Tìm gặp nữ chiến sĩ Công an trong bức hình năm xưa

08:00 16/12/2014
Trong buổi làm việc với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hòa Bình, chúng tôi tình cờ phát hiện bức hình đen trắng ấn tượng từ cách đây 36 năm. Mặc dù đã quá lâu, song nước ảnh khá sắc nét, nổi bật hình ảnh một nữ Công an với nét mặt rạng ngời đang say sưa đánh máy chữ. Nụ cười lạc quan, yêu đời của cô gái trong thời kỳ hậu chiến, đất nước còn nghèo khó đã thôi thúc tôi tìm gặp người con gái đó. Có lẽ, giờ này chị đã thành bà, sum vầy bên con cháu để thụ hưởng tuổi già, song những kỷ niệm về thời kỳ gian khổ là động lực để cuộc sống của chị thi vị hơn.
Theo lời kể của Thượng tá Hoàng Duy Dũng - Trưởng phòng PC64, chúng tôi được biết người con gái năm xưa là Đại tá Phạm Thị Xuyến, nguyên Phó trưởng Phòng PC64 đã nghỉ hưu. Hiện chị Xuyến đang sống cùng gia đình tại khu chung cư Sông Đà, thuộc phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình. Từ trụ sở Công an tỉnh, chỉ sau 10 phút di chuyển, hỏi đường, chúng tôi có mặt tại nhà chị Xuyến. Vẫn nụ cười rạng ngời ấy, vẫn dáng người ấy, chị đón chúng tôi vào căn nhà nhỏ của mình.

Có lẽ sau 36 năm, thời gian chỉ làm chị thêm nếp nhăn hay mái tóc ngả bạc, chị vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát và nụ cười hiền hậu. Khi chúng tôi đưa bức hình năm xưa, chị khẽ cười. Những kỷ niệm xưa cũ ùa về làm chị nghẹn nghào. Chị Xuyến cho biết, đó là năm tháng không thể nào quên với chị và đồng đội. Những người từng nằm gai, nếm mật, vượt núi, băng rừng, sống cùng bà con dân tộc. Mặc dù công việc khó khăn, gian khổ song lạ ở chỗ, không ai có một lời ca thán, chán nản mà bỏ cuộc. Tất cả đều cố gắng vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Chị Phạm Thị Xuyến sinh ra và lớn lên tại huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Là người "dưới xuôi", song khi tổ chức phân công, chị tình nguyện lên công tác tại địa bàn miền núi Hòa Bình. Thời kỳ ấy, tỉnh Hòa Bình được biết đến là tỉnh Mường với đại đa số người dân tộc Mường. Chị đùa rằng, ở Hòa Bình, người dân tộc Kinh mới là thiểu số. Với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, chị được phân công về Phòng Quản lý hành chính trị an của Ty Công an Hòa Bình (nay là PC64).

Chị Xuyến với nụ cười hiền hậu năm xưa (ảnh chụp năm 1978 tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc).

Thời điểm đó, đất nước vừa thống nhất, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có chủ trương cấp giấy căn cước công dân thay thế các loại giấy tờ tùy thân cũ nhân dân miền Bắc đang sử dụng, thẻ căn cước do chính quyền ngụy quyền Sài Gòn cấp trước giải phóng. Công an tỉnh đã tổ chức tuyển dụng trên 100 cán bộ, chiến sỹ đưa đi đào tạo nghiệp vụ nhận dạng, lăn tay, đánh máy, chụp ảnh, phục vụ việc cấp giấy căn cước.

Chị Xuyến nằm trong số được tuyển dụng năm đó. Sau khi triển khai làm điểm ở thị xã Hà Đông, lãnh đạo Phòng đã thành lập 20 tổ lưu động do đồng chí Bùi Đức Sòn - Đội trưởng Đội quản lý đặc doanh (nay là Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình) làm Trưởng đoàn. Cuối năm 1978, sau khi kết thúc tại các huyện miền xuôi, tổ công tác tập trung triển khai tại các huyện miền núi với hình thức cuốn chiếu. Làm tới đâu, xong tới đó. 

Lần đầu tiên có mặt tại huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, người con gái miền xuôi không khỏi ngỡ ngàng bởi địa hình hiểm trở, heo hút, cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu nơi đây. Toàn huyện bao phủ bởi cây rừng, chim muông, thú vật. Huyện Đà Bắc khi đó chỉ khoảng trên dưới 1 vạn người, chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Mường. Do khác biệt về địa lý, phong tục nên nhiều người địa phương không nói được tiếng Kinh. Do vậy, việc giao tiếp gặp khá nhiều khó khăn. Đối với một phụ nữ nội tâm sâu sắc, chị Xuyến đồng cảm với bà con dân tộc. Chị tự nhủ sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình để mang lại niềm vui cho nhân dân.

Tổ công tác gồm 6 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Mạo làm tổ trưởng. Phương tiện hành nghề khi ấy là 1 chiếc xe đạp thồ để chở bột mì, hạt bo bo, 2 máy chữ, 2 bộ nghề lăn tay, 1 giá chụp ảnh. Tổ công tác đi bộ từ thị xã Hà Đông lên huyện Đà Bắc, quãng đường dài hàng trăm km song ai nấy đều hồ hởi. Vừa đi vừa cười đùa, ca hát nên không ai cảm thấy mệt. Sau khi ổn định nơi ăn nghỉ, tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền trên loa phóng thanh về chủ trương của Đảng, Nhà nước về cấp giấy căn cước để nhân dân nắm.

Do nhận thức hạn chế nên nhiều người cho rằng, việc cấp giấy không cần thiết bởi trước đó không có giấy cũng không sao. Chị Xuyến phải đến từng nhà, vận động, giải thích để họ hiểu và cùng thực hiện. Vì lẽ đó mà hôm triển khai đã thu hút rất đông người dân địa phương. Lần đầu tiên được đón tổ công tác dưới xuôi lên tận địa phương để cấp giấy căn cước cho nhân dân, ai nấy đều hào hứng, phấn khởi. Nhất là già làng, trưởng bản, trẻ nhỏ, chị em phụ nữ.

Chị Phạm Thị Xuyến thời còn công tác.

Mặc dù người dân đông, song tổ công tác nhiệt tình hướng dẫn, giúp người dân kê khai, chụp ảnh, lăn tay.. Buổi làm việc diễn ra thuận lợi, người dân hài lòng và đánh giá cao tác phong làm việc của tổ công tác. Đối với các trường hợp do tuổi cao, sức yếu, tàn tật không đi lại được, tổ công tác tới từng nhà, từng giường bệnh để làm thủ tục cấp giấy căn cước cho người dân. Trong khoảng 1 tháng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc" với nhân dân, tổ công tác đã hoàn thành cấp giấy căn cước công dân cho trên 90% số dân địa phương.

Chính sự tận tụy, trách nhiệm với công việc mà chị Xuyến và thành viên tổ công tác được người dân quý mến, tin yêu. Tình cảm đã thu hẹp ranh giới giữa người miền xuôi và người dân tộc nơi đây, điều mà có lẽ nhiều bậc cao niên địa phương không nghĩ tới. Chị nhớ như in cái ngày chia tay trở về đơn vị, nhiều người dân tới chào từ biệt, ôm hôn, những giọt nước mắt lăn dài không dứt. Họ coi các thành viên tổ công tác như người thân trong gia đình và mong sẽ có ngày được đón các anh, các chị trở về. Chứng kiến cảnh đó, chị Xuyến và đồng đội đều không khỏi xúc động, tự hào vì làm việc có ý nghĩa giúp nhân dân.

Đó chính là bước đi đầu tiên in đậm trong tâm trí đại tá Phạm Thị Xuyến, là động lực thôi thúc người con gái miền xuôi trưởng thành trên đất Mường, quê hương thứ hai của chị. Trong đoàn công tác năm ấy, chị bén duyên với anh Bùi Văn Nha, người đồng đội đồng kham, cộng khổ luôn động viên, chia sẻ giúp chị vượt qua khó khăn. Một đám cưới nhỏ, đơn sơ diễn ra trong vòng tay gia đình, bạn  bè. Những người con chị Xuyến tiếp bước mẹ trở thành những chiến sỹ Công an vì nhân dân phục vụ.

Sau khi kết thúc việc cấp giấy căn cước công dân, chị Xuyến trở về đơn vị tiếp tục công tác. Chị trải qua nhiều cương vị công tác như: Phó Đội trưởng, Đội trưởng, Phó trưởng phòng, kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ khối Cảnh sát nhân dân… song quãng đời tuổi trẻ cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân vùng cao Đà Bắc sẽ là kỷ niệm không thể nào quên đối với chị.

Như Hùng

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文