Sáng 10/5, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai hầu tòa
Sáng mai (10/5), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.
Thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã làm chủ tọa phiên tòa. 4 kiểm sát viên thuộc Viện KSND tối cao và Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa.Có hơn 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Hai có 7 luật sư bào chữa.
Hội đồng xét xử đã triệu tập nguyên đơn dân sự trong vụ án này là UBND tỉnh Bình Thuận, cùng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty Tân Việt Phát. Các bị cáo bị cáo buộc vì đã giúp Công ty Tân Việt Phát được hưởng lợi bất hợp pháp số tiền hơn 45 tỷ đồng.
Cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” là 10 cựu cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận gồm: Lương Văn Hải (cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận), Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Ngô Hiếu Toàn (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính), Đặng Hoài Nhân (cựu Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất); Nguyễn Thanh Cho (cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai), Lê Nam Hưng (cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai), Phạm Duy Cường (cựu Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng kinh tế đất thuộc Chi cục Quản lý đất đai), Lê Anh Huy (cựu chuyên viên Phòng kinh tế đất) và Nguyễn Thị Thu Phong (cựu Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất).
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Phong (cựu Giám đốc Sở Tài chính) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương bán đấu giá 3 lô đất (số 18, 19, 20, thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B, phường Phú Hài, TP Phan Thiết) với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên, sau thông báo 6 lần vẫn không có đơn vị, cá nhân nào tham gia mua đấu giá.
Đầu năm 2016, giá đất ở tỉnh Bình Thuận, trong đó có 3 lô đất trên, liên tục biến động tăng. Ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của Bình Thuận, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2.
Ngày 7/3/2017, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn giao và cho thuê đất đối với Công ty Tân Việt Phát, nhưng lấy giá đất năm 2013. Việc giao đất năm 2017 nhưng lấy giá 2013 của các lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và cấp dưới khiến tài sản Nhà nước bị thiệt hại lớn khi giao đất cho Công ty Tân Việt Phát.
Sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc đã xác định giá trị 3 lô đất trên tại thời điểm ngày 7/3/2017 là trên 156 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 45 tỷ đồng.
Cùng thực hiện hành vi phạm tội với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai là các lãnh đạo, cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận, được giao nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến quản lý đất đai và tài chính về đất đai.
Các bị cáo đều biết quy định của pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 108 Luật Đất đai, nhưng vẫn thống nhất đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận về việc giao 3 lô đất cho Công ty Tân Việt Phát, nhưng không xác định giá đất cụ thể tại thời điểm giao đất.
Cơ quan tố tụng xác định, trong vụ án này, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai là người chịu trách nhiệm với vai trò chính. Cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải và các bị cáo khác có vai trò đồng phạm.
Cáo trạng nêu rõ, hành vi phạm tội của các bị cáo khiến Công ty Tân Việt Phát được hưởng lợi số tiền chênh lệch hơn 45 tỷ đồng, mà theo quy định pháp luật, công ty này phải nộp cho Nhà nước để được giao đất, cho thuê 3 lô đất số 18, 19, 20.
Công ty Tân Việt Phát được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, làm cho Nhà nước bị thiệt hại hơn 45 tỷ đồng nên được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Do đó cần buộc Công ty Tân Việt Phát nộp hoàn trả số tiền hơn 45 tỷ đồng để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Đối với ông Nguyễn Ngọc Phương (Giám đốc Công ty Tân Việt Phát), quá trình điều tra xác định, không đủ căn cứ để khẳng định có sự cấu kết, thông đồng với các đối tượng liên quan để được giao, cho thuê đối với 3 lô đất cho Công ty Tân Việt Phát nên không có cơ sở để xử lý đối với ông Nguyễn Ngọc Phương và các cá nhân khác tại Công ty Tân Việt Phát.
Quá trình điều tra, gia đình cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã khắc phục 300 triệu đồng; gia đình cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải đã khắc phục 500 triệu đồng; gia đình cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận Lê Nguyễn Thanh Danh đã khắc phục 100 triệu đồng và đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Viện KSND tối cao kiến nghị, khi vụ án đưa ra xét xử, Hội đồng xét xử cần yêu cầu các cá nhân vi phạm pháp luật phải khắc phục hậu quả số tiền thiệt hại hơn 44,4 tỷ đồng (đã trừ 900 triệu đồng gia đình ba bị can đã khắc phục); yêu cầu Công ty Tân Việt Phát có trách nhiệm phối hợp cùng các bị can khắc phục hậu quả, thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân mua nhà đất tại dự án khu thương mại dịch vụ Tân Việt Phát 2.
Được biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật các dự án ở tỉnh Bình Thuận như: Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (sân golf Phan Thiết); Dự án lấn biển phường Đức Long (Hamubay); Dự án Biển Quê Hương; Dự án trường mầm non Lê Quý Đôn; Dự án rừng dầu Hồng Liêm; Dự án Bồng Lai Tiên Cảnh và dự án du lịch sinh thái Xuân Quỳnh; Dự án Khu liên hợp hồ điều hòa Hưng Long; Dự án Khu du lịch Hòn Lan.