Giao Công an vào cuộc vụ doanh nghiệp 19 ngày tuổi trúng đấu giá 3/4 mỏ khoáng sản

10:44 04/11/2024

Trong số 22 doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền khai thác 4 mỏ khoáng sản, một doanh nghiệp “sơ sinh” mới 19 ngày tuổi đã “vượt mặt” 21 đàn anh để trúng đấu giá 3/4 mỏ với giá cao ngất ngưởng. Trước  sự bất thường này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký văn bản hỏa tốc giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, kiểm tra quy trình đấu giá.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký văn bản hỏa tốc số 6564/UBND-NL gửi các đơn vị gồm: Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở TN&MT, Sở Tài chính cùng UBND các huyện Thạch Hà, Hương Khê và thị xã Kỳ Anh về việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tăng cường quản lý nhà nước về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Nội dung công văn cho biết, xem xét báo cáo của Sở TN&MT tại Văn bản số 4929/STNMT-KS ngày 30/10/2024 về quá trình đấu giá và đề nghị công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đợt 1 năm 2024; thực hiện Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ TN&MT tại Văn bản số 7438/BTNMT-KSVN ngày 24/10/2024 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường.

Phiên đấu giá khoáng sản làm VLXD thông thường đợt 1/2024 trên địa bàn Hà Tĩnh với những điều bất thường.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có tên trên và các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đợt 1 năm 2024. Giao Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, và các đơn vị liên quan thực hiện nội dung nêu trên; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Doanh nghiệp “sơ sinh” trúng đấu giá 3/4 mỏ khoáng sản cao ngất ngưởng

Trước đó, như Báo CAND Online đã thông tin, ngày 21/10/2024 Khách sạn White Palace (TP Hà Tĩnh) Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật (TP Hà Tĩnh) đã đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đợt 1 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đối với 4 mỏ khoáng sản.

Công ty Trọng Tín trúng đấu giá 3/4 mỏ khoáng sản với giá cao ngất ngưởng, cùng một kịch bản khi 3 doanh nghiệp trả giá cao ở vòng 1 đều "từ chối" đấu giá vòng 2. 

Danh sách các mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá bao gồm: Mỏ đất san lấp Ngọc Sơn 1 tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà có diện tích 8,63 hecta, trữ lượng tài nguyên dự báo là 1.440.366 m3; Mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 1 tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà có diện tích 17,28 hecta, trữ lượng tài nguyên dự báo là 2.770.811 m3; Mỏ đất làm gạch, ngói tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê có diện tích 20,65 hecta, trữ lượng tài nguyên dự báo là 2.279.711 m3 và mỏ cát Cụp Bàu tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh có diện tích 49,68 hecta, tài nguyên dự báo là 1.987.200 m3.

Trong số 21 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá mỏ đất san lấp Ngọc Sơn 1, có 12 hồ sơ hợp lệ được xét chọn để tham gia đấu giá. Sau vòng 1, có 3 doanh nghiệp có mức giá cao nhất để tham gia đấu giá vòng tiếp theo song sau đó, cả 3 doanh nghiệp này đều từ chối đấu giá vòng 2. Kết quả, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng bất động sản Trọng Tín (Công ty Trọng Tín), địa chỉ tại TP Hà Tĩnh trả giá cao nhất tại vòng 1 là tổ chức trúng đấu giá, giá trúng đấu giá là Rđg = 36,6%.

Theo kết quả đánh giá sơ bộ về tài nguyên dự báo, giá khởi điểm, giá trúng đấu giá Mỏ đất san lấp Ngọc Sơn 1 tạm tính có giá khởi điểm gần 1,9 tỷ đồng, giá trúng đấu giá khoảng 23,257 tỷ đồng.

Đối với mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 1 có 17/20 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ. 3 doanh nghiệp có từ 3 mức giá cao nhất được vào vòng tiếp theo nhưng cả 3 doanh nghiệp từ chối đấu giá vòng 2. Công ty TNHH Xây dựng và thương mại vận tải An Bình (TP Hà Tĩnh) trả giá cao nhất và hợp lệ tại vòng 1 được chọn trúng đấu giá, giá trúng đấu giá là Rđg = 40,5%. Mỏ đất này có giá khởi điểm 3,483 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 49,5 tỷ đồng.

Vấn đề mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường đang làm "nóng" dư luận Hà Tĩnh trong thời gian gần đây (Trong ảnh: Một mỏ đất đang khai thác tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Đối với mỏ đất làm gạch, ngói xã Hà Linh có 14/18 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ. Cũng như các mỏ nói trên, 3 doanh nghiệp trả giá cao đã từ chối đấu giá vòng 2 với mức giá khởi điểm là: Rkđ = 37,5%; bước giá: 0,5%. Kết quả, Công ty Trọng Tín trả giá cao nhất tại vòng 1 đã trúng đấu giá, giá trúng đấu giá là Rđg = 37,5%. Mỏ đất này có giá khởi điểm 7,5 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 62,529 tỷ đồng.

Mỏ cát khu vực Cụp Bàu tại phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh), có 16/20 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ. Vòng 2 có 3 doanh nghiệp trả giá cao nhất được chọn cũng từ chối đấu nên Công ty Trọng Tín được chọn trúng đấu giá vì đã trả giá cao nhất tại vòng 1, giá trúng đấu giá là Rđg = 63,5%. Mỏ cát Cụp Bàu có giá khởi điểm 9,5 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 134,152 tỷ đồng.

Ngày 30/10/2024 Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có Văn bản số 4929/STNMT-KS báo cáo và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 4 mỏ khoáng sản nói trên cho 2 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước việc dư luận cho rằng, phiên đấu giá khoáng sản nói trên của Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật có nhiều bất thường, UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Đồng thời giao Công an tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp các sở ban ngành và địa phương liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đợt 1 năm 2024 nêu trên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT.

Nhiều “bất thường” cần được làm rõ

Được biết, Công ty Trọng Tín là doanh nghiệp chỉ mới được thành lập vào ngày 4/10/2024, do ông Đặng Lưu Công (SN 1986), quê tại tỉnh Nghệ An làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 5 tỷ đồng.

3 cổ đông khác đồng sáng lập gồm: Trịnh Đức Thắng (SN 1987), Lê Văn Thành (SN 1992), cùng trú tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà và ông Nguyễn Khắc Hải (SN 1987), trú tại phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh). Tỷ lệ góp vốn của 4 cổ đông là như nhau, mỗi người 25% cổ phần.

Trong đó, ông Trịnh Đức Thắng là em vợ của ông Võ Văn Nhật – ông chủ điều hành tất cả mọi hoạt động của Công ty đấu giá Hợp danh Minh Nhật.  

Ngoài ra, dư luận cũng băn khoăn việc một doanh nghiệp “sơ sinh” mới 19 ngày tuổi liệu đã đủ năng lực, kinh nghiệm để tham gia đấu giá và thực hiện khai khoáng đối với các dự án lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng?

Theo quy định tại Luật đấu giá cũng như tại Quyết định số 1707/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 12/7/2024 phê duyệt Phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 4 mỏ nói trên thì : “hồ sơ đủ điều kiện tham gia đấu giá phải có văn bản giới thiệu năng lực, kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; giới thiệu năng lực tài chính và khả năng huy động tài chính; kế hoạch sơ bộ về đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm”.

Các doanh nghiệp tham gia đấu giá khoáng sản đợt 1 năm 2024 cũng như dư luận tại Hà Tĩnh đang rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ những "bất thường" tại phiên đấu giá do Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật tổ chức nhưng có sự tham gia của người nhà và trúng đấu giá. 

Ông Nguyễn Anh Sơn - Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, quá trình thẩm định hồ sơ, Công ty Trọng Tín có đầy đủ các văn bản, hồ sơ theo quy định nên tổ thẩm định đã phê duyệt. Về năng lực, kinh nghiệm và khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng tổ thẩm định chỉ xem qua hồ sơ, thấy đầy đủ và hợp lệ thì duyệt chứ không có chức năng thẩm tra, kiểm duyệt trên thực tế. Khi phóng viên đề cập việc tiếp cận hồ sơ của Công ty Trọng Tín, ông Sơn lấy lý do bận làm báo cáo cho UBND tỉnh nên không có thời gian để sắp xếp.

Ngoài ra, đối với mỏ đất làm gạch, ngói xã Hà Linh, Công ty Trọng Tín chưa từng có kinh nghiệm, chưa có nhà máy gạch ngói tuynel (đầu ra); các nhà máy gạch tuynel trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cam kết sẽ tiêu thụ thì liệu doanh nghiệp này sẽ xoay xở như thế nào để tiêu thụ sản phẩm là đất làm gạch, ngói sau khi khai thác?

Riêng đối với mỏ cát khu vực Cụp Bàu, theo kế hoạch của tỉnh Hà Tĩnh, thời hạn cấp phép khai thác không quá 2 năm kể từ ngày cấp phép, giới chuyên môn khẳng định, thời gian quá ngắn như vậy Công ty Trọng Tín sẽ không kịp thu hồi vốn. 

Thiên Thảo

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文