Chiến sự Nga – Ukraine: Hết ngày dài, rồi lại đêm thâu…

16:46 05/11/2024

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang sắp bước vào mùa đông thứ 3 liên tiếp, có nghĩa là cuộc giao tranh đã kéo dài gần 3 mùa xuân. Gần 3 năm trôi qua nhưng Moscow vẫn chưa tuyên bố đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, còn phía Kiev cũng chưa cho thấy dấu hiệu của sự phòng thủ thành công, bất chấp một vài “thành tích” nhỏ gần đây...

Cuộc chiến tiêu hao với cả 2 bên

Liên hợp quốc (LHQ) mô tả đây là cuộc khủng hoảng phát triển nhanh nhất kể từ Thế chiến II. Trong tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự, LHQ báo cáo rằng hơn một triệu người tị nạn đã chạy khỏi Ukraine; sau đó con số này tăng lên 8 triệu nhưng sau đó giảm còn khoảng 7,4 triệu vào ngày 24/9/2022, do một số người tị nạn trở về.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã đến New York gặp Tổng thống Mỹ Biden để trình “kế hoạch chiến thắng”.

Một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ đã yêu cầu Nga rút toàn bộ lực lượng, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) cũng ra lệnh cho Nga đình chỉ các hoạt động quân sự và Hội đồng châu Âu đã trục xuất Nga. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới, ảnh hưởng đến nền kinh tế của Nga và thế giới, và bắt đầu viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine.

Lực lượng Ukraine đã phát động các cuộc phản công ở phía Nam vào tháng 8/2022 và ở phía Đông Bắc vào tháng 9/2022. Vào ngày 30/9, Nga tuyên bố sáp nhập bốn vùng của Ukraine đã kiểm soát thành công trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự.

Cuộc phản công của Ukraine ở phía đông bắc đã thành công trong việc chiếm lại phần lớn vùng Kharkiv vào tháng 9. Còn ở phía nam, Ukraine đã chiếm lại thành phố Kherson vào tháng 11 và lực lượng Nga đã rút lui về bờ đông của sông Dnieper. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của giới phân tích thì chiến dịch phản công của Ukraine đã không đạt được thành công như mong muốn, và đã không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Cũng chính vì phản công bất thành mà nội bộ ban lãnh đạo cấp cao của Ukraine đã xảy ra mâu thuẫn, bất hòa âm ỉ, dẫn đến việc Tổng thống Zelensky sa thải tướng Tổng tư lệnh quân đội Valeri Zaluzhnyi vào tháng 2/2024.

Từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, Nga được đánh giá là đã gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, sử dụng các loại vũ khí khó bắn hạ hơn, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, lực lượng Ukraine rơi vào cảnh thiếu đạn dược, đặc biệt là hệ thống phòng không Patriot vốn được xem là “biện pháp phòng thủ tốt nhất của họ trước các cuộc tấn công như vậy”.

Thống kê của truyền thông quốc tế cũng như các cơ quan nghiên cứu, tình báo phương Tây đều không thống nhất về con số thương vong binh sĩ của cả 2 bên. Nhìn chung, tính đến thời điểm hiện tại, tổn thất về con người của cả hai bên đã lên đến hàng trăm nghìn mỗi bên; cùng với hàng ngàn khí tài quân sự, phương tiện chiến tranh. Những người yêu chuộng hòa bình cho rằng cuộc chiến càng kéo dài, tổn thất chắc chắn sẽ càng gia tăng cho cả hai bên, cho dù thắng hay thua.

“Cuộc chiến ủy nhiệm” của NATO?

Dư luận thế giới cho rằng cuộc xung đột đã gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Nga và NATO. Nhưng chính NATO, đứng đầu là Mỹ, đã hết lần này đến lần khác dồn ép Nga đi đến chỗ phải hành động. Mấu chốt của xung đột vẫn là việc NATO luôn tìm cách mở rộng khối về phía đông, áp sát biên giới Nga, thu hẹp không gian, đe dọa an ninh quốc gia của Nga. Trong đó, việc NATO mong muốn kết nạp Ukraine làm thành viên là “giọt nước tràn ly”.

Pháo tự hành Krab do Ba Lan cung cấp cho Ukraine bị Nga thu giữ.

Ngay từ đầu chiến dịch quân sự, Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng NATO sẽ sử dụng Ukraine để phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Nga. Trong các bài phát biểu vào tháng 2/2022, Tổng thống Putin đã tuyên bố NATO “đang xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Ukraine và đe dọa Nga”, buộc ông phải ra lệnh phát động chiến dịch. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov mô tả cuộc xung đột là một “cuộc chiến ủy nhiệm” do NATO khởi xướng. Ông nói: “Chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi đang ở trong tình trạng chiến tranh với NATO... Thật không may, NATO tin rằng họ đang ở trong tình trạng chiến tranh với Nga”.

Còn phía NATO thì nói rằng họ chỉ là ủng hộ Ukraine trong “quyền tự vệ của mình theo Hiến chương LHQ”. NATO đã ủng hộ Ukraine bằng cách lên án Nga bằng “những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể” và hàng chục ngàn biện pháp trừng phạt về kinh tế, chính trị, ngoại giao,… đối với Nga. Trong vài tháng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự, hàng loạt lãnh đạo chính phủ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan… đã đến Kiev gặp gỡ, động viên và bày tỏ “sự ủng hộ sắt đá” dành cho Ukraine trong cuộc đối đầu với nước Nga.

Vấn đề viện trợ luôn gây ra tranh luận gay gắt trong nội bộ các nước phương Tây. Ở Mỹ, sau nhiều tháng giằng co căng thẳng, đến tháng 4/2024, Quốc hội Mỹ đã đồng ý thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỉ USD cho Ukraine. Cựu giám đốc CIA Leon Panetta nói với báo chí rằng “Mỹ không còn nghi ngờ gì nữa đang tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga” kể từ khi Washington gật đầu đồng ý viện trợ quân sự cho Ukraine.

Các quốc gia NATO cũng đã thừa nhận “gửi viện trợ quân sự cho Ukraine để đáp trả hành động quân sự của Nga”. Dưới sức ép vận động của ông Zelensky, Mỹ và NATO từng bước nâng cấp khí tài viện trợ, từ các loại đạn dược, pháo thông thường dần dần đến các vũ khí hiện đại hơn, hỏa lực cao hơn, xa hơn, gồm hàng trăm xe tăng, pháo, lựu pháo, tên lửa HIMARS, hệ thống phóng tên lửa đa năng M720, cùng nhiều loại đạn dược khác. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên phương Tây tuyên bố sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine để tăng cường sức mạnh không quân chống Nga. Một tháng sau, những chiếc F-16 đầu tiên đã được chuyển đến Ukraine. Ngày 26/8, chiếc F-16 đầu tiên bị bắn hạ trên chiến trường miền Đông Ukraine.

Khi gửi vũ khí tấn công cho Ukraine, các quốc gia NATO buộc phải vạch “lằn ranh đỏ” quy định “cấm” Ukraine bắn những vũ khí đó vào bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, do sức ép từ sự vận động quyết liệt, thường xuyên của ông Zelensky, tháng 5/2024, các quốc gia NATO đã cho phép Ukraine bắn vũ khí do phương Tây cung cấp vào các mục tiêu quân sự bên trong Nga và  khi đó mới chỉ là để tự vệ.

NATO đã từ chối lời kêu gọi của Ukraine về việc thực thi vùng cấm bay trên Ukraine, và Mỹ đã yêu cầu Ukraine ngừng tấn công các nhà máy lọc dầu và radar cảnh báo sớm ở Nga. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Ukraine liều lĩnh dùng UAV tấn công một trạm radar cảnh báo sớm Voronezh M của Nga gần thành phố Orenburg, thủ phủ vùng Orsk, nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Đầu tháng 8/2024, lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga và theo báo cáo của phía Ukraine, chỉ trong vài ngày đã chiếm được một khu vực rộng tới 350 km2. Đến ngày 19/8, Ukraine đã bắt giữ hàng trăm binh lính Nga trong cuộc tấn công. Đầu tháng 9/2024, Ukraine tuyên bố kiểm soát hơn 100 ngôi làng, khu vực chiếm đóng rộng diện tích rộng 1.000 km2  và thiết lập quyền kiểm soát. Tuy nhiên, từ hạ tuần tháng 9, quân đội Nga đã đẩy mạnh các đợt phản công và đã lấy lại hàng chục ngôi làng. Ukraine tuyên bố chiến dịch tấn công tỉnh Kursk là một thành công, nhưng các báo cáo trên thực địa chiến trường cho thấy Kiev đã phải trả giá đắt cho chiến dịch này, vừa bị đẩy lùi ở Kursk, vừa thất thủ ở miền Đông. Điển hình nhất, ngày 2/10, ông Zelensky đã buộc phải thừa nhận “thực tế tiền tuyến đang rất khó khăn”, cụ thể là thành phố chiến lược Ugledar (Vuhledar) đã thất thủ và Kiev đã tuyên bố rút quân.

Trong tháng 9/2024, Ukraine không ngừng đưa ra yêu cầu NATO cho phép sử dụng vũ khí do NATO cung cấp tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga nhằm “buộc Nga dừng tấn công Ukraine”. Ngày 22/9, ông Zelensky đã đến Washington tham dự Đại hội đồng LHQ, đồng thời để gặp gỡ giới chức lãnh đạo Mỹ để trình một bản “kế hoạch chiến thắng” và tuyên bố cuộc chiến Nga-Ukraine “sẽ kết thúc sớm hơn mọi người tưởng”.

Tuy nhiên, NATO còn đang lưỡng lự, chưa quyết định, bởi không thể xem thường tuyên bố về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Moscow, nếu vũ khí NATO tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Trương Hùng (tổng hợp)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文