnh đạt 70% khối lượng.

Về tiến độ xây dựng khu thiết chế văn hóa thể thao LVHKM, tính đến thời điểm này, thôn đã hoàn thành việc đắp đất nền đường tuyến 1, thi công móng cấp phối đá dăm tuyến 2; xây dựng tường nhà văn hóa thôn đạt 50% khối lượng. Đối với một số chương trình hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết số 06, thôn Lục Liễu đăng ký 12/16 chính sách đặc thù. Nhằm góp phần tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng, thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động, hướng dẫn các hộ gia đình đăng ký thực hiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo 2 mô hình: Du lịch cộng đồng và du lịch Homestay, Farmstay.

Đọc sách là cách làm hiệu quả giúp ông Nguyễn Văn Thanh (ở giữa), thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương tích lũy kiến thức, áp dụng trong công việc và cuộc sống. Ảnh: Kim Ly.

Qua rà soát, thực hiện theo Nghị quyết số 06 về một số chương trình hỗ trợ đặc thù, hiện, thôn Lục Liễu đăng ký 12/16 chính sách hỗ trợ đặc thù. Cụ thể, hỗ trợ 6 mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; 8 mô hình vườn sản xuất; 14 hộ đăng ký vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ quy tập 3 ngôi mộ riêng lẻ về nghĩa trang; hỗ trợ sắp xếp lại 43 cột điện, đường dây điện hạ thế để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan; hỗ trợ đào tạo 1 nhân viên y tế thôn đạt chuẩn do Bộ Y tế quy định; hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư...

Khu thiết chế văn hóa thể thao các LVHKM còn lại, gồm thôn Bản Long, xã Minh Quang; thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý; thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương; thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trước 30/11/2023. Riêng việc triển khai các chính sách đặc thù theo nội dung của Nghị quyết số 06, thôn Bản Long đăng ký 13/16 chính sách đặc thù; thôn Đồng Bùa và Đồng Pheo 14/16 chính sách; thôn Đồng Cà 12/16 chính sách. Thực hiện các tiêu chí theo Nghị quyết số 08, thôn Bản Long, Đồng Bùa cơ bản đạt 4/14 tiêu chí; thôn Đồng Pheo 3/14 tiêu chí; thôn Đồng Cà 2/14 tiêu chí. Tính đến ngày 18/8/2023, toàn huyện đã giải ngân được 15,3/15,5 tỷ đồng, đạt 98,7% so với kế hoạch được giao. Đáng mừng, tại các thôn đang triển khai xây dựng LVHKM người dân đều tham gia ủng hộ ngày công lao động để dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, vệ sinh môi trường, ủng hộ cây xanh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng LVHKM trên địa bàn huyện còn một số khó khăn do các chủ trương chính sách mới được ban hành như quy định của siêu thị mini chưa phù hợp với địa bàn nông thôn (diện tích 200m2, có bãi đỗ xe….) hay các hộ có nhu cầu thuê chuồng trại chăn nuôi nhưng chưa có địa điểm do chưa có khu chăn nuôi tập trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành kiểm tra tiến độ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân. Ảnh Khánh Linh.

Một số chính sách đặc thù có nhiều hộ gia đình, cá nhân đăng ký (mô hình vườn sản xuất) nên việc lựa chọn mất nhiều thời gian. Việc thực hiện các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu cần nguồn lực lớn, huy động xã hội hóa chưa được nhiều do đời sống của nhân dân còn khó khăn. Công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, khó khăn trong việc phân loại rác thải rắn. Đặc biệt, việc thực hiện hỗ trợ các cơ chế chính sách cho mô hình du lịch cộng đồng, homestay, farmstay phải có trong danh mục địa điểm phát triển du lịch cộng đồng được UBND tỉnh phê duyệt, trong khi các làng ven chân núi Tam Đảo có điều kiện phát triển nhưng chưa lập hồ sơ đề nghị công nhận (đang chờ quy hoạch chi tiết của các Làng để lập hồ sơ trình phê duyệt) và đất có lợi thế thực hiện mô hình chủ yếu thuộc Vườn Quốc gia, đất lâm nghiệp, thủy lợi...

Để chương trình xây dựng LVHKM đạt hiệu quả, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch, thời gian tới, huyện Tam Đảo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào tìm các giải pháp, huy động nguồn lực thực hiện Bộ tiêu chí và các cơ chế chính sách. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện, phấn đấu đến hết năm 2023 các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu cơ bản đạt để tạo tiền đề hoàn thành vào năm 2024 và đạt các tiêu chí vào năm 2025.

Công trình khu thiết chế văn hóa thể thao “Làng văn hóa kiểu mẫu” Thụ Ích, Liên Châu (Yên Lạc) được khánh thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao toàn diện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người dân. Ảnh: Nguyễn Lượng.

Đầu tư hạ tầng giao thông tạo đòn bẩy cho phát triển

Trên địa bàn Vĩnh Phúc có hơn 1.300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang. Vĩnh Phúc còn nổi tiếng về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Thị trấn Tam Đảo được nhận giải thưởng “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022, hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt tốp 5 - sân golf được yêu thích nhất năm 2022... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Tam Đảo là Khu du lịch Quốc gia. Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, địa hình, cảnh quan, khí hậu, văn hóa, con người… đều hội tụ đủ để tạo nên những sản phẩm dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế. Để khai thác tối đa tiềm năng hiệu quả vùng đất giàu truyền thống văn hóa, đẹp về cảnh quan thiên nhiên, nhằm thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, đang tạo ra thách thức để ngành du lịch Vĩnh Phúc cần có những đổi thay và phát triển phù hợp.

Trong đó, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, tạo đòn bẩy trong phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từng bước được đầu tư hoàn thiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua với tổng chiều dài hơn 159 km; trong đó đoạn tuyến QL.2 qua địa bàn thành phố Vĩnh Yên và QL.2B đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bàn giao về tỉnh quản lý.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 55 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài theo quy hoạch hơn 255 km, đã và đang đầu tư xây dựng khoảng 191 km, còn lại khoảng 64 km đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025; 17 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 371 km, trong đó 205 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng trở lên, còn lại 166 km là đường cấp IV. Ngoài ra còn một số tuyến đường trục chính do cấp tỉnh quản lý và đầu tư như đường trục Bắc - Nam, đường trục Đông - Tây, đường trục Mê Linh và đang triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng theo quy hoạch đã được duyệt, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 8 tuyến xe buýt với 66 phương tiện hoạt động; hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh có 75 tuyến cố định với 200 phương tiện do 33 đơn vị đảm nhiệm, đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối giữa tỉnh đến các địa phương trên cả nước.

Nhà văn hóa thôn Nhật Chiêu 1, xã Liên Châu (Yên Lạc) được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa-thể thao của người dân. Ảnh: Nguyễn Lượng.

Để phục vụ cho các phương tiện công cộng hoạt động, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng 297 điểm đỗ và 103 nhà chờ xe buýt; 9 bến xe khách tại trung tâm các huyện, thành phố, trong đó có bến xe Tam Đảo đạt tiêu chuẩn bến xe loại 1, bến xe Vĩnh Yên đạt loại 2, còn lại là loại 3 và loại 4 trở xuống 24 điểm đỗ và 56 điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định của xe taxi. Từ nguồn vốn đầu tư công, tỉnh đã và đang có một số dự án giao thông lớn, trọng điểm được triển khai, đề xuất đầu tư và hoàn thành, trở thành điểm nhấn của đô thị với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính kết nối nội vùng, kết nối liên vùng, giữ vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút du lịch. Điển hình như cầu Vĩnh Phú, cầu Đầm Vạc, đường từ cầu Bì La đi trung tâm thị trấn Lập Thạch; đường từ ĐT.302 đến Đền Thõng Khu danh thắng Tây Thiên; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực Văn Quán) đến trung tâm huyện lỵ Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên; đường nối từ khu Tây Thiên đến Khu du lịch Bến Tắm; đường nối từ cầu Phú Hậu - QL2; đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường Ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với QL.2B đến Tây Thiên, đi QL.2C và Tuyên Quang; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh... Về cơ bản, mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và được các ngành chức năng thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nói chung, kết nối các tuyến điểm du lịch của tỉnh với tuyến điểm du lịch các tỉnh lân cận nói riêng còn nhiều hạn chế. Điều đáng nói, trong số hơn 80 tuyến xe buýt công cộng, vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có tuyến, nhà chờ riêng biệt để phục vụ du lịch. Đơn cử, để di chuyển từ Khu du tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên sang Khu du lịch Tam Đảo, du khách chỉ có thể sử dụng xe cá nhân, xe hợp đồng. Bên cạnh đó, tại các điểm du lịch xảy ra tình trạng thiếu các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng nghiêm trọng, điều này gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, dẫn đến tình trạng một số người dân xung quanh khu vực các khu du lịch sử dụng đất trống, đất thuộc sở hữu tư nhân làm bãi đỗ xe và kinh doanh thu phí cùng các hệ lụy khác như mất cắp tài sản, an toàn giao thông không đảm bảo đối với xe ra - vào bãi. Hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh trên địa bàn (đặc biệt là khu vực nội 2 thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên) mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe/ tổng số phương tiện hiện có, còn lại số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, hè phố, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất trống của dự án.

Để ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh các yếu tố về nhân lực, cải tạo, nâng cấp diện mạo cảnh quan, về lâu dài, tỉnh và các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần quan tâm, tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng, mạng lưới giao thông như các tuyến đường kết nối các điểm du lịch nội tỉnh, tăng cường thêm các phương tiện công cộng, xây dựng các bãi đỗ xe tại các khu du lịch...Trong tương lai, khi kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, vấn đề di chuyển của du khách trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn thì hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ có bước phát triển, khởi sắc, "cất cánh".

Nhiều tín hiệu vui trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Vĩnh Tường

Về các xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc trong những ngày tháng 9/2023, điều dễ nhận thấy là khung cảnh làng quê đã đổi thay với những ngôi nhà cao tầng, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang, sự no ấm và bình yên đang hiện hữu trong từng thôn, xóm tạo nên diện mạo mới, khí thế mới ở các vùng quê đáng sống. Như tại, xã Tân Phú, xã Bình Dương, xã Cao Đại của huyện Vĩnh Tường được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Ngũ Kiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Dọc các tuyến đường trung tâm xã, những hàng cây xanh đang khoe sắc thắm, nổi bật là những ngôi nhà cao tầng hiện đại đan xen với những ngôi nhà mái bằng khang trang san sát hai bên đường. Những con đường liên thôn, liên xóm đã được bê tông hóa sạch đẹp, phong quang và đều được lắp điện chiếu sáng. Người dân trong các xã đều vui mừng, phấn khởi trước sự đổi thay của làng quê.

Ông Đặng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, một trong những bài học kinh nghiệm để Bình Dương sớm về đích nông nông mới nâng cao là việc phát huy nội lực, khơi dậy sức dân bởi dựa vào nhân dân thì việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động được xã chú trọng triển khai đã tạo được sự đồng thuận, huy động sức dân với nhiều hình thức như hiến đất mở rộng đường; đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống đường trục xóm, hệ thống rãnh thoát nước thải; xây dựng các tuyến đường cây xanh, đường hoa… Điều đáng nói, trong tổng nguồn vốn 180 tỷ đồng đã huy động trong xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thì có tới 104 tỷ đồng do người dân đóng góp. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã cũng chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ…”.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện có 6 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trước mắt, tập trung chỉ đạo 4 xã: Yên Lập, Việt Xuân, Tuân Chính và Thượng Trưng phấn đấu thực hiện các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây là những tín hiệu vui, là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh, các LVHKM có ít nhất 1 trong các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” hoạt động hiệu quả, hưởng ứng phong trào học tập suốt đời; Quỹ Khuyến học do người dân đóng góp, hoạt động hiệu quả; có không gian đọc sách trong nhà và ngoài trời tại nơi công cộng; 100% trẻ trong độ tuổi (có đủ điều kiện sức khỏe) vào học tiểu học và hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS; không có học sinh bỏ học, vi phạm pháp luật. Tỉnh hỗ trợ mỗi địa phương xây dựng LVHKM 30 triệu đồng để xây dựng tủ sách tại khu thiết chế văn hóa-thể thao theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030. Hiện nay, các địa phương thí điểm xây dựng mô hình LVHKM trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành GDĐT tỉnh triển khai các nội dung của tiêu chí giáo dục, góp phần xây dựng xã hội học tập, đề cao giá trị của tri thức, nâng cao trình độ dân trí, hướng tới xây dựng LVHKM một cách toàn diện, vững chắc.

Trân Trân

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文