Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng vẫn gian nan

08:10 02/01/2024

Sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhận thức của người dân đã được nâng cao hơn, tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam đã giảm từ 54% xuống còn 39%. Tuy nhiên, nhiều hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa bị xử phạt. Việc xử phạt các vi phạm quy định trong luật vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều vi phạm chưa được phát hiện, xử lý.

500 tin nhắn phản ánh, chỉ xử phạt được 16 trường hợp

Hút thuốc lá nơi công cộng vẫn xảy ra phổ biến, từ quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, tới bệnh viện đều có thể bắt gặp người hút thuốc lá, nhả khói phì phèo. Thậm chí, có phụ huynh trẻ cho con tới bệnh viện còn hút thuốc lá điện tử, nhả khói ngay tại khu vực khám bệnh đông người.

Hoàn Kiếm là quận trung tâm của Hà Nội, nơi có nhiều khách sạn, nhà hàng, quán bar và cũng là nơi có nhiều khách quốc tế đến tham quan, du lịch. Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc gắn biển cấm hút thuốc lá nơi công cộng được thực hiện tại 1.277 nhà hàng, khách sạn và qua kiểm tra, có 500 nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn không khói thuốc. Theo ghi nhận của phóng viên, tuy treo biển cấm, nhưng tình trạng hút thuốc lá ở nơi công cộng vẫn diễn ra. Hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng bị xử phạt hành chính từ 200.000- 500.000 đồng, nhưng xử phạt còn rất khiêm tốn.

Đoàn kiểm tra của Bộ Công an kiểm tra việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các khách sạn.

Theo ông Hoàn, vào tháng 5/2022, quận Hoàn Kiếm đã đưa vào thí điểm ứng dụng (app Vn0khoithuoc) phản ánh vi phạm về hút thuốc lá nơi công cộng trên địa bàn quận. Người dân khi phát hiện hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, các địa điểm cấm hút thuốc như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, công viên, bệnh viện, trường học… đều có thể phản ánh bằng gửi hình ảnh qua ứng dụng này để cơ quan chức năng xử lý vi phạm. 

Thế nhưng, sau hơn 1 năm thực hiện, quận Hoàn Kiếm nhận được 500 tin nhắn phản ánh của người dân qua app, nhưng chỉ xử phạt được 16 trường hợp và số tiền phạt cũng không cao, hơn 100 triệu đồng. Lý giải nguyên nhân, ông Hoàn cho biết: "Xử phạt phải có căn cứ và chứng cứ, những trường hợp có hình ảnh rõ nét, có thông tin cụ thể ngày, giờ, địa điểm, chúng tôi mới có căn cứ để xử phạt hành chính. Với những trường hợp khác, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn người dân khi thông tin đến app cần cụ thể hơn để cơ quan chức năng có căn cứ xử phạt vi phạm hành chính".

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, đây là xử phạt bước đầu, bởi số người biết về app còn ít, nên phản ánh qua ứng dụng vẫn chưa nhiều. "Tới đây chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Đoàn Thanh niên làm tốt công tác truyền thông để người dân biết về ứng dụng và vận động người dân sử dụng app", ông Hoàn nói. Riêng về xử phạt trực tiếp hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận còn hạn chế. Nguyên nhân do Hoàn Kiếm là không gian mở, đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, nên còn khó khăn trong việc tuyên truyền; người hút thuốc thấy lực lượng chức năng sẽ tránh hút, nên không có căn cứ để xử phạt; lực lượng kiểm tra, xử lý còn mỏng, vì vậy số lượng xử phạt rất ít.

Thực tế này không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà còn diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá nơi công cộng, các địa điểm bán thuốc lá ở gần trường học, bán thuốc lá cho người chưa đủ tuổi… hiện nay mới thực hiện được rất ít.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao ý thức của người dân

Sau 10 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực, từ đó thay đổi hành vi, tỷ lệ bỏ thuốc lá đã cao hơn; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, TP tích cực hơn. Cụ thể, trong 10 năm qua, Bộ Công an đã kiểm tra 3.538 cơ sở; Bộ Y tế kiểm tra 276 cơ sở; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 15 đợt kiểm tra, tiến hành kiểm tra 86 cơ sở; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức 30 đợt thanh tra tại 30 cơ sở; UBND các tỉnh cũng tổ chức hàng trăm đợt thanh, kiểm tra.

Hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Đặc biệt, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Công an đã mang lại những kết quả tích cực. Từ năm 2019-2023, các bộ phận chức năng thuộc Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh ra quân kiểm tra xử phạt các vi phạm hành chính về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2023, Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá Bộ Công an phối hợp với Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá Công an các địa phương kiểm tra xử phạt tại 117  cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh An Giang và TP Hồ Chí Minh, với số tiền xử phạt 64 triệu đồng, lập biên bản cảnh cáo và nhắc nhở 85 cơ sở, yêu cầu các đơn vị cam kết thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sau 7 ngày ký cam kết. 

Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn chưa ý thức được hết những tác hại khôn lường của khói thuốc lá đối với sức khỏe của chính mình và người thân, cộng đồng, nên vẫn hút thuốc lá nơi công cộng. Đặc biệt, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang báo động trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Theo TS Nguyễn Huy Quang, vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng thường xảy ra rất nhanh, khó xác định đối tượng, vì vậy không kỳ vọng quá nhiều vào việc xử phạt. Biện pháp trong thời gian tới là tăng chế tài xử phạt, đồng thời tăng thuế đối với thuốc lá mới mong hạn chế tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng. "Cần tạo dư luận xã hội, như thấy người hút thuốc thì phải phản đối, nhắc nhở, chứ đừng quay đi. Ban đầu chỉ 1 người nhắc nhở, sau tăng lên 2-3 người, dần dần sẽ tạo ra sức mạnh", ông Quang nói.

Để tăng số trường hợp xử phạt trực tiếp hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, tới đây quận Hoàn Kiếm sẽ có các biện pháp khác như hoá trang, nhân rộng mô hình nhà hàng không khói thuốc. Hoàn Kiếm đang triển khai bố trí dành không gian riêng cho người hút thuốc tại phố đi bộ, dự kiến đầu năm 2024 đưa vào hoạt động. Đồng thời, quận này sẽ chỉ đạo UBND các phường tăng cường kiểm tra, phát hiện những trường hợp vi phạm hút thuốc ở nơi không được bố trí các điểm được phép hút thuốc, cũng như ở các nơi công cộng khác.

Trần Hằng

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文