Vụ cháu bé 17 tháng tuổi tử vong: Hai kẻ bạo hành bàn bạc lời khai khớp từng chi tiết

17:32 04/03/2023

Bắt đầu vụ án từ con số không tròn trĩnh, không lời khai của người bị hại, không nhân chứng…, song bằng kinh nghiệm và trách nhiệm của một điều tra viên có nhiều năm gắn bó với công tác điều tra hình sự, Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tích cực vào cuộc, đưa sự thật ra ánh sáng.

Liên quan đến vụ trên, ngày 4/3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín đã tiến hành tạm giữ hình sự hai đối tượng về hành vi giết người gồm Nguyễn Thị Lành (SN 1992) và Nguyễn Thị An (SN 1993), đều trú tại tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, TP. Hà Nội.

Từ sự nhạy cảm và trách nhiệm của trưởng Công an huyện

“Chiều 1/3, tôi nhận được cuộc gọi của một người bạn. Qua trao đổi, người này hẹn lùi cuộc gặp mặt với lý do có một người cháu trong dòng họ, đi lớp học mẫu giáo bị ngã, chấn thương sọ não, bệnh viện trả về, gia đình đang chuẩn bị lo hậu sự… Bằng trách nhiệm nghề nghiệp, tôi đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an xã Vạn Điểm xác minh thông tin”- Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết.

Quá trình xác minh, Công an xác định sự việc có thật, nạn nhân là cháu P.T.Đ (SN 2021), trú tại thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín được gửi tại một nhà trẻ tự thục tự lập trên địa bàn. Trưởng Công an huyện Thường Tín đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự có mặt tại gia đình cháu Đ, thu thập tài liệu. Trong quá trình làm việc, các trinh sát không nhận được sự hợp tác từ phía gia đình. Bố mẹ của cháu Đ nói rằng cháu đi lớp học không may bị ngã; gia đình không có thắc mắc gì. Khi Công an huyện Thường Tín giải thích về các quy định của pháp luật thì bố, mẹ cháu bé từ chối hợp tác với cơ quan Công an, cho rằng sự việc chỉ là tai nạn.

Công an huyện Thường Tín lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Thị Lành. 

Vụ trọng án sẽ không được làm sáng tỏ, hai kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nếu không có sự vào cuộc trách nhiệm và kinh nghiệm điều tra của người đứng đầu Công an huyện. Cùng với việc thuyết phục gia đình nạn nhân, Đại tá Nguyễn Tiến Tần đã cử một mũi công tác của Đội Cảnh sát hình sự đến Bệnh viện Nông nghiệp I để trao đổi, nắm thông tin qua các bác sĩ, nhân viên y tế. Qua thông tin các bác sĩ cung cấp, cháu bé bị tím ở hai bên tai, bị phù nề ở má và xuất huyết não phía bên trái…

Với những thông tin ban đầu thu thập được, Đại tá Nguyễn Tiến Tần nhận định đây là vụ trọng án nên đã báo cáo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội; đồng thời, cử các tổ công tác nhanh chóng thu thập tài liệu, chứng cứ. Theo đó, nhiều tổ công tác đồng loạt triển khai, một tổ giám sát tại nhà của cháu bé, trong trường hợp nạn nhân gặp chuyện xấu nhất sẽ lập tức thông báo với đồng chí Trưởng Công an huyện; một tổ mời hai đối tượng Lành và An về trụ sở cơ quan Công an làm việc.

Phá án

“Khi triệu tập về trụ sở Công an huyện Thường Tín, mặc dù ngồi trên hai xe ô tô khác nhau nhưng lời khai của Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thị An đều trùng khớp nhau đến từng chi tiết. Khi đó, tôi nhận định nếu bị ngã ra phía sau thì vết thương của cháu Đ phải ở phần sau gáy, nếu rơi từ trên cao xuống thì vết thương phải ở phần đỉnh đầu nhưng nạn nhân lại bị tím ở sau tai, phù nề ở má. Đó là những điểm bất thường, khiến tôi đặt nhiều câu hỏi nghi vấn. Từ đó, đã chỉ đạo các trinh sát và điều tra viên tập trung đấu tranh với hai đối tượng ”- Đại tá Nguyễn Tiến Tần cho biết.

Hai đối tượng Lành (áo vàng) và An.

Sau gần 24h đấu tranh, tối muộn ngày 2/3, tổ công tác của Công an huyện Thường Tín đưa hai đối tượng xuống hiện trường. Khi cách nhà trẻ gần 1km thì An bật khóc, xin khai thật toàn bộ vụ việc. Tại cơ quan Công an, bước đầu An khai nhận: Trước thời điểm xảy ra vụ án khoảng hơn 1 tuần, cháu Đ được gia đình gửi đến nhà trẻ. Ngay từ ngày đầu gửi đến, cháu bé đã quấy khóc nên đã An và Lành bạo hành bằng cách đánh, tát vào đầu và mông. Có lẽ cũng vì lý do này mà những ngày sau cháu bé rất sợ đến lớp, cứ nhìn thấy cô giáo là khóc.

Trưa 23/2, hai đối tượng dồn các cháu vào một phòng để hướng dẫn chơi nhưng cháu Đ vẫn ngồi khóc. Đến khoảng 9h cùng ngày, An và Lành đưa các cháu Đ vào buồng ngủ để quản lý thì cháu Đ khóc chạy ra bên ngoài cửa lớp đứng. Thấy vậy, Lành bực tức chạy theo dùng 2 tay bế xốc hai nách và ném đập đầu cháu Đ xuống nền nhà có dải thảm; Lành xông vào dùng tay tát vào mặt cháu Đ còn An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm lên đầu của cháu Đ. Đến 16h30' cùng ngày, cháu Đ được gia đình đón, Lành và An nói với gia đình là cháu Đ tự ngã.

Công an lấy lời khai của đối tượng Lành. (Ảnh: Chiến Thắng)

Ngày 24, 25, 26/2, cháu Đ được gia đình đưa đến lớp giao cho An trông giữ. Đến  9h30' ngày 26/2, cháu Đ khóc thì bị An dùng chân đạp vào bụng. Khi cháu Đ bất tỉnh thì An gọi gia đình đến cùng đưa cháu Đ đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Vạn Điểm. Tiếp đó, y tá yêu cầu đưa cháu đi viện nên gia đình đã chuyển cháu Đ đến Bệnh viện Nông nghiệp I, Bệnh viện Nông Nghiệp I chuyển cháu Đ đến Bệnh viện nhi Trung ương. Các bác sĩ tích cực điều trị đến 17h ngày 1/3, Bệnh viện nhi Trung ương trả cháu Đ về gia đình. Đến 19h ngày 2/3, cháu Đ tử vong.

Khi biết cháu Đ bị thương tích nặng, hai đối tượng đã thống nhất lời khai khi trao đổi với gia đình và làm việc với cơ quan Công an. Về phía bố, mẹ của cháu Đ, phần do nhận thức pháp luật còn hạn chế, lại thấy hai đối tượng đã tự nguyện khắc phục hậu quả nên tin rằng sự thật là do cháu bị ngã nên ban đầu đã từ chối hợp tác với cơ quan Công an.

Cùng thời điểm này, Đại tá Nguyễn Tiến Tần nhận thông tin cháu Đ tử vong. Ngay sau đó, anh đã chỉ đạo tổ công tác của Công an huyện Thường Tín tiếp tục vận động gia đình cháu Đ, tiến hành công tác khám nghiệm tử thi.

“Khi tiến hành khám nghiệm tử thi cháu bé P.T.Đ, với thương tích trên người cháu bé, để đảm bảo khách quan, chúng tôi đã tiến hành trưng cầu giám định pháp y của Quân đội”- Đại tá Nguyễn Tiến Tần cho biết.

Công an lấy lời khai của đối tượng An. (Ảnh: Chiến Thắng)

Khi bắt tay vào việc điều tra vụ án, các trinh sát và điều tra viên của Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Thường Tín gặp nhiều khó khăn. Tại nhà trẻ, không có hệ thống camera giám sát. Trong khi đó, các cháu bé trông, giữ tại nhà trẻ còn quá nhỏ… Hai cô giáo sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã thống nhất lời khai với cơ quan Công an. Để phá thành công vụ án này, điểm mấu chốt chính là quá trình ban đầu, nhận định về vụ án. Từ đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phá án - nói về nhưng khó khăn trong quá trình phá án, các trinh sát cho biết.  

Sự ân hận muộn màng

Trước khi mở lớp mẫu giáo tự phát, An từng làm thuê cho một số cơ sở tư nhân, bản thân chị ta cũng từng được học sư phạm mầm non. Còn về Lành, không có nghiệp vụ sư phạm, trước đây Lành học dược sĩ rồi không tìm được việc làm nên ở nhà. Thời điểm trước đó, do không có việc làm ổn định, An và Lành bàn nhau thuê nhà, mở điểm trông trẻ tự phát. Trước thời điểm xảy ra vụ án, điểm trông trẻ này đã bị UBND xã Vạn Điểm xử phạt hành chính, yêu cầu đóng cửa nhưng hai đối tượng vẫn lén lút hoạt động. Buổi sáng và vào các buổi chiều, khi các gia đình đưa, đón con thì đối tượng mở cửa tiếp nhận trẻ, sau đó lại đóng cửa…

Ngày 4/3, PV đã tiếp xúc với An và Lành tại Công an huyện Thường Tín. Tại cơ quan Công an, An ân hận về hành vi phạm tội đã gây ra. “Em rất xin lỗi gia đình cháu Đ. Không may cháu đã mất, gia đình cháu thiệt hại và tổn thương đau đớn không thể hết. Không thể tha thứ cho việc làm của chúng em... nhưng em xin gia đình nạn nhân tha thứ để em có thể làm lại cuộc đời” - An nói trong nước mắt.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý vụ án theo quy định của pháp luật. 

Xuân Mai (Clip: Chiến Thắng)

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文