Châu Âu tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng người di cư

07:57 22/12/2023

Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận quan trọng nhằm chia sẻ gánh nặng trong vấn đề tiếp nhận người di cư, động thái được kì vọng có thể giúp các quốc gia thành viên chấm dứt các cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm qua. 

Sau hơn 3 năm đàm phán căng thẳng với một loạt thỏa hiệp, các nước thành viên EU ngày 20/12 đã kí kết Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU nhằm cải tổ chính sách tiếp nhận người di cư, trong bối cảnh số lượng những “vị khách không mời” đến từ Trung Đông và châu Phi đổ biên giới EU đang gia tăng nhanh chóng. Theo Reuters, thỏa thuận mới gồm 4 nhóm giải pháp chính là: đẩy nhanh quá trình sàng lọc, kiểm tra những người di cư trái phép; thành lập các trung tâm giam giữ ở biên giới EU; tăng tốc quy trình trục xuất những người bị từ chối quy chế tị nạn; và thiết lập cơ chế đoàn kết để giảm áp lực lên các quốc gia “tuyến đầu” phía Nam Âu.

 Các điều khoản nêu trên được thống nhất dựa trên đề xuất cơ bản do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra, theo đó giữ nguyên nguyên tắc hiện hành là quốc gia EU đầu tiên mà người xin tị nạn nhập cảnh sẽ chịu trách nhiệm về việc có cho phép họ vào EU hay không. Để hỗ trợ các quốc gia “tuyến đầu” ở Nam Âu phải đối mặt với lượng lớn người di cư tiếp cận biên giới qua Địa Trung Hải (Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Malta), các nước EU còn lại có nghĩa vụ tiếp nhận một lượng nhất định người di cư hoặc đóng góp tài chính nếu họ không muốn tiếp nhận.

Tuy nhiên, theo New York Times, thỏa thuận mới của EU chưa nêu được chi tiết về việc họ sẽ trục xuất người không đủ điều kiện xin tị nạn ra sao. EU thiếu các thỏa thuận trao trả người tị nạn với nhiều quốc gia và từng rất vất vả để thuyết phục một số quốc gia ở Trung Đông, châu Phi tiếp nhận người tị nạn bị trục xuất.

Vấn đề di cư từ lâu là nguồn gốc của các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các quốc gia EU. Các nước Nam Âu ven Địa Trung Hải lâu nay phàn nàn họ phải chịu gánh nặng lớn về chi phí và ổn định xã hội do họ là đích đến của làn sóng người di cư đến từ các nước Trung Đông, châu Phi bất ổn. Từ năm ngoái, EU đối mặt với số lượng người di cư trái phép và xin tị nạn ngày càng tăng. Từ đầu năm 2023, cơ quan biên giới Frontex của EU đã ghi nhận hơn 355.000 trường hợp vượt biên trái phép vào khối, tăng 17% so với cùng kỳ. Chỉ riêng Italia, theo Reuters, hơn 152.000 người di cư đã tiến qua biên giới nước này trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng mạnh so với con số 94.000 người cùng kỳ năm 2022, bất chấp việc chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni nhiều lần tuyên bố áp dụng biện pháp mạnh tay ngăn người di cư.

Sau khi thỏa thuận mới được thông qua, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Di cư là một thách thức chung của châu Âu và quyết định ngày hôm nay sẽ cho phép chúng ta cùng nhau giải quyết vấn đề đó”. Bộ trưởng Nội vụ Italy, ông Matteo Piantedosi đánh giá, “việc hiệp ước ra đời là một thành công lớn đối với Châu Âu và Italy, quốc gia luôn nỗ lực tìm một giải pháp cân bằng để các nước biên giới EU, đặc biệt phải chịu áp lực di cư, không còn cảm thấy cô đơn”. Đức cũng hoan nghênh thỏa thuận mới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá văn kiện “sẽ giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt, bao gồm cả Đức”.

Tuy nhiên, vẫn có nước tỏ ra không hài lòng với văn kiện. Theo Euronews, Hungary một lần nữa phản đối việc họ buộc phải tiếp nhận người di cư theo định mức mà EU đưa ra. “Chúng tôi từ chối hiệp ước di cư này theo những điều kiện mạnh mẽ nhất có thể”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phát biểu. “Chúng tôi sẽ không tiếp nhận bất cứ ai trái với ý muốn của mình. Không ai từ Brussels hay bất cứ nơi nào khác có quyền yêu cầu chúng tôi rằng chúng tôi phải chào đón người nào đó”.

Để chính thức có hiệu lực, thỏa thuận sẽ cần được phê duyệt bởi Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu. Các nhà đàm phán trông đợi văn kiện sẽ được chấp thuận trước khi nhiệm kỳ của Nghị viện châu Âu kết thúc tháng 6/2024.

Giới chuyên gia đánh giá, bên cạnh các gói biện pháp từ bên trong đường biên giới EU, các nước châu Âu cũng cần tính toán đến việc tăng cường hợp tác với các quốc gia bên ngoài khối để kiểm soát dòng người di cư.

Cách đây vài tuần, quan chức phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định, các nước EU cần đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực trợ giúp khu vực châu Phi và Trung Đông phát triển kinh tế-xã hội ổn định, khôi phục niềm tin vào cuộc sống ở quê nhà. Chừng nào xung đột và bất ổn còn tràn lan, hàng trăm ngàn người sẽ vẫn cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu với hi vọng có tương lai tốt hơn. Bên cạnh nguy cơ không được tiếp nhận, người di cư còn đối mặt khả năng thiệt mạng bất cứ lúc nào trong hành trình lênh đênh trên biển. Dữ liệu từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) chỉ ra rằng có 2.511 người đã được báo cáo mất tích ở Địa Trung Hải trong năm nay, hầu hết là người di cư.

Thái Hà

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra.

Chiều 26/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt giữ B.V.L (SN 1994), để điều tra, làm rõ các loại hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ trái pháp luật.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文