'Bao Công' ở trại giam Thủ Đức

10:30 23/09/2015
Dưới ánh nắng chiều vàng vọt, anh ngồi trầm ngâm. Ở Trại giam Thủ Đức, người ta gọi anh là "Bao Công". Đơn giản vì anh luôn nghiêm khắc, công tâm và hơn hết là bởi cái uy khiến nhiều người nể phục. 40 năm gắn bó với trại, anh đã từng chứng kiến biết bao sự đổi thay, từ những ngày đầu tiên đi chặt từng thân cây về làm nhà tạm, tới lúc trở thành trại giam lớn nhất cả nước. Anh là Đại tá Trần Hữu Thông - Giám thị Trại giam Thủ Đức, người đang được Bộ Công an đề nghị phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chết hụt vì… sốt rét

Vừa tròn 18 tuổi, anh rời quê hương Hà Tĩnh, trở thành một trong những người đầu tiên đi khai hoang, xây dựng Trại giam Thủ Đức. Khi đó, vùng đất Hàm Tân (Bình Thuận) chỉ là mảnh đất khô cằn sỏi đá, bốn bề rừng thiêng nước độc. Tháng 4/1976, phân trại đầu tiên (K2) chính thức được xây dựng, tiền thân là trại cải tạo Hàm Tân. Để dựng nhà, anh và các đồng đội phải vào rừng chặt cây lấy gỗ.

"Mỗi ngày chúng tôi được khoán làm một cái cột, chiều dài 5m, đường kính 25cm. Phương tiện không có, đường không có, chặt cây xong thì mấy anh em cõng gỗ trên lưng mang về. Bốn bề không một nóc nhà, đói quá thì ăn khoai lang, củ mì cho qua bữa. Không có nước sinh hoạt, anh em lại hì hục đào giếng. Phải mất gần 1 năm, Phân trại 2 mới xây dựng xong" - anh kể lại. Năm 1997, Phân trại 2 bắt đầu nhận phạm ở Tây Ninh, lúc đó chỉ có khoảng mấy chục phạm nhân. Cũng thời gian này, phân trại 1 được xây dựng với diện tích 1.000ha.

Đại tá Trần Hữu Thông.

40 năm trôi qua, vùng đất Hàm Tân rừng thiêng nước độc nay đã xây dựng xong 7 phân trại, 3 khu giam giữ. Từ vùng đất khô cằn sỏi đá, nay những cánh rừng cao su đã mọc lên bạt ngàn, xanh tốt. Trại giam Thủ Đức trở thành trại giam lớn nhất cả nước, với gần 1.300 cán bộ, giam giữ hơn 8.000 phạm nhân.

Là người đi tiên phong trong công cuộc khai hoang mở đất, anh đã trải qua không ít lần đối mặt với cái chết từ những trận sốt rét rừng. Anh bảo, ngày ấy, trong rừng nhiều trái buông. Đây là loại trái cực độc, khi rụng xuống sẽ nhiễm vào nguồn nước. Hầu hết cán bộ chiến sĩ đều bị sốt rét. Năm 1992, khi anh còn là quản giáo ở Phân trại 2, một trận sốt rét rừng đã khiến anh suýt mất mạng.

Anh nhớ lại: "Ngày ấy, tôi phải cấp cứu ở bệnh xá của phân trại suốt một tuần, điều trị các loại thuốc đều không khỏi. Mọi người đều lo lắng, bản thân tôi cũng vậy. Sau đó, có người bày mẹo dân gian, tôi làm theo mới khỏi". Nhiều đồng đội của anh cũng đã phải bỏ mạng vì những trận sốt rét như trường hợp đồng chí Minh. Hay như trường hợp đồng chí Hoàng Văn Duẩn, Võ Hồng Ngọc (Phân trại 2) đều chết tại chỗ vì bị sét đánh.

Sau ngày giải phóng, Trại giam Thủ Đức là nơi giam giữ các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Lúc cao điểm, nơi đây giam giữ hơn 10.000 phạm nhân. Khu vực Hàm Tân cũng là vùng đất ẩn náu của các đối tượng tàn quân đang cố gắng móc nối với những phạm nhân trong trại để chống phá, ám sát cán bộ. Do đó, việc quản lí số phạm nhân này rất phức tạp. Thời điểm đó, các cơ sở giam giữ chưa được xây dựng kiên cố, công tác quản lí còn lỏng lẻo nên có tình trạng phạm nhân trốn trại. Nhiều vụ, phạm nhân tổ chức bỏ trốn tập thể, thậm chí sẵn sàng bắn chết cán bộ khi bị phát hiện.

Cảm hoá phạm nhân bằng cái tâm

Khi còn là cán bộ quản giáo của Phân trại 2, anh được giao quản lí 35 phạm nhân, trong đó có 6 phạm nhân cầm đầu các tổ chức phản động. Ngày ấy, có phạm nhân tên Cường "mổ" lĩnh án 6 năm về tội cướp giật tài sản. Cường "mổ" rất ngang tàng, thường xuyên vi phạm nội quy. Phạm nhân này cũng có tới 6 tiền án vì nhiều tội khác nhau. Một lần, vợ Cường "mổ" xin được đến thăm chồng. Tuy nhiên, vì Cường "mổ" có nhiều tiền án, lại rất phá phách trong trại giam nên lãnh đạo Phân trại 2 không đồng ý cho thăm gặp.

Dù chỉ là một cán bộ quản giáo, anh đã mạnh dạn đến xin trưởng phân trại cho phép vợ Cường "mổ" vào thăm chồng. Hành động của anh đã khiến Cường "mổ" cảm động. Sau lần gặp vợ, phạm nhân này đã tập trung cải tạo, không còn những hành động phá phách. Sau khi ra trại, Cường "mổ" tu chí làm ăn và có cuộc sống gia đình khá giả.

40 năm gắn bó với Trại giam Thủ Đức, anh chứng kiến hàng ngàn số phận vì nhiều lí do khác nhau mà phải ăn cơm tù. Anh bảo, trong mỗi con người, ngay cả những tên sát nhân, không ai là hoàn toàn xấu. Người cán bộ trại giam là phải biết "gạn đục khơi trong", khơi dậy bản ngã lương thiện đang tiềm ẩn đâu đó trong mỗi con người. Giáo dục đi đôi với trừng trị. Nhân đạo nhưng luôn kiên quyết.

"Trại giam là một xã hội thu nhỏ, với đủ loại người. Giáo dục phạm nhân trước hết phải nghiêm khắc. Nghiêm khắc không có nghĩa là đánh đập mà phải chỉ cho họ thấy cái sai của mình. Khi họ cố tình chống đối thì phải xử lí. Giáo dục phạm nhân cũng phải biết phân loại bởi có những phạm nhân học thức kém, thậm chí không biết chữ, nhưng cũng có nhiều phạm nhân có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ. Muốn cảm hoá được họ, điều đầu tiên phải là cái tâm của mình" - anh chia sẻ.

Với anh, khi phạm nhân ốm đau thì dù họ có nhiều tiền án, tiền sự cũng phải coi họ là bệnh nhân. Một lần, có một phạm nhân ở Phân trại 2 bị bệnh, cần phải cho đi viện. Nhưng phạm nhân này trước đó đã bỏ trốn mấy lần nên lãnh đạo phân trại đều e ngại, sợ phạm nhân sẽ lợi dụng cơ hội đi chữa bệnh để bỏ trốn. Biết chuyện, anh lại đến thăm hỏi, động viên và cho tiền để đi chữa bệnh. Cảm động trước tấm lòng của anh, phạm nhân này đã từ bỏ ý định bỏ trốn, nghiêm túc chấp hành bản án.

Đại tá Trần Hữu Thông hướng dẫn phạm nhân trồng cây.

Ngày anh làm Trưởng Phân trại 2, có phạm nhân tên Quy, lĩnh án chung thân. Quy được giao công việc lái máy cày trong đội sản xuất. Giữa cái nắng như đổ lửa, anh cũng lên lái máy cày cùng Quy. Anh bảo, chỉ có làm như vậy mới hiểu được những tâm tư của phạm nhân. Khi hết hạn tù, phạm nhân Quy xin ở lại để "cày thêm một mùa nữa". Hay như phạm nhân tên Nguyễn Phường, thụ án 12 năm. Gia đình Phường nghèo, trong thời gian ở trại hầu như không có ai đến thăm. Vào dịp lễ tết, anh lại đến cho quà, động viên Phường cố gắng cải tạo để sớm ra trại. Đến khi được đặc xá, Phường lại xin anh "cho ở lại thêm 6 tháng".

Trưởng thành từ người chiến sĩ cảnh sát bảo vệ, anh đã trải qua mọi công việc trong trại giam, từ cán bộ quản giáo, giáo dục, tới trưởng phân trại, Phó giám thị rồi Giám thị… Anh luôn tâm niệm, nếu dùng cái ác để chống lại cái ác thì sẽ sinh ra hai cái ác. Nhưng nếu dùng cái thiện để cảm hoá cái ác thì cái ác sẽ dần bị triệt tiêu. "Khi vào tù, phạm nhân đã mất niềm tin. Nếu mình lại khiến họ mất niềm tin thêm lần nữa thì họ sẽ nảy sinh tâm lí bất cần. Phải cho họ một niềm tin, tạo cho họ lối thoát. Nhà tù không chỉ đơn thuần là nơi giam giữ mà còn là nơi cảm hoá những số phận lầm lạc, hướng họ tới sự lương thiện" - anh nói thêm. Để hỗ trợ các phạm nhân, năm 2008, anh khởi xướng quỹ "Tấm lòng vàng". Cho đến nay, Quỹ đã quyên góp được số tiền hơn 2,6 tỉ đồng để giúp đỡ các phạm nhân bệnh tật hoặc không có người nhà đến thăm.

Là người đứng đầu đơn vị với gần 1.300 cán bộ, anh luôn trăn trở về việc đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho anh em. Hiện nay, Trại giam Thủ Đức đang gặp khó khăn vì thiếu nhà công vụ cho cán bộ. Hiện trại có hơn 500 cặp vợ chồng, trong đó có hơn 100 cặp vẫn chưa bố trí được chỗ ở, phải thuê nhà hoặc ở nhà tạm. Để cán bộ gắn bó với trại và yên tâm công tác, những cặp vợ chồng mới cưới được bố trí đất trong phạm vi quản lí của trại và hỗ trợ nhân công để xây dựng nhà.

40 năm - đủ cho đời người đi gần hết vòng dâu bể. 40 năm, từ chàng thanh niên tóc hãy còn xanh, nay tóc anh đã ngả màu. Gần trọn cuộc đời gắn bó với Trại giam Thủ Đức, anh nhận ra một điều, bài học lớn nhất là bài học về nhân tình thế thái, rằng yêu thương là cho đi.

Ngày 8/9, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đã công bố danh sách và tiến hành lấy ý kiến nhân dân đối với 45 tập thể, cá nhân trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015. Theo đó, Đại tá Trần Hữu Thông (Giám thị Trại giam Thủ Đức, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an) là 1 trong 2 cá nhân được đề nghị phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng với Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Giám đốc BQL dự án 47 (Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng).
Khánh Vy - Lưu Hiệp

Ngày 3/1, Cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích, làm nhục người khác và gây rối trật tự công cộng, liên quan đến vụ nữ nhân viên ngân hàng nghi bị đánh ghen gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Rạng sáng 8/12/2024, các lực lượng đối lập ở Syria tuyên bố đã kiểm soát thủ đô Damascus, đánh dấu sự kết thúc 24 năm cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 7/2000, khép lại hơn 53 năm cầm quyền của gia tộc al-Assad (1971-2024).

Cơn sốt mang tên Nguyễn Xuân Son có thể không đơn thuần chỉ là hiệu ứng nhất thời, khi dòng người lao động quốc tế đến Việt Nam làm việc ngày càng lớn. Không ít cá nhân trong số đó đã quyết định ở lại Việt Nam định cư, đồng thời xin quốc tịch Việt Nam cho con của họ.

Ngày 3/1, TAND huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) mở phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Văn Khỏe (SN 1969, trú tại xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (GTVT) ước tính tổng nhu cầu nhân lực trực tiếp ở các khối quản lý nhà nước, quản lý dự án, tư vấn, xây lắp, vận hành cho xây dựng, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cao điểm khoảng 200.000 - 250.000 lao động, gồm: Nhân lực quản lý dự án 700 -900 cán bộ, tư vấn 1.100-1.300 lao động, xây lắp 180.000 - 240.000 lao động và giai đoạn vận hành là 13.880 lao động.

Một thông tin có thể không mới nhưng vẫn khiến nhiều người bất ngờ: Từ ngày 25/12/2024, dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng đang hoạt động. Cụ thể: "Tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin (theo: Đức Thiện-Báo Tuổi trẻ)

Thời gian gần đây, trào lưu nuôi búp bê Kumathong lại nóng trở lại. Lý do là bởi nhiều người tin rằng, khi “nuôi” một con búp bê này trong nhà thì tài lộc ngút trời, làm việc gì cũng hanh thông. Không chỉ người lớn mà nhiều học sinh cũng đua nhau tìm mua búp bê Kumanthong qua mạng xã hội về thờ cúng tại nhà, hy vọng mang lại may mắn, học giỏi.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文