Tết của những người “gieo mầm thiện”

07:00 19/02/2015
Để cho phạm nhân có những ngày Tết ấm áp, lành mạnh mà trại vẫn đảm bảo công tác an ninh, an toàn, phạm nhân không vi phạm nội quy, quy chế trại giam, thân nhân không lợi dụng thăm nuôi để tuồn ma tuý hay vật dụng trái phép vào trại giam, hơn 1.000 cán bộ Trại giam Z30D thì 90% đều phải trực Tết.

Tết ấm áp cho những người lầm lỡ

Thời điểm Tết cổ truyền của dân tộc là dịp sum họp gia đình. Nhưng việc thiếu gương mặt người cha, người mẹ đã trở nên không còn xa lạ của nhiều gia đình quản giáo ở Trại giam Z30D. Dù ở thời khắc thiêng liêng, đẹp nhất của một năm, họ vẫn không quên nhiệm vụ, hi sinh thầm lặng niềm vui bản thân để đổi lại những “mầm thiện” được gieo trồng.

Đối với cán bộ, chiến sỹ Trại giam Z30D, trực Tết đã thành “chuyện thường nhật”, vì vậy nếu đặt câu hỏi: “Tết không về, gia đình có trách không?” thì ai ai cũng cười xòa. Bởi ngày Tết là thời gian cao điểm của giám thị và quản giáo. Không đơn thuần tăng cường lực lượng để đảm bảo công tác an ninh mà đây là khoảnh khắc nhạy cảm, dễ xao động của các phạm nhân. Vì vậy, cán bộ quản giáo vừa phải kiểm soát phạm nhân vừa quan tâm, gần gũi hơn để họ không khỏi mặc cảm.

Tết đến xuân về vẫn là lúc “phần thiên lương” trong mỗi người được thức tỉnh. Họ nhớ về những cái Tết ngoài cánh cửa nhà tù, nhớ người thân, cuộc sống tự do, ân hận, ăn năn về hành vi phạm tội của mình. Hiểu được tâm lý phạm nhân, để họ phần nào yên tâm cải tạo, tạo không khí gia đình sum vầy ấm cúng, công tác lo Tết cho phạm nhân được quán triệt và thực hiện chu đáo từ rất sớm.

“Tổ chức được cho phạm nhân một cái Tết ấm áp, vui vẻ cũng là cách giúp họ sớm hoàn lương. Tết càng ấm áp càng có ý nghĩa trong việc thức dậy nỗi khát khao đoàn tụ gia đình trong mỗi tù nhân. Đón xuân này, họ hi vọng vào những xuân sau, sẽ đón giao thừa ở gia đình chứ không phải trong đất trại”, một Giám thị Z30D cho biết mục đích ý nghĩa của việc tổ chức đón Tết trong trại chu đáo cho phạm nhân. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, các cán bộ, phạm nhân trong trại giam đã tất bật lo chuyện đón Tết.

Ở phân trại K5, nơi quản lý hơn 900 phạm nhân. “900 con người, 16 loại tội danh, đủ các mức án, nặng có, nhẹ có, nhiều phạm nhân nhiễm HIV… Ban giám thị giao cho các phân trại tổ chức các hoạt động vui chơi, đón xuân và lo chế độ cho phạm nhân đầy đủ, chu đáo. Phạm nhân được nghỉ 6 ngày, được ăn uống gấp 5 lần ngày thường, được gia đình, thân nhân tới tiếp tế, thăm nuôi.

Trại giam đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giữa các phạm nhân với nhau, tổ chức các cuộc thi để cá nhân các phạm nhân được trổ tài. Lúc này, ai có năng khiếu về bộ môn nào thì có quyền lựa chọn, sau đó thách đấu với bạn tù khác. Nam thì thi đấu bóng chuyền, bóng đá mini, bóng bàn, đánh cờ vua, cờ tướng; nữ thì hát hò, kéo co, may vá thêu thùa và đánh cầu lông.

7 phân trại trong Z30D, các phạm nhân đang tất bật chuẩn bị đón Tết. Dường như khoảng cách giữa phạm nhân và cán bộ quản giáo được thân gần, thoải mái hơn. “Vào ngày mùng 1 Tết, chúng tôi cùng ăn cơm với phạm nhân, chúng tôi chúc Tết họ và họ chúc Tết lại chúng tôi” (Đại tá Trần Văn Hạnh – giám thị phụ trách K5 chia sẻ). Phạm nhân được đón Tết vui vẻ thì họ yên tâm cải tạo hơn, không chống đối, vi phạm. Ngày Tết, Trại giam Z30D cố gắng tạo cho họ cảm giác gần gũi vì càng gần gũi với phạm nhân bao nhiêu thì họ càng cảm thấy được quan tâm, bớt đi mặc cảm, hy vọng vào ngày mai có thể hoàn lương, hoà nhập với cộng đồng”...

Tại K1, nơi quản lý hơn 1.500 phạm nhân cả nam và nữ, tội phạm người nước ngoài, phạm nhân được tổ chức thi hát karaoke, thi hái hoa dân chủ, thi đấu bóng chuyền, bao bố, kéo co. 11 cháu bé là con của các nữ phạm nhân được chăm sóc đặc biệt và đều có quà Tết. Các giám thị phụ trách K1 cho biết, trại đã gói xong bánh chưng, chế độ 5kg thịt cho mỗi phạm nhân ăn Tết cùng nhiều chế độ theo quy định của Nhà nước và phân cho thêm của trại đều đã đến tay phạm nhân một cách chu đáo.

Z30D không chỉ tăng cường cán bộ quản giáo mà chiến sĩ, giám thị phụ trách công tác giáo dục, dạy nghề cũng chỉ 10% được nghỉ Tết. Những ngày Tết, các buổi hội nghị đối thoại trực tiếp với phạm nhân được diễn ra đều đặn tại từng phân trại. Tại hội nghị, phạm nhân báo cáo công tác năm, phương hướng của năm tới, đề xuất, kiến nghị với Ban giám thị những phương hướng năm tới. Phạm nhân có thắc mắc gì về chế độ, chính sách và các vấn đề về quản lý phạm nhân sẽ trực tiếp đặt câu hỏi để cán bộ quản lý trả lời. Đồng thời đây cũng là dịp tuyên truyền, trấn an tinh thần các phạm nhân để đón Tết lành mạnh.

Ăn Tết cùng phạm nhân, chia sẻ tâm tư, tình cảm với những người mặc áo tù, cán bộ, chiến sỹ Trại giam Z30D luôn trăn trở trước tình cảnh đáng thương của nhiều phạm nhân bị gia đình bỏ rơi, không thăm nuôi, những bệnh nhân mang trọng án lại thêm trọng bệnh sống lủi thủi đầy mặc cảm. Đại tá Hạnh chia sẻ, càng ngày đối tượng không có thân nhân lên thăm nuôi càng nhiều, toàn trại có trên 7.400 phạm nhân thì có tới hơn 500 phạm nhân không có người lên thăm nuôi.

“Chúng tôi thường xuyên trò chuyện với những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhắc nhở họ phải thông cảm cho hoàn cảnh gia đình mình, vì gia đình mình hiện tại cũng có những khó khăn nên không thể đến thăm nuôi được. Nhất là vào dịp lễ Tết, những phạm nhân không có thân nhân thăm nuôi, trại có chế độ riêng quan tâm, tặng quà để họ không thấy mình bị bỏ rơi mà chán nản dẫn tới chống đối, vi phạm quy chế trại giam”, Đại tá Hạnh nói. Số bệnh nhân phải điều trị bệnh thường xuyên ở bệnh xá, bệnh viện, phạm nhân không có người thăm nuôi, không có quà đều được cán bộ quan tậm đặc biệt trong dịp Tết.

Vẫn đầy đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, cũng mâm ngũ quả, có điều phạm nhân trong tù thường ăn Tết sớm hơn và cũng có những đặc trưng riêng.

Sự hi sinh thầm lặng để đổi lại những “mầm thiện” được gieo trồng

Để chặt chẽ trong từng khâu chuẩn bị đón Tết, đảm bảo cái Tết an toàn, ấm cúng cho phạm nhân, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Z30D đều không được lơ là và nghỉ Tết như các công nhân viên. Hơn 1.000 cán bộ thì 90% trong số đó đều phải đón Tết cùng phạm nhân. Thiếu tá Trịnh Thị Quế, Phó giám thị phụ trách công tác giáo dục, dạy nghề cho biết, tại Trại giam Z30D có 12 giám thị và hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên. Trong dịp Tết Nguyên đán, chỉ có 10% cán bộ, công nhân viên được nghỉ, còn lại đều trực Tết, 12 giám thị của trại 100% trực Tết.

Đại tá Trần Văn Hạnh dí dỏm chia sẻ, 26 năm qua anh đều trực Tết, đón giao thừa với phạm nhân, còn chuyện Tết nhất ở nhà đều nhờ vào tay vợ con. 3 ngày Tết, năm nào tới lượt thì được chạy qua nhà ăn với vợ con một bữa cơm, sau đó lại “vào trại”, cũng có năm sau rằm tháng Giêng mới tới lượt được nghỉ.

Với những cán bộ Trại giam Z30D họ phải đón Tết muộn là lẽ thường tình từ lâu nay. Có “thâm niên” 35 năm đón Tết trong trại giam, Đại tá Nguyễn Xuân Thường nửa đùa nửa thật tâm sự, phạm nhân còn được “ân xá tha tù” chứ giám thị thì “chung thân ăn Tết trại giam” rồi. 35 năm qua, dẫu nhà chỉ cách trại giam chưa tới 3km nhưng Đại tá Thường hiếm khi tạt được qua nhà để thắp nén hương lên ban thờ tổ tiên.

Gia đình Thiếu tá Trịnh Thị Quế còn “hoàn cảnh” hơn bởi cả hai vợ chồng cùng công tác trong trại giam nên ngày Tết họ thành “vợ chồng ngâu”, năm nào chồng về thắp hương giao thừa thì vợ trực giao thừa ở trại và ngược lại. Mà ngay cả khi về nhà để làm bổn phận “người phụ nữ trong gia đình” thì hiếm khi Thiếu tá Quế làm được cơm tất niên vào chiều 30 Tết bởi có được ưu tiên cũng 9 giờ đêm mới về tới nhà, vội vàng làm được mâm cơm cúng thì cũng tới thời khắc giao thừa.

Ngày xuân, trong cả 7 phân trại của Trại giam Z30D tràn ngập sắc vàng, sắc tứ quý, từng nét thận trọng trong bức tranh Đông Hồ được phạm nhân vẽ trên các bức tường làm mùa xuân thêm nở rộ, nhưng đẹp hơn cả vẫn là tình người ấm áp, trong chiếc bánh chưng xanh được gói lên bởi bàn tay từng gây tội ác, trong hộp sữa, cân đường, gói bánh mà cán bộ trại chắt chiu, dành dụm mua tặng cho những phạm nhân không người thăm nuôi…

Để có những ngày Tết sum vầy, an lành bên trong song sắt nhờ công lao không nhỏ, sự hy sinh, trách nhiệm thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ đang hết mình trong công cuộc gieo trồng những “mầm thiện”, trả lại cho xã hội những con người biết hoàn lương…

Yến Thanh

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文