Cảnh sát môi trường kể chuyện đánh án

17:51 28/11/2016
Ngỡ rằng cảnh sát môi trường sẽ không vất vả vì những pha truy bắt tội phạm đầy kịch tính của lính hình sự; phút đấu trí cam go, đối mặt giữa sự sống và cái chết của một trinh sát trên mặt trận ngăn chặn cái chết trắng...


Song câu chuyện được nghe, được kể về những lần mật phục phát hiện một cơ sở xả thải chưa qua xử lý ra môi trường; quá trình đấu tranh với các đối tượng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản của cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Hà Nam, giúp chúng tôi thêm hiểu về công việc của người chiến sỹ Công an đang ngày đêm làm nhiệm vụ, góp phần mang đến những điều thật giản dị đó là môi trường sống của mỗi người dân trong lành hơn.

1. Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Hà Nam, Đại úy Nguyễn Minh Đức mở đầu câu chuyện với một chất giọng trầm trầm. Hành trình về quá trình dày công trinh sát, bắt giữ một cơ sở sơ chế thịt lợn chết cung cấp cho các chợ đầu mối được phát hiện vào những ngày giữa năm 2016.

Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam phát hiện một vụ vi phạm về Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vụ việc bắt nguồn từ thông tin trinh sát về một đối tượng kinh doanh thực phẩm bẩn. Đối tượng đã thu mua lợn chết của các trang trại với cái giá rẻ mạt. Sau đó đưa vào sơ chế rồi mang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối, bếp ăn của công nhân và học sinh, cán bộ Phòng PC49 Công an tỉnh Hà Nam bắt đầu một cuộc kiếm tìm.

Đầu mối bắt đầu từ huyện Bình Lục (Hà Nam), nơi tập trung đông các hộ gia đình chăn nuôi gia súc. Trong quá trình trinh sát, lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh Hà Nam đã phát hiện một lỗ hổng rất lớn.

Trong quá trình chăn nuôi do những rủi ro về thiên tai, nhiệt độ, dịch bệnh, có hộ gia đình cùng lúc mất đi hàng trăm con lợn giống. Một số đối tượng sau đó đã xin về làm thức ăn cho gia cầm nhưng một số lại lén lút sơ chế, bán cho một số chợ đầu mối ở Nam Định...

Những ngày đó, từ sớm tinh mơ, các trinh sát Đội 4, Phòng PC49 đã có mặt ở các khu chợ, bí mật nắm bắt thông tin.

Hơn một tháng trinh sát, những thông tin về vụ việc dần được hé lộ, họ xác định được đầu mối là Trần Định Tịnh (48 tuổi, trú tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục), một người từng làm nghề buôn bán lợn con. Khi thấy thịt lợn chết vứt ở bên ngoài các cơ sở chăn nuôi, Tịnh hám lời đã bí mật thu mua rồi vận chuyển về nhà sơ chế.

Vào những lúc cao điểm của dịch bệnh, mỗi ngày gia đình này thu được hàng tấn thịt lợn chết. Biết rõ hành vi trên vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm nên Tịnh và những người thân trong gia đình cảnh giác trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ, tránh sự phát hiện của lực lượng Công an. Việc tính toán thời điểm bắt giữ của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam vì thế cũng khó khăn hơn.

Tịnh thường giao hàng từ 4-5 giờ sáng. Mỗi ngày từ 3-5 tạ, rất cẩn trọng trong quá trình giao dịch. Một đêm trước thời điểm quyết định phá án, cán bộ Phòng PC49 trắng đêm không ngủ, lựa chọn thời cơ.

Đúng như quy luật khoảng 4h hôm đó, con gái ông Tịnh dùng xe máy chở hàng đến Nam Định. Ngay lúc này, mũi trinh sát tại Vũ Bản đã thông báo cho lực lượng trinh sát, bắt quả tang đối tượng cùng tang vật là 90kg thịt lợn chết.

Cùng thời điểm này, mũi còn lại ập vào nhà ông Tịnh. Vào thời điểm kiểm tra, trong nhà có 7 tủ bảo ôn, bên trong có gần nửa tạ thịt lợn chết, chưa kịp đi tiêu thụ. Qua đấu tranh, xác định đối tượng còn dùng thịt lợn chết để làm giò, chả và ruốc...

Mỗi lĩnh vực của lực lượng Cảnh sát môi trường lại có những khó khăn riêng. Song cam go nhất có lẽ vẫn là đấu tranh với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã, chúng manh động, liều lĩnh và cũng tinh vi không khác gì tội phạm hình sự và ma túy.

Bởi một số chủng loại động vật bị khai thác nằm trong danh mục cấm, được quy định của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp bị phát hiện, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vì thế, để tránh bị "sờ gáy", chúng tìm mọi thủ đoạn để đối phó. Hàng hóa được vận chuyển bằng xe khách, giấu trong các thùng xốp được giữ đông lạnh bằng những chai nước đá; để che đậy, một số đối tượng còn dùng dầu gió vẩy lên hàng hóa, vẻ bề ngoài như một khách du lịch.

Để phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm, phải dày công trinh sát; việc lựa chọn, thời điểm phải được tính toán một cách tỷ mỷ.

Cho đến bây giờ, cán bộ Phòng PC49 Công an tỉnh Hà Nam vẫn không quên lần phối hợp với Cục C49 phát hiện đường dây vận chuyển 4 tạ động vật quý hiếm từ Nghệ An ra Hà Nội tiêu thụ...

Ngay khi nhận tin, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã triển khai lực lượng. Nhóm đối tượng nghi vấn đi trên chiếc xe ôtô đắt tiền, còn anh em chỉ có chiếc xe cà tàng bám khói phía sau.

Có lúc chúng vọt lên cũng có khi lại đi chậm lại hòng tránh sự phát hiện của lực lượng đeo bám. Trong tình huống ấy, việc lựa chọn thời điểm chỉ tính bằng phút...

Sau khi cân nhắc, họ quyết định chọn khu vực trạm thu phí nơi đối tượng sẽ cho xe ôtô đi với tốc độ chậm hơn.

Đúng như phán đoán, phát hiện bị vây, bắt đối tượng dùng xe ôtô đâm thẳng vào đầu xe của lực lượng làm nhiệm vụ, sau đó thì tháo chạy nhưng đã bị bắt giữ. Với các đối tượng buôn bán lâm sản cũng vậy, chúng xé lẻ vận chuyển... Khi bị phát hiện thì điên cuồng chống trả...  

2. Thời gian thấm thoát thoi đưa, lực lượng phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã thành lập được 8 năm.

Những ngày đầu, đơn vị chỉ có 14 cán bộ chiến sỹ, được lấy từ các đơn vị khác nhau như hình sự, ma túy;  lĩnh vực môi trường khi ấy tất cả đều mới mẻ... Anh em phải lên mạng Internet tìm tòi các tài liệu, tự tìm hiểu lĩnh vực môi trường là gì.

Trung tá Trần Hữu Tăng, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm về môi trường trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm và các lĩnh vực khác chia sẻ với chúng tôi về một vụ án đầu tay, cũng là một dấu ấn khó quên của Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam.

Khoảng thời gian đó, đơn vị vừa thành lập. Cùng với việc tham gia tập huấn, anh em trinh sát đã tăng cường công tác quản lý địa bàn. Trong quá trình làm nhiệm vụ tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam), lực lượng trinh sát phát hiện tại một cơ sở sản xuất thép có rất nhiều vỏ đầu đạn...

Sau khi trao đổi thông tin với Ban chỉ huy Công an huyện, các anh biết trong vỏ đầu đạn này có chứa nhiều chất rất độc hại, phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Sau sự việc này, Ban chỉ huy đã tiến hành thu giữ, tiêu hủy với số lượng hơn 2 tấn...

Vạn sự khởi đầu nan, từ sự bỡ ngỡ ban đầu, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã dần thích nghi với công việc. Cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đã chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, triển khai các phương án phòng ngừa, điều tra khảo sát toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Từ đó, xây dựng kế hoạch tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh đề xuất với UBND tỉnh có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi có nguy có gây ô nhiễm môi trường; triển khai các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép, khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm môi trường khác...

Bên cạnh đó đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm lâm, ngành Công thương, thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường, chính quyền các địa phương làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện 68 đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, số tiền xử phạt hành chính hơn 800 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là việc xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường trong các khu công nghiệp.

3. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Hà Nam bộc bạch: Môi trường là một lĩnh vực mới khác với tội phạm hình sự và ma túy.

Nếu đối tượng hình sự, ma túy có khung hình phạt cụ thể, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, có thể định hướng và áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam thì lĩnh vực của môi trường chỉ là xử phạt hành chính.

Rồi đối tượng đấu tranh của Cảnh sát môi trường cũng có những đặc thù, đó có thể là bất kỳ ai, một giám đốc doanh nghiệp hay có khi chỉ là một người bán hàng ăn bình thường, một người nông dân...

Một số trường hợp, khi bị phát hiện còn chưa hiểu Luật Môi trường là gì; tỏ vẻ ngạc nhiên khi bị lực lượng Công an xử lý.

Vì lợi nhuận, các đối tượng khai thác cát trái phép vẫn lén lút thực hiện hành vi phạm tội; rồi còn đó là những kẻ sản xuất hàng giả, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm...

Cuộc chiến phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của những cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam vẫn còn đầy cam go, phức tạp.

Với một nỗ lực không ngừng, các cán bộ ở nơi đây vẫn bằng tâm huyết của mình góp phần giữ vững môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nhưng vẫn giữ sự trong sạch của vùng quê.

Xuân Mai

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文