Xây dựng danh mục thuốc BHYT chi trả dựa trên bằng chứng
Đánh giá công nghệ y tế là một công cụ quan trọng trong việc xây dựng, hoạch định chính sách y tế như xây dựng danh mục thuốc thiết yếu, thuốc hiếm, danh mục thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả…
Chia sẻ tại hội thảo Cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu trong thực hiện các nghiên cứu đánh giá công nghệ y tế diễn ra vào ngày 20/6, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), cho biết, thông tin dữ liệu nói chung là nguồn tài nguyên rất quan trọng, quý báu, có giá trị thực tiễn cao với hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức thực thi trong thực tế.
“Trong lĩnh vực y tế, nguồn tài nguyên này hết sức quan trọng trong việc xây dựng hoạch định chính sách, để có nhiều chính sách tốt, khả thi đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho người dân, hoạt động của cơ quan y tế”, bà Trang chia sẻ.
Đánh giá công nghệ y tế góp phần nâng cao chất lượng, tạo lập can thiệp y tế có phi phí hiệu quả. Trong lĩnh vực y tế có nhiều hoạt động như xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị, danh mục thuốc tất yếu, danh mục thuốc được BHYT chi trả, vật tư y tế…
Đánh giá công nghệ y tế là công cụ quan trọng để kiểm soát chi tiêu của quỹ BHYT, liên quan đến vấn đề tăng nguồn thu của quỹ và giảm chi để chống mất cân bằng. Hiện nay biện pháp can thiệp để tăng thu rất khó khăn vì vậy cần tập trung vào biện pháp đổi mới các phương thức chi trả (định suất, chi trả theo trường hợp bệnh) để lựa chọn chi phí y tế hiệu quả.
“Để xây dựng các danh mục này khả thi, hiệu quả, chi phí thấp mà chất lượng vẫn đảm bảo chúng ta cần thu thập dữ liệu thông tin, đánh giá công nghệ y tế để biết được nên đưa danh mục kỹ thuật nào, thuốc nào, ở giai đoạn, phạm chi chi trả như thế nào, chi trả ở tuyến nào… Hiện nay thuốc đươc ứng dụng đánh giá công nghệ y tế sớm nhất, đầy đủ nhất”, bà Trang nói.
Chẳng hạn muốn đưa thuốc tâm thần về quản lý tại trạm y tế xã thì phải cần thu thông tin, đánh giá công nghệ y tế để biết số lượng bác sĩ ở tuyến xã, bao nhiêu bác sĩ ở tuyến này được học về tâm thần…
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó tỷ lệ bao phủ của BHYT không ngừng được mở rộng qua các năm. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT là 93,35% dân số (hơn 93,307 triệu người), quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được đảm bảo và mở rộng theo sự thay đổi về mô hình bệnh tật, được tiếp cận thêm nhiều thuốc, vật tư y tế tốt, dịch vụ kỹ thuật cao trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT, hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế.
Năm 2022, số chi khám chữa bệnh BHYT là 105,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 22%) so với năm 2021 và đã cao hơn mức chi của năm 2019.
Năm 2020, tổng số tiền đóng BHYT là 108,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2019. Năm 2021, tổng số tiền đóng BHYT là 110,0 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 nghìn tỷ đồng so với năm 2020. Năm 2022, tổng số tiền đóng BHYT là 113,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8 nghìn tỷ đồng so với năm 2021.
Theo bà Trang, Bộ Y tế mới đây ban hành tài liệu hướng dẫn đánh giá kinh tế dược. Hướng dẫn nhằm từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng báo cáo trong quá trình đề xuất, xây dựng, cập nhật danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Trong đó, có các nội dung liên quan đánh giá kinh tế y tế (thông tin thuốc được đánh giá, thuốc/công nghệ so sánh (nếu có)), báo cáo tác động ngân sách (lên quỹ BHYT, lên người bệnh (chi phí đồng chi trả))…
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT.
Ở Việt Nam, nguồn lực dành cho y tế còn hạn chế, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Điều này, đòi hỏi quỹ BHYT cần phải bao phủ nhiều dịch vụ y tế một cách hiệu quả hơn.
Đánh giá công nghệ y tế đã trở thành công cụ cần thiết được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, chính sách BHYT. Trong đó, một trong những nội dung cần tập trung là ứng dụng công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi BHYT tại Việt Nam.