Châu Âu tập trung ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng

06:54 07/09/2022

Chỉ 3 ngày sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ ngừng hoạt động vô thời hạn, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng chóng mặt. Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc phía Nga quyết định tạm dừng cung cấp khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Gazprom đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc trên và nêu rõ, việc nguồn cung bị cắt giảm là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây cản trở năng lực vận hành hệ thống đường ống dẫn và các vấn đề kỹ thuật.

Đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters

Hai nền kinh tế hàng đầu của EU là Pháp và Đức ngày 5/9 (giờ địa phương) tuyên bố sẽ hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng và đảm bảo đủ nguồn cung tối thiểu mùa đông sắp tới. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nước này sẵn sàng vận chuyển thêm khí đốt cho Đức.

Ngược lại, Berlin cam kết sẽ cung cấp thêm điện cho Paris nếu cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài trong suốt mùa Đông. Tổng thống Pháp khẳng định ưu tiên các biện pháp đoàn kết trong EU để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, đồng thời cho rằng các phương thức mua chung khí đốt sẽ giúp có được mức giá rẻ hơn. Về tình trạng giá năng lượng tăng cao trong EU, ông Emmanuel Macron đề xuất thiết lập các cơ chế kiểm soát hoạt động mua đầu cơ trong khối.

Người đứng đầu Điện Elysee ủng hộ biện pháp áp trần giá chung cho toàn EU với khí đốt mua từ Nga. Dù khẳng định Pháp chưa khủng hoảng đến mức phải chia khẩu phần năng lượng nhưng Tổng thống Macron vẫn kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng như giới hạn mức nhiệt sưởi ấm trong mùa Đông không quá 19 độ C để tránh tình trạng phải điều tiết hoặc cắt điện luân phiên.

Các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu sẽ họp sau vài ngày tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. Cũng trong ngày 5/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng nêu các đề xuất sắp tới của ủy ban này nhằm giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao gồm biện pháp áp giá trần đối với khí đốt Nga bán cho EU qua đường ống dẫn và hỗ trợ các nhà sản xuất điện đang đối mặt với tình trạng thanh khoản hạn hẹp. Chia sẻ trên Twitter, bà Ursula von der Leyen nêu rõ Brussels đang tính toán các biện pháp bảo vệ người dân và ngành công nghiệp trước tình trạng giá khí đốt và giá điện tăng cao đang gây ra cú sốc kinh tế cho EU. Chủ tịch Ủy ban EC cho biết, các đề xuất sẽ giúp giảm giá khí đốt của Nga vận chuyển qua đường ống, hạn chế nhu cầu tiêu thụ điện và sử dụng doanh thu từ các công ty năng lượng để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

EU đang trên đà đạt được mục tiêu tích trữ khí đốt, nhưng các nhà phân tích cảnh báo yếu tố lớn hơn đối với an ninh năng lượng trong mùa đông này là liệu EU có thể cắt giảm tiêu thụ đủ nhiều để đảm bảo có nhiên liệu dùng qua những tháng lạnh giá nhất hay không. Dữ liệu của Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu cho thấy sau mùa hè tích trữ, kho khí đốt của châu Âu đã đầy 79,94%, và gần như chắc chắn sẽ giúp các quốc gia vượt mục tiêu tích 80% kho dự trữ vào tháng 11. Trong một năm bình thường, lượng khí đốt đó có thể giúp châu Âu vượt qua giai đoạn nhu cầu dùng khí đốt cao đỉnh điểm vào mùa Đông.

Nhưng vào năm 2022, khi Nga giảm mạnh cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và thậm chí đang ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn qua đường ống này, thì tỷ lệ tích trữ trên sẽ không đủ. Theo công ty nghiên cứu năng lượng Aurora, tích trữ đầy kho khí đốt có thể giúp các nước châu Âu đáp ứng nhu cầu nhiều nhất trong khoảng ba tháng. Tại Đức, nơi có gần 1/4 kho dự trữ của EU, khí đốt dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu trung bình từ 80 đến 90 ngày. Ông Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel cho biết: “Để đối phó với tình hình khủng hoảng này, giảm nhu cầu thậm chí còn quan trọng hơn tích trữ”. Với khoảng 888 terawatt giờ (TWh) khí đốt đang được dự trữ, các nước EU đã vượt qua mức đỉnh 858 TWh được dự trữ trước mùa Đông năm ngoái.

Nhưng nếu các quốc gia không cắt giảm sử dụng nhiên liệu, các kho chứa khí đốt của châu Âu sẽ vẫn cạn kiệt vào tháng 3. Dự báo này dựa trên mô hình của công ty tình báo dữ liệu với kịch bản là Nga vẫn cung cấp một lượng khí đốt suốt mùa đông và thời tiết không lạnh bất thường. Cơ quan Tình báo Hàng hóa Độc lập (ICIS)  cho biết để ngăn chặn khủng hoảng nguồn cung vào mùa đông, mỗi tháng các quốc gia cần cắt giảm lượng khí đốt sử dụng 15% so với mức trung bình trong 5 năm. Điều đó sẽ khiến kho dự trữ sau mùa đông còn đầy 45% nếu Nga tiếp tục cung cấp khí đốt và đầy 26% nếu Nga cắt nguồn cung từ tháng 10.

Ông Mauro Chavez Rodriguez, Giám đốc nghiên cứu khí đốt châu Âu tại công ty Wood Mackenzie cho biết: “Vừa không có khí đốt của Nga và vừa không giảm mạnh tiêu thụ khí đốt trong các ngành công nghiệp và tòa nhà có thể dẫn đến tình trạng phải hạn chế phân bổ lượng điện trong mùa đông này”. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nơi vẫn không cắt giảm nhu cầu khí đốt liên tục trên quy mô cần thiết, mặc dù nhiều ngành công nghiệp buộc phải giảm sản lượng do giá khí đốt cao bất thường. Tình trạng này đang ảnh hưởng đến 2/3 công suất sản xuất phân bón của châu Âu.

Vào cuối tháng 7, các nước EU đã nhất trí cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông này so với mức trung bình của mùa Đông năm 2017-2021. ICIS cho biết mức tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong nửa đầu tháng 8 thấp hơn 11% so với mức trung bình 5 năm. Dữ liệu từ cơ quan quản lý năng lượng Liên bang Đức cho thấy lượng sử dụng khí đốt của ngành công nghiệp Đức đã giảm mạnh 21% trong tháng 7 so với mức trung bình 2018-2021, nhưng trước đó không có tháng nào có mức cắt giảm lớn hơn 14%. Khác với hầu hết các chính phủ châu Âu, Đức đã đưa ra một số yêu cầu để tiết kiệm năng lượng.

Các yêu cầu bắt đầu được thực hiện vào tháng 9, trong đó có lệnh cấm sưởi ấm bằng khí đốt tại các bể bơi tư nhân, giảm chiếu sáng tại các địa danh công cộng và cấm các cửa hàng có hệ thống sưởi mở cửa cả ngày. Ông Matthias Buck, Giám đốc khu vực châu Âu tại công ty Agora Energiewende cho biết, Đức cần cắt giảm từ 20 đến 25% lượng sử dụng khí đốt trong mùa đông này, trong đó có cả giảm nhu cầu tại các hộ gia đình. Không tiết kiệm khí đốt trong mùa Đông này sẽ khiến quá trình tích đầy kho khí đốt cho mùa đông tới sẽ khó hơn rất nhiều. Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết nếu điều đó xảy ra và Nga cắt cung cấp khí đốt, kho dự trữ của châu Âu vào năm tới có thể cạn kiệt vào tháng 11.

Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giúp châu Âu nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ trong năm nay, nhưng nếu không có khí đốt của Nga vào năm 2023, thị trường LNG hạn hẹp sẽ không thể giúp các cơ sở tích trữ của châu Âu trở lại mức an toàn trước mùa đông. Điều này khiến việc giảm sử dụng khí đốt là rất quan trọng đối với các quốc gia.

Khổng Hà (tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文