Thầy giáo trường làng trở thành giám khảo quốc tế tiếng Anh Cambridge

16:19 15/11/2017
Thầy giáo Lê Văn Lượng, Trường tiểu học Vĩnh Chấp là một trong số 5 người ít ỏi vượt qua kỳ thi tuyển giám khảo quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge do Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge thuộc Trường Đại học Cambridge Vương quốc Anh tổ chức tại Huế.

Thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp nằm sát làng trạng Vĩnh Hoàng nổi tiếng (thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Nhưng tính cách con người ở hai ngôi làng này khá khác xa nhau! Nếu như người Vĩnh Hoàng hay cường điệu những sự việc trong cuộc sống thì người Bình An ngược lại, họ bao giờ cũng khiêm tốn khi nói đến những việc mình làm được. 

Bởi vậy, khi hỏi về thành tích dạy học, thầy giáo Lê Văn Lượng, người ở thôn Bình An thường chỉ trả lời: "Em chỉ biết dạy học trò hết mình!". Song có một điều rất thú vị, các đồng nghiệp của anh đã trải lòng thật như đếm, ví trình độ tiếng Anh của thầy Lượng còn hơn cả… chuyện trạng làng Vĩnh Hoàng!

Bạn của chúng tôi, cô Thùy Trang, giáo viên Trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đông Hà (Quảng Trị) kể về thầy Lượng bằng sự mến mộ. Sau nhiều lần gọi điện, thuyết phục, thầy Lượng mới đồng ý để chúng tôi gặp, tìm hiểu về các kết quả học tập và dạy học của thầy, nhất là việc từ một giáo viên trường làng, lại dạy học sinh bậc tiểu học, đã thi đỗ và trở thành giám khảo quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge.

Tuy nhiên, chúng tôi không đến Trường tiểu học Vĩnh Chấp mà đến trường THCS xã này nằm sát bên. Thầy giáo Mai Khanh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Chấp cho biết, hàng tuần thầy Lượng đều dạy tăng cường ở đây, do bên tiểu học không đủ tiết theo quy định của Nhà nước để hưởng lương.

Thầy Lượng say sưa dạy học.

Tiếng trống trường cuối buổi sáng tan lúc 11h30. Thầy Lượng vui vẻ chuyện trò với chúng tôi ở phòng làm việc của thầy Khanh. Sinh năm 1983, tuổi Hợi nhưng thầy Lượng bảo mình không được sướng như trong tướng số! Năm 1984, khi Lượng mới tròn 1 tuổi thì bố anh đã anh dũng hy sinh ở biên giới Tây Nam. Mẹ Lượng, chị Nguyễn Thị Phượng lúc đó tuổi cũng mới chỉ đôi mươi, đã phải sớm vất vả một mình gồng gánh nuôi con.

Khi học lên cấp 2, Lượng cũng đã phải sớm vất vả như mẹ, suốt ngày quăng quật tấm thân, cuốc cày trên cánh đồng đất cát quê hương, lúc trồng cây lúa, khi cây khoai cho cái ăn hàng ngày. 

Khi mùa vụ vừa xong, lại quay sang việc chăn trâu, bò thuê cho người dân trong xã để kiếm thêm tiền lo cho việc học. Tuổi thơ khó khăn, cơ cực nên Lượng không có được điều kiện tốt để học hành. Khi học xong cấp 3, Lượng chỉ thi đỗ vào Khoa tiếng Anh, Trường Đại học tư thục Duy Tân Đà Nẵng mà không phải một trường công lập danh tiếng ở miền Trung.

Lượng trầm ngâm nhớ lại: "Hồi tôi vào học đại học là 2003 đến 2007 thì ra trường. Suốt thời gian 4 năm, tôi rất ít khi được nghỉ ngơi, bên cạnh việc học, tôi còn phải bươn chải, lăn lộn với đủ thứ công việc, từ việc dạy kèm đến phụ hồ, quét dọn, sơn sửa nhà cửa cho người khác để nuôi thân và trang trải các khoản chi phí học tập. Nhưng tất cả không làm tôi sợ hay nản lòng, điều mà tôi lo nhất là mẹ sống một mình ở quê, lúc trái gió trở trời hay bị ốm đau. Nữa là mẹ sẽ buồn nếu như việc học hành của tôi không được tốt. Vậy nên, tôi đã luôn cố gắng, nỗ lực hết mình vượt khó, học tập tốt để mẹ được vui, mình khi ra trường đi xin việc sẽ được thuận lợi", thầy Lượng bộc bạch.

Do điều kiện tài chính của địa phương khó khăn nên từ những năm 2000, mặc dù nhiều trường còn thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, việc hợp đồng hay biên chế đối với giáo viên này là rất hạn chế. Thầy Lượng vì thế đã có thời gian dạy không lương ở Trường THCS Vĩnh Chấp. Sau đó, thầy được nhà trường hợp đồng với mỗi tháng chỉ 500 nghìn đồng. 

Lúc rảnh rỗi, thầy Lượng chuyện trò, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp để học hỏi thêm.

Đến năm 2009, khi UBND tỉnh Quảng Trị và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này có chủ trương thi tuyển biên chế công, viên chức đối với giáo viên tiếng Anh, thầy Lượng đã thi đỗ, được biên chế vào Trường THCS thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh.

Tuy nhiên, do mẹ ở quê thường xuyên ốm đau bệnh tật, đường sá đi về lại xa xôi, khó khăn trở ngại nên đến năm 2012, thầy Lượng viết đơn trình bày hoàn cảnh, xin được về quê dạy học. Mong muốn của thầy Lượng còn được Ban giám hiệu Trường THCS Vĩnh Chấp ủng hộ. Bên cạnh sự chia sẻ những khó khăn với thầy, nhà trường cũng đang rất cần giáo viên bộ môn này.

Nhưng theo thầy Khanh cho biết: "Lúc đó, thầy Lượng được chuyển về trường chỉ đúng một giờ đồng hồ. Khi đang tham gia buổi chào cờ đầu năm học mới của trường thì thầy được cấp trên gọi riêng ra và trao quyết định điều chuyển tiếp từ Trường THCS Vĩnh Chấp đến Trường tiểu học Vĩnh Chấp sát bên cạnh".

"Lúc đó, bản thân tôi và Ban giám hiệu nhà trường rất buồn. Thầy Lượng cũng rất buồn nhưng chúng tôi động viên thầy thôi thì về được gần nhà, có điều kiện chăm sóc mẹ ốm đau là tốt rồi. Sau đó, do nhà trường vẫn chưa có đủ giáo viên dạy tiếng Anh nên chúng tôi đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh đề nghị thầy Lượng dạy tăng cường, một mặt đảm bảo việc học tập tiếng Anh cho các em học sinh ở đây, mặt khác giúp thầy Lượng dạy đủ tiết để hưởng lương theo quy định của Nhà nước, do bên cấp 1 không đủ lớp, đủ tiết cho thầy dạy", thầy Khanh chia sẻ.

Qua 5 năm dạy học tại các trường tiểu học và THCS Vĩnh Chấp (những ngôi trường có thể coi là "trường làng" bởi những yếu tố, điều kiện khách quan quyết định nên nó, như trường xa các trung tâm văn hóa huyện lỵ, thành phố, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, lạc hậu), thầy Lượng đã không ngừng trau dồi, học tập nâng cao kiến thức chuyên môn của mình để không chỉ truyền đạt lại một cách tốt nhất cho các học trò, mà còn khẳng định với các bè bạn rằng, con người là nhân tố trung tâm của mọi sự việc, ý chí con người sẽ quyết định mọi sự thành bại trong cuộc sống của mình. 

Thầy Lượng học tiếng Anh bằng nhiều cách, như thường xuyên nghe radio phát bằng tiếng Anh; các bản tin của các đài nước ngoài trên tivi bằng tiếng Anh và xem các phim truyện nói bằng  tiếng Anh. Thầy học quên trưa quên tối, lúc nào cũng mang theo bên mình các thiết bị máy móc phục vụ cho việc học hành này. 

Bên cạnh đó, vào những ngày nghỉ, lễ là thầy tìm đến các bạn bè người nước ngoài đang công tác, du lịch ở Quảng Trị và các tỉnh, thành lân cận để có điều kiện giao tiếp, trau dồi nguồn kiến thức tiếng Anh của mình. 

Cùng với việc học tiếng Anh theo cách nghe, nói, thầy còn đầu tư tìm kiếm, mua về rất nhiều sách ngữ pháp tiếng Anh, sách truyện bằng tiếng Anh để học tập, thực hành văn viết bằng tiếng Anh của mình một cách thường xuyên.

Trường tiểu học Vĩnh Chấp - nơi thầy Lượng dạy học nhiều năm.

Thầy giáo Nguyễn Văn Minh, Chuyên viên tiếng Anh của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, thầy Lượng là một giáo viên dạy giỏi tiếng Anh nhiều năm. 

Qua khảo sát, đơn vị đã lựa chọn 23 giáo viên tiếng Anh trên toàn tỉnh để tham gia kỳ thi tuyển giám khảo quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge do Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge thuộc Trường Đại học Cambridge Vương quốc Anh tổ chức tại Huế. 

Kết quả, có 5/23 giáo viên kể trên thi đỗ kỳ thi này, gồm các giáo viên Lê Văn Lượng, Trường tiểu học Vĩnh Chấp; Trần Hữu Lưu, Trường THPT Cam Lộ, huyện Cam Lộ và 3 giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đông Hà là Ngô Minh Hải, Lê Thị Ngọc Trang và Nguyễn Thị Thùy Trang. 

Hiện tại, cả 5 giáo viên này đã được Cambridge đào tạo hoàn thành khóa học làm Giám khảo quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge và được cấp Chứng nhận Giám khảo vấn đáp quốc tế Cambridge có mã số đăng nhập mạng lưới giám khảo Cambridge toàn cầu, có quyền chấm thi vấn đáp các kỳ thi tiếng Anh Cambridge ở bất cứ đâu trên thế giới theo đúng cấp độ được đào tạo.

Buổi chiều, chúng tôi rủ thêm người bạn nước ngoài, ông Richard (quốc tịch Anh) đang công tác tại một dự án phi chính phủ ở Quảng Trị, xin dự buổi học tiếng Anh do thầy Lượng dạy tại Trường THCS Vĩnh Chấp. 

Suốt tiết học, thầy Lượng như người anh của các học trò, kiểm tra kỹ càng các khả năng nghe, nói, đọc hiểu của từng em trong cùng một bài học, hướng dẫn các em rất tỉ mỉ cách dùng từ, cấu trúc câu và cách hành văn trong tiếng Anh. 

Bên cạnh là cách nghe, đoán nghĩa, nhận biết chính xác điều mà người khác nói ra. Đặc biệt, cách nhận xét, động viên học trò của thầy Lượng rất nhẹ nhàng, tình cảm khiến cả lớp hứng thú suốt buổi học.

Trong số chúng tôi, có người học đại học chính quy 2 ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Điều mà chúng tôi thầm cảm nhận được ở thầy Lượng là khả năng nói tiếng Anh rất tuyệt vời. Tuy nhiên, đến khi ông bạn Richard của chúng tôi thốt lên: "Tôi không nghĩ một người châu Á lại có khả năng nói tiếng Anh tốt đến như thế!" thì tất cả chúng tôi mới vỡ òa điều mình nghĩ.

Trở lại kỳ thi làm giám khảo quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge, thầy Lượng cho hay: "Kỳ thi diễn ra 2 đợt. Đợt 1 do Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge thuộc Trường Đại học Cambridge Vương quốc Anh phỏng vấn trực tiếp các giáo viên tham gia dự thi tại Huế, với các lĩnh vực gồm phương pháp sư phạm và kiến thức chuyên môn. Đợt 2, do người hội đồng trên phỏng vấn qua điện thoại với các nội dung hỏi về quá trình học tập, xử lý với học sinh, cách đánh giá và nhận xét học sinh". Tại cả 2 đợt của kỳ thi này, thầy Lượng đều xuất sắc vượt qua, giành được số điểm rất cao.

Lại nhớ lúc chia tay thầy Lượng, người thầy giáo trường làng ấy, trong đôi mắt anh dường như lúc nào cũng rực lên ngọn lửa của ý chí và niềm đam mê học hỏi.

Phan Thanh Bình

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文