Ngày 22/7, xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

15:29 01/07/2024

Ngày 22/7, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt) và 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Thẩm phán Vũ Quang Huy, Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP Hà Nội làm chủ tọa phiên tòa. Sáu kiểm sát viên Viện KSND TP Hà Nội tham gia phiên tòa.

Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC) và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC) bị xét xử về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan đến hành vi phạm tội của Trịnh Văn Quyết, 4 cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT), Lê Hải Trà (cựu Tổng Giám đốc, cựu Ủy viên HĐQT, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết), Trần Tuấn Vũ (cựu Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng niêm yết) và Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết).

Ba cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị truy tố về tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” gồm: Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng), Dương Văn Thanh (cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) và Phạm Minh Trung (cựu Trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam).

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thời điểm chưa bị bắt. 

40 bị cáo khác bị xét xử về các tội: “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

TAND TP Hà Nội xác định, 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) là bị hại trong vụ án. Hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros được xác định là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Đến thời điểm này, có hơn 50 luật sư đăng ký tham gia phiên tòa để bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết có 3 luật sư bào chữa.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn 3 năm tiếp theo.

Nhưng chưa đầy 2 năm sau đó, từ năm 2014 đến năm 2016, Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros. Thời điểm này, Trịnh Văn Quyết đưa ra kế hoạch biến Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE).

Kế hoạch này của Trịnh Văn Quyết đã được Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà cùng một số cán bộ khác tại HoSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam giúp sức.

Theo quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị và Hội đồng niêm yết sàn HoSE thì việc thẩm định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Ngoài ra, Trần Đắc Sinh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị HoSE biết rõ, báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp này không phù hợp.

Báo cáo vi phạm lưu ý rằng, “không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp”. Tuy nhiên do mối quan hệ cá nhân và nhiều lần được Trịnh Văn Quyết cùng Doãn Văn Phương (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) nhờ giúp đỡ nên Trần Đắc Sinh đã hỗ trợ để Faros được niêm yết.

Trần Đắc Sinh bị cáo buộc nhiều lần trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Lê Hải Trà, Trần Tuấn Vũ và Lê Thị Tuyết Hằng tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu cho Faros. Do đó, trong khi Công ty Faros chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, Trần Đắc Sinh đã chỉ đạo, tổ chức họp Hội đồng quản trị quyết định về hồ sơ niêm yết của Công ty Faros.

Tại cơ quan điều tra, Trần Đắc Sinh khai, do có mối quan hệ thân quen với Trịnh Văn Quyết nên muốn giúp việc chấp thuận niêm yết cho Công ty Faros, từ đó doanh nghiệp này có điều kiện thu hút vốn của nhà đầu tư trên thị trường, thông qua đó sàn HoSE sẽ có doanh thu từ phí niêm yết, phí giao dịch chứng khoán.

Là cấp dưới của Trần Đắc Sinh nên Lê Hải Trà cũng biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Công ty Faros có vi phạm bởi “chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp”. Nhưng do có mối quan hệ quen biết Trịnh Văn Quyết từ trước nên Lê Hải Trà vẫn gây sức ép để đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của Công ty Faros trong khi chưa đủ cơ sở xác định vốn góp.

Là thành viên Hội đồng niêm yết, Lê Hải Trà đã ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros. Ngoài ra, với vai trò Phó Tổng giám đốc sàn HoSE, Lê Hải Trà đã họp Hội đồng quản trị và đồng ý niêm yết cổ phiếu.

Sai phạm của Trần Đắc Sinh và Lê Hải Trà dẫn đến hậu quả là Trịnh Văn Quyết được niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống trên sàn chứng khoán, thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Nguyễn Hưng

Ngày 5/7, Công an TP Hà Nội cho biết, hoạt động mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” đã xuất hiện phổ biến tại Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… của người dân để lừa đảo, trục lợi.

Ngày 5/7, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công ty Cổ phần nhựa và bao bì Vĩnh Phúc (thuê lại toàn bộ nhà xưởng của Công ty TNHH thương mại và xây dựng Thuỷ Hiền), địa chỉ số 153 đường Trần Phú, phường Trưng Nhị, TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã từng bị xử phạt hành chính với số tiền 180 triệu đồng trong lĩnh vực PCCC.

Nửa đầu năm 2024, trong số 10 phim ra rạp thì chỉ có 3 phim có doanh thu cao, còn lại là doanh thu thấp, thập chí lỗ vốn. Nhưng đáng tiếc hơn cả là "mùa" phim hè vốn được ví như "mùa vàng" của điện ảnh thì chúng ta lại để rơi thị trường béo bở này vào tay các "đối thủ" ngoại nhập.

Lợi dụng việc thông thạo địa hình rừng núi, Lầu Vả Khư liên hệ, móc nối với đối tượng cộm cán bên kia biên giới để mua ma túy, rồi đưa về bán lẻ, thu lời bất chính. Hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng đã bị Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) phát hiện, bắt giữ.

"Đêm hoa vàng" là tập thơ thứ năm, cũng là tập thơ mới nhất của Bình Nguyên Trang, đánh dấu sự trở lại của chị sau 8 năm vắng bóng, kể từ tập thơ "Những người đàn bà trở về" (NXB Phụ nữ, 2016). "Đêm hoa vàng" gồm 43 bài thơ, được chia làm hai phần. Phần thứ nhất có tên "Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội" gồm 16 bài thơ. Phần thứ hai có tên "Niệm" gồm 27 bài thơ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文