Lính hình sự miền cát trắng

08:00 17/12/2014
Nắng, gió xứ Phan Rang làm nước da anh đen sạm, chất lính hình sự ở miền cát trắng khắc nghiệt này đã vận vào máu anh từ ngày mới bước chân vào nghề. Ở anh, có một nụ cười đời thường không lẫn vào đâu được và có cả sự cương nghị, rắn rỏi, quyết đoán của một trinh sát dạn dày gió sương.

Từ anh công nhân đến trinh sát hình sự

Chúng tôi gặp Đại úy Phan Văn Hoan – Đội trưởng Đội Điều tra, Công an huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) vào buổi chiều nắng phơi bạc màu áo xanh thân thuộc của người lính hình sự. Anh dí dỏm trong những mẩu chuyện đời thường nhưng lại khiêm tốn khi kể về công việc và những chiến công của mình suốt 9 năm lăn mình trên mỗi gốc cây, con suối của các bản làng người Chăm, Raglai ở Ninh Thuận.

Nghiệp Cảnh sát hình sự đến với anh như duyên nợ, nhưng lắm gian khổ và nhọc nhằn. Là dân gốc Bắc, học xong phổ thông, anh thoát li gia đình vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân trong khu công nghiệp. Ba năm làm công nhân chỉ cho anh đủ miếng ăn qua ngày, anh quyết tâm ôn thi. Năm 1999, anh thi đậu vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 2. Sau hai năm rèn luyện trong trường, anh được phân công về Công an huyện Ninh Hải, là cán bộ điều tra, rồi điều tra viên. Năm 2005, anh được điều về công tác tại Công an huyện Thuận Bắc, tiếp tục phát huy thế mạnh và tình yêu nghiệp hình sự. Huyện Thuận Bắc nằm trong diện 116, diện đặc biệt khó khăn về kinh tế, với trên 70% đồng bào dân tộc thiểu số, là địa bàn nằm trên tuyến QL 1A, có đường sắt Bắc – Nam chạy qua. Tội phạm hình sự ở đây cũng vô cùng phức tạp, khó lường.

9 năm làm hình sự ở huyện Thuận Bắc, Đại úy Phan Văn Hoan chẳng thể nhớ nổi có bao nhiêu vụ án anh tham gia giải quyết và trực tiếp đi đánh án. Có một vụ mà anh còn nhớ rõ trong lần chống gậy vượt rừng, vượt suối từ Ninh Thuận về Khánh Hòa truy bắt tên hung thủ Mang Ninh, người Raglai.

Vào khoảng 23 giờ, ngày 3/2/2009, nhận được tin báo tại đập tràn, trên địa phận xã Phước Chiến một nạn nhân nữ bị đập chấn thương sọ não và cướp mất xe máy. Ngay trong đêm, Đại úy Hoan cùng một số anh em trinh sát đã đến địa bàn xác minh. Qua mô tả nhân dạng của nạn nhân, cùng các biện pháp nghiệp vụ, sau khi khoanh vùng đối tượng khả nghi, tổ trinh sát xác định được tên Mang Ninh (SN 1980, trú tại Cam Ranh, Khánh Hòa) chính là hung thủ gây án. Mang Ninh thường xuyên qua bên Thuận Bắc để ăn nhậu và tán gái, ăn chơi hết tiền, cùng quẫn quá, hắn nảy sinh ý định cướp xe máy để có tiền tiêu xài. Sau khi gây án, không thấy hắn bén mảng đến khu vực đập đá như mọi ngày. Tổ trinh sát của Công an huyện Thuận Bắc lập tức lên đường tới Cam Ranh phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương bạn để truy tìm hung thủ. Khoảng 4 giờ sáng, tổ trinh sát có mặt tại khu vực chòi rẫy nằm sâu trong rừng, được cho là tên Mang Ninh đang ẩn náu.

Xe phải để cách đó 3km, các trinh sát lần mò đi bộ vào trong rừng. Trời tối, đường rẫy ngổn ngang hố hầm, bụi rậm, cây cọc…Các trinh sát nắm lấy áo nhau mà bước, người này lần theo dấu chân người kia nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật, giữ im lặng. Khu vực Mang Ninh ở toàn người quen của hắn, bất cứ động tĩnh gì bên ngoài là có người cấp báo cho hắn ngay. Các trinh sát vừa đi vừa căn trời, phải đánh nhanh rút gọn khi trời chưa sáng. Cách chòi của Mang Ninh khoảng 50m, tổ trinh sát hội ý nhanh rồi chia làm các mũi bao vây, phong tỏa xung quanh căn chòi, không cho Mang Ninh tìm được khe hở nào để chạy thoát. Đại úy Hoan cho biết: “Ở địa thế rừng núi hoang sơ, lại là địa bàn quen thuộc của Mang Ninh nên chỉ cần có động là hắn vọt chạy. Bà con thấy người làng mình bị bắt ắt phản ứng, sẽ gây khó khăn cho công tác phá án. Vì thế, anh em trinh sát phải hành động bí mật”.

Đại úy Phan Văn Hoan

Tiếp cận được căn chòi của Mang Ninh đang ẩn nấp, tổ trinh sát tỏa ra các hướng bao vây. Cử một cán bộ xã người Raglai tiến lại gõ cửa gọi Mang Ninh. Tuy nhiên, Mang Ninh rất tỉnh táo, hắn biết ngay có người lạ đi cùng nên cố thủ bên trong. Ngay lập tức, mũi tiến công phía ngoài phá cửa xông vào khống chế Mang Ninh khi hắn chưa kịp trở tay. Công việc dẫn giải Mang Ninh diễn ra khẩn trương, vượt qua các con suối về tới UBND xã sớm nhất, tránh để cho bà con biết. Mang Ninh phải cúi đầu nhận tội trước bằng chứng không thể chối cãi, chiếc xe máy cũng được thu hồi trả lại cho nạn nhân. Chỉ trong vòng ba ngày, đi đêm về hôm, trèo đèo lội suối với lòng quyết tâm của tổ trinh sát, hung thủ phải tra tay vào còng, mang lại niềm tin cho nhân dân miền cát trắng. Hỏi Đại úy Hoan, đi rừng như vậy mà gặp rắn rết thì phải làm sao? Anh dí dỏm trả lời: “Thì phải chịu chứ làm sao, đó là tai nạn nghề nghiệp mà. Làm lính hình sự thì phải chấp nhận tất cả những điều đó”.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, chốc chốc điện thoại của anh lại reo lên. Có tin báo án, có tin cướp giật… Anh phải dừng buổi nói chuyện chỉ đạo anh em đi bắt cướp, đi chở tang vật…

Ăn cơm bụi, ngủ chuồng bò

Cách đây 7 năm, xảy ra những vụ trộm trâu, bò liên tỉnh từ Bình Thuận qua Ninh Thuận khiến quần chúng nhân dân vô cùng hoang mang. Con bò, con trâu là tài sản có giá trị nhất trong nhà, vậy mà trong một đêm, có hộ gia đình bị trộm ghé thăm hốt sạch cả đàn. Tiếng kêu cứu vang trời, nước mắt người dân khóc ròng cầu cứu Công an. Xét thấy mức độ phức tạp và nghiêm trọng của vụ việc, ngày 25/6/2007, Công an huyện Thuận Bắc xác lập chuyên án 007B phối hợp với Công an các địa phương, quyết tâm đấu tranh triệt phá đường dây trộm bò liên tỉnh này. Các trinh sát được lệnh tung vào địa bàn, mật phục, theo dõi, thậm chí đóng vai những người đi buôn bò nhằm thu thập chứng cứ. Hầu như đêm nào, Đại úy Hoan cùng các anh em phải mai phục ở chuồng bò, muỗi đốt, ve cắn không đáng sợ bằng mùi phân bò, nước đái bò nồng nặc sộc thẳng vào mũi. Đại úy Hoan bảo, ám ảnh đến mức, có trinh sát không nuốt nổi chén cơm. Hai năm ròng rã án binh trong các trại bò, vẫn chưa tiếp cận được mắt xích trong đường dây trộm bò liên tỉnh. Bọn trộm rất ma mãnh, hôm nay chúng hành động ở Bình Thuận thì ngày mai dân Ninh Thuận kêu mất bò. Đại úy Hoan phân tích: “Chúng sử dụng xe tải loại 1,5 tấn hoặc xe lam ba bánh để chuyên chở. Nhờ lợi thế đường tiếp giáp với QL1A, nên việc tẩu tán số bò ăn trộm được rất nhanh và gọn”.

Chuyên án 007B bị gián đoạn trong hai năm, vì bọn trộm bò chuyển vị trí và phương thức hành động. Thế là bao nhiêu công sức của anh em đành ngậm ngùi nén lại. Năm 2008, nạn trộm trâu bò tiếp tục tái diễn trên địa bàn. Ban chuyên án nhận định, bọn trộm sẽ tái xuất giang hồ, tiếp tục khởi động lại chuyên án. Ngoài mũi trinh sát mật phục ở các trang trại, các chuồng bò nhà dân, một mũi khác đóng giả là những lơ xe khách đường dài chạy từ Ninh Thuận về Khánh Hòa. Cung đường đêm, các loại xe đua nhau lao vun vút, khói bụi và sự hiểm nguy khôn lường. Ròng rã mấy tháng trời, ăn cơm bụi, ngủ chuồng bò, bền bỉ theo dõi, mật phục, Ban chuyên án quyết tâm phải tìm ra thủ phạm để đưa chúng ra ánh sáng.

Vào khoảng 1 giờ sáng một ngày giữa tháng 5 năm 2009, tổ trinh sát phát hiện một xe tải chở trâu bò mang biển số 79 (Khánh Hòa) có dấu hiệu khả nghi đang lưu thông qua huyện Thuận Bắc. Cơ quan chức năng yêu cầu dừng xe, thực hiện việc kiểm tra. Không ngờ đây chính là số trâu bò ăn trộm được từ Ninh Thuận đang trên đường về Khánh Hòa để tiêu thụ. Kẻ cầm đầu trong các vụ trộm trâu bò liên tỉnh nhanh chóng sa lưới, hắn là Huỳnh Văn Hòa (SN 1971, ngụ Hàm Thuận Bắc – Bình Thuận). Huỳnh Văn Hòa khai nhận, hắn đã thực hiện 12 vụ trộm trâu bò với số lượng hàng trăm con trót lọt trong một thời gian dài.

 Chuyên án kết thúc sau 3 năm đấu tranh kiên trì, gian khổ, có những thời điểm tưởng như rơi vào bế tắc vì bọn trộm án binh bất động. Các trinh sát thở phào nhẹ nhõm, những giấc ngủ của bà con xóm làng được trả về bình yên, trọn vẹn. 

Gần 10 năm gắn bó với bà con đồng bào Raglai, Chăm ở Thuận Bắc, dường như tình yêu đã ngấm vào máu thịt người lính hình sự Phan Văn Hoan. Vợ con anh ở Phan Rang, cách nơi anh làm việc 30 cây số. Trừ những ngày trực đơn vị, còn lại anh đều đặn chạy xe về tổ ấm của mình. Với anh, như thế đã là hạnh phúc.

Ngọc Thiện

Lực lượng chức năng thu giữ gần 7,2 nghìn thành phẩm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; khoảng 20 nghìn tem nhãn các loại; gần 1 nghìn chai nhựa; 300 kg nguyên liệu gồm nắp nhựa, màng siu, thùng nhựa chứa dung dịch chất lỏng cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả.

Các đối tượng trong vụ án còn liều lĩnh phát hành hợp quy “khống” cho các thang máy, thiết bị sàn nâng người của các công trình xây dựng chung cư cao tầng phục vụ dân sinh. Việc làm trên của các đối tượng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người lao động, người sử dụng thiết bị máy móc và người dân.

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, nhưng sữa bột giả đã tung ra khắp các tỉnh, thành khi "hệ sinh thái" của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood Group) và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) mở các chi nhánh ở nhiều địa phương. Tại Hòa Bình, các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm. Sữa giả không chỉ thuê người nổi tiếng quảng cáo, mà còn được đưa vào cơ sở y tế bán cho người bệnh.

PV Báo CAND băng theo lối mòn đã hằn dấu vết chân người, len giữa những thân cây còn vương nhựa mủ bị cứa bởi rìu, nghe mùi đất mới trộn lẫn với mùi xăng dầu hắt lên từ hốc đá. Rừng Vĩnh Ô, nằm ở Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng là vành đai phòng hộ của cả một vùng đầu nguồn, giờ thở dốc dưới những mái lán phủ bạt xanh, những hầm hố khoan sâu vào lòng đất như vết thương không bao giờ lành miệng.

Theo đề xuất, giai đoạn 2016 - 2030 xét đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 46 dự án năng lượng được đưa vào quy hoạch để xây dựng, bổ sung khoảng 14.500MW vào nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm kể từ khi dự án điện mặt trời đầu tiên được chấp thuận đầu tư, đến nay trên địa bàn mới chỉ có 2 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, số còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Vườn Cau Đỏ (nay thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vùng chiến khu. 50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (17/4), ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ như: Yên Châu (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37,4 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất, phổ biến 55-60%.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.